Công bố đề án "Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025"

Thứ tư, 26/12/2018 10:07

Sáng 25/12, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025”.

Tham dự buổi lễ có ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Văn Yên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo TP Đà Lạt, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh.
 
20181226-m01.jpg
 
Lãnh đạo tỉnh, TP Đà Lạt cùng ấn nút - Chính thức vận hành Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025”
 
Tại buổi lễ, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Điều hành đề án đã Công bố Quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 5/7/2018  của UBND tỉnh Lâm Đồng và nêu lên bản tóm tắt của Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025”. Theo đó, mục tiêu đề ra là xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh qua việc ứng dụng Công nghệ thông tin-viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến năm 2025, TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam.
 
Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025 xác định lộ trình thực hiện theo mô hình 4 trụ cột chính: Quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Theo đó, các lĩnh vực và nội dung - được giao cho các sở chuyên ngành chủ trì, đã và đang được triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên, gồm: Chính quyền điện tử, Quy hoạch đô thị và quản lý đất đai, Nông nghiệp, Du lịch, Thành phố an toàn, Môi trường, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Giao thông. 
 
Lộ trình thực hiện đề  án xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh được chia làm 2 giai đoạn.
 
Giai đoạn thứ nhất từ năm 2018 - 2020 với nội dung là thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho thành phố thông minh và triển khai nhu cầu ưu tiên chính quyền số, quy hoạch đô thị. Trong đó sẽ tập trung xây dựng và thiết lập khung công nghệ, nền tảng hạ tầng và dữ liệu cho thành phố thông minh, nền tảng an toàn an ninh thông tin; tập trung triển khai xây dựng chính quyền số, xây dựng các ứng dụng thông minh trong hoạt động quản lý quy hoạch đô thị; lựa chọn và triển khai một số ứng dụng thông minh ưu tiên trong các lĩnh vực. 
 
Giai đoạn tiếp theo từ năm 2021 - 2025 sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trên khung nền tảng dùng chung, mở rộng cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn. Cụ thể: triển khai các lĩnh vực khác theo lộ trình là du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn; hình thành nền tảng dữ liệu công dân, doanh nghiệp phục vụ, nâng cao tính tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cung cấp dữ liệu mở; hình thành nền tảng phân tích dữ liệu lớn; liên tục cải tiến và mở rộng những  ứng dụng trong các lĩnh vực theo hướng ngày càng thông minh hơn.
 
Đề án cũng đã nêu rõ 4 nhóm giải pháp thực hiện đề án về: Tổ chức; Cơ chế chính sách; Tài chính; Chương trình truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người dân tham gia vận hành thành phố thông minh. Các đơn vị được phân công cụ thể cần bám sát và thực hiện nghiêm túc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
20181226-m02.jpg
 
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Quyết định thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025”
 
Trong khuôn khổ lễ công bố, Đại diện Ban điều hành Đề án của tỉnh và lãnh đạo TP. Đà Lạt cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông hỗ trợ xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Đồng thời, đại diện các Tập đoàn VNPT, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Công ty Vina Smart led, Đài Tiếng nói Việt Nam… cũng đã giới thiệu sản phẩm và thuyết minh chi tiết các ứng dụng thông minh về Giáo dục, chiếu sáng, thành phố an toàn… 
 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá cao công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và sự nỗ lực của các ngành, TP Đà Lạt trong quyết tâm xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh cần phải nghiên cứu kỹ càng, có phương án cụ thể để đảm bảo sự phát triển hài hòa của TP Đà Lạt, phát triển thành đô thị hiện đại nhưng vẫn phải phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng TP Đà Lạt đạt chuẩn hiện đại, tiện ích, bền vững. 
 
Tại lễ công bố, ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo, phân công cụ thể từng nhiệm vụ cho các sở, ngành thực hiện lộ trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Sau lễ công bố này, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị của tỉnh, lãnh đạo TP Đà Lạt cần tập trung chỉ đạo, khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai đề án thực tế; Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân, xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của đề án; Phát huy sức mạnh tổng hợp của tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tiếp thu có chọn lọc các công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố và của tỉnh để thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao nhất”.
 
20181226-m03.jpg
 
Đại diện Ban điều hành Đề án của tỉnh và lãnh đạo TP. Đà Lạt cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông hỗ trợ xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh 
 
Các lĩnh vực triển khai ưu tiên:
 
+ Chính quyền điện tử: nền tảng để xây dựng chính quyền số,  hình thành chính quyền thông minh.
 
+ Quản lý quy hoạch đô thị: Hướng đến quản lý quy hoạch đô thị thông minh, đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương
 
Các lĩnh vực thế mạnh, trọng tâm theo định hướng chung của thành phố Đà Lạt:
 
+ Nông nghiệp: Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh sẵn có của Đà Lạt, với những thương hiệu về rau sạch, hoa sạch không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt được xác định vẫn còn nhiều.
 
+ Du lịch: Đà Lạt đã trở thành thương hiệu du lịch không những của quốc gia mà của khu vực. Để phát huy thế mạnh, đồng thời ứng dụng nhanh chóng những tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt ngày càng lớn mạnh. Ngành du lịch (đặc biệt là du lịch canh nông) được xác định là ngành kinh tế động lực của tỉnh nên cần được đầu tư công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quảng bá xúc tiến và cung cấp tiện ích thiết thực cho du khách, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.
 
+ Môi trường: Thế mạnh của Đà Lạt về du lịch, về nông nghiệp phần lớn có được từ những ưu đãi tự nhiên về môi trường. Chính vì vậy, việc khai thác phải đi đôi với bảo vệ môi trường, có như vậy Đà Lạt mới giữ vững được lợi thế cạnh tranh của mình cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương.
 
Các lĩnh vực phục vụ những nhu cầu hằng ngày của người dân và các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cho thành phố bao gồm: Giáo dục, Y tế, Giao thông, An ninh an toàn (thành phố an toàn).
 
Diễm Thương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top