Đặng Văn Thân - vị “tư lệnh” ngành Bưu điện luôn “cháy” hết mình

Thứ ba, 13/06/2017 10:21

Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân (Ba Thân) không phải là vị “tư lệnh” đầu tiên của ngành Bưu điện, nhưng là vị “tư lệnh” đầu tiên được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Nhắc về kỷ niệm với ông Ba Thân, những người trong Ngành luôn nói đến hai vốn quý: Trong công việc ông luôn “cháy hết mình”, trong quan hệ ông là người "sống nghĩa tình".

 20170613-l3_1.JPG

Ông Đặng Văn Thân nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới
 
Học quên mình, làm việc hết mình…
 
Chị Đặng Thị Nga - nguyên Giám đốc Bưu điện TPHCM, con gái của ông Ba Thân - nhớ lại: “Ba tôi rất say mê học, đọc và nghiên cứu. Thời ở Nam vào chiến khu, ông mới học tới lớp 5, lớp 6. Tập kết ra Bắc, ông bền bỉ học lên rồi được cử đi đào tạo ở Liên Xô. Đi đâu ba cũng mang theo sách để đọc và học, có khi mải đọc mà chân mang dép, chân đi trần…”.
 
Anh hùng Lao động Đặng Văn Thân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện - là một gương điển hình về sự tự học và nghiên cứu. Trong một bài viết về kỷ niệm với ông Ba Thân, nhà báo Nguyễn Tiến Linh - nguyên Trưởng đại diện Báo Bưu Điện tại TPHCM - có đoạn: “Một lần ông đi công tác bên Cuba, khi về cùng với những tài liệu, ông còn mua một ít transistor - như ông nói, để phòng khi máy móc chỗ nào trục trặc có cái mà thay”. Nhà báo Nguyễn Tiến Linh được ông Ba Thân nhận về ngành Bưu điện năm 1983. Anh Linh đưa ra ghi nhận từ nhận xét của nhiều người: Ông Ba Thân là người “biết thu phục nhân tâm, hết mình chăm lo cho công việc, dám nghĩ dám làm; giản dị, chân thành nhưng mạnh mẽ, quyết liệt đúng chất của người con quê hương đồng khởi Bến Tre”.
 
Thời ông Đặng Văn Thân làm Giám đốc Trung tâm Viễn thông III (năm 1983), những gì tiếp quản được sau chiến tranh là mạng lưới viễn thông với những thiết bị cũ kỹ, lạc hậu như vô tuyến sóng ngắn HF, vi ba Jerol, dây trần cùng với một số tổng đài cộng điện, telex, teletype…, trong khi Trung tâm phải đảm bảo trục đường truyền (cấp I) trong nước và quốc tế. Nỗi lo lớn nhất khi ấy là sự gián đoạn thông tin Bắc-Nam. Với tính cách mạnh mẽ và quyết liệt, ông Ba Thân đã chỉ đạo xây dựng một “Trung tâm Miền” với việc lấy Đội dây-máy 335 (cơ vụ An Phú - Thủ Đức) và Đài vi ba Sài Gòn làm đầu mối chuyển thông tin từ TPHCM ra Hà Nội.
 
Những người từng làm việc trong Ngành hầu như có chung đánh giá rằng, dấu ấn nổi bật nhất của ông Ba Thân là khi ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện (1984-1997). Đó là thời kỳ đổi mới mạnh mẽ cùng với nhiều ngổn ngang và thách thức. Đó là khi ngành Bưu điện đứng trước cơ hội lựa chọn hiện đại hóa hay chấp nhận bị tụt hậu. Và tất nhiên, ông Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân chọn lựa hiện đại hóa, nhưng còn nâng lên một mức quyết liệt hơn: Bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dạng hóa dịch vụ… Vượt qua rào cản cấm vận của Mỹ bằng cách tìm kiếm những công nghệ mới, tiên tiến từ Australia, Pháp, Italia, Hàn Quốc… Ngành Bưu điện đã chuyển mình có tính bước ngoặt từ những năm ấy để có đà theo kịp công nghệ của thế giới như ngày nay.
 
20170613-l4_1.jpg 
 
Ông Đặng Văn Thân chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Thi đua ngành Bưu điện thời kỳ đổi mới
 
… và sống nghĩa tình
 
Chị Nga đã về hưu và bây giờ có nhiều thời gian chăm sóc ba mình. Vị nguyên “tư lệnh” ngành Bưu điện, sau nhiều năm cống hiến, qua nhiều lần tai biến, cả chục năm nay nằm liệt giường. Chị Nga tâm sự: “Ba tôi say mê công việc. Những tháng năm làm việc dường như ông đã ‘cháy’ hết, khi về hưu như ngọn đèn đã cạn dầu…”.
 
Nguyên “tư lệnh” ngành Bưu điện về hưu đúng với nghĩa của từ này: Chỉ có sổ hưu mang về gia đình. “Thời còn làm việc ba tôi không có thời gian tiêu tiền và cũng không có nhu cầu tiêu tiền. Ông cũng luôn giáo dục con cái phải chăm làm việc và sống đàng hoàng, không để xảy ra sai trái. Anh chị em chúng tôi cứ thế sống và làm việc và ba cũng không phải lo về kinh tế cho gia đình nên càng yên tâm công tác” - chị Nga kể.
 
Nhà báo Tiến Linh cho biết, anh chụp được những kiểu ảnh về ông Ba Thân khi ấy ở cương vị Tổng Cục trưởng, trong một lần công tác ở phía Nam, ông đã tranh thủ ghé nghĩa trang Giao bưu - Thông tin Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) viếng các liệt sĩ Ngành và rưng rưng lệ. Ông Ba Thân không chỉ sống nghĩa tình và trong cư xử ấm áp, gần gũi với đồng nghiệp, anh em cấp dưới mà với các đối tác nước ngoài, ông cũng tạo dựng cho họ niềm tin bên cạnh đối tác còn là bạn bè. 
Theo Thẩm Hồng Thụy - Báo Lao động
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top