Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp Đoàn doanh nghiệp Slovakia

Thứ hai, 18/07/2016 14:31

Sáng 18/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp Slovakia do ông Vladimir Lezak – Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư thương mại làm trưởng đoàn.

img
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp Slovakia
 
Tham dự buổi tiếp, về phía Việt Nam có đại diện các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ TT&TT và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, VNG. Về phía Slovakia có đại diện 10 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó có những tên tuổi như: Mega Max Media, MicroStep-MIS, Virtual Reality Media.
 
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao việc có tới 10 trong tổng số 18 doanh nghiệp lớn tháp tùng Thủ tướng Slovakia sang thăm Việt Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT.
 
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của CNTT-TT trong phát triển kinh tế-xã hội, coi đây là một trong những hạ tầng thiết yếu cần ưu tiên đầu tư nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
 
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT-TT, đồng thời thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia thị trường.
 
Việt Nam hiện đang được coi là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trở thành một thị trường có khả năng cạnh tranh cao trên thế giới. Việt Nam có khoảng 141 triệu thuê bao điện thoại, 49 triệu người sử dụng mạng Internet. Công nghiệp CNTT-TT năm 2015 đạt hơn 40 tỷ USD. Mạng lưới bưu chính công cộng phát triển rộng khắp với số lượng điểm phục vụ bưu chính đạt hơn 13.000 điểm. Việt Nam đang là điểm đến số một trong khu vực của các tập đoàn CNTT-TT đa quốc gia.
 
img
 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng bức tranh tem bưu chính cho ông Vladimir Lezak – Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư thương mại nước Cộng hòa Slovakia
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT trong Chính phủ chính là động lực thúc đẩy cải cách hành chính. Việt Nam đã triển khai hạ tầng kỹ thuật CNTT truyền dẫn trên quy mô quốc gia, mạng máy tính hầu như đã hoàn thiện, đã lắp đặt và vận hành hệ thống họp truyền hình trực tuyến từ Trung ương tới địa phương. Hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, các cơ sở dữ liệu lớn, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về con người, tài nguyên và môi trường, tài chính, kinh tế, công nghiệp và thương mại … góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước.
 
Xác định CNTT là công cụ để thu hẹp khoảng cách số, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang nỗ lực để đạt 5 mục tiêu cụ thể sau: Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành CNTT- TT hàng năm tăng gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Đến năm 2020, tỷ trọng CNTT-TT đóng góp cho GDP từ 8-10%; Phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế cả về số lượng và chất lượng; Phát triển nhanh cơ sở hạ tầng băng thông rộng trong phạm vi cả nước, đặc biệt tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; Phổ cập thông tin, bao gồm việc truy cập Internet, phổ cập trang thiết bị máy tính và TV cho người dân không chỉ ở thành thị mà còn tới miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
 
Để đạt được 5 mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng, yếu tố chủ lực của các doanh nghiệp CNTT-TT. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam kêu gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các công ty quốc gia và quốc tế vào các chương trình đề án trong lĩnh vực này.
 
Qua các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường CNTT-TT Việt Nam, Bộ trưởng tin tưởng rằng các doanh nghiệp Slovakia với thế mạnh về vốn, kinh nghiệm và công nghệ sẽ tìm thấy cho riêng mình các cơ hội hợp tác và đầu tư tại thị trường Việt Nam.
 
Bộ trưởng cũng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam và Slovakia tạo nhiều cơ hội gặp gỡ, thảo luận, tìm ra những sáng kiến và đưa các ý tưởng này thành các đề án khả thi, phương thức tổ chức triển khai cụ thể và đề xuất nhiều khuyến nghị lên các cơ quan quản lý của cả hai nước.
 
img
 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn doanh nghiệp Slovakia
 
Tại buổi tiếp, đại diện Đoàn doanh nghiệp Slovakia đã có những giới thiệu khái quát về tình hình phát triển CNTT-TT của nước này. Theo đó, nền kinh tế Slovakia có ba lĩnh vực trọng điểm: Sản xuất ô tô, sản xuất thiết bị điện tử và CNTT. Ngành CNTT-TT đóng góp 4% cho GDP Slovakia. Mặc dù dân số Slovakia chỉ là 5 triệu người nhưng hàng năm có tới 3.400 sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường, bổ sung nhân lực cho ngành CNTT nước này. Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Deloitte, 5 công ty công nghệ Slovakia có tên trong danh sách 50 công ty có tiềm năng nhất châu Âu.
 
Cũng tại buổi tiếp, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Slovakia đã có cơ hội giới thiệu với các đối tác về lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ là thế mạnh của mình và đưa ra các đề xuất, đề nghị hợp tác cùng nhau trong thời gian tới.
 
FPT là một trong các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện tại Slovakia từ năm 2014 sau khi sáp nhập với IWIT để thành lập FPT Slovakia. Hiện FPT Slovakia có 357 nhân viên, cung cấp giải pháp CNTT cho các khách hàng tại Slovakia, Đức và các nước khác ở châu Âu./.
Giang Phạm - Ảnh: Thảo Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top