Sau 10 năm triển khai Luật CNTT: Vĩnh Phúc hướng đến chính quyền điện tử

Thứ tư, 31/08/2016 16:35

Những năm qua, nhất là sau 10 năm thực hiện Luật CNTT, với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, Vĩnh Phúc đã tạo lập được nền tảng hạ tầng CNTT vững chắc – tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chính quyền điện tử.

2016831-m16.jpg
 
Như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, 10 năm trước, việc ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Vĩnh Phúc còn là khái niệm mới mẻ, bởi hạ tầng mạng nội bộ mới đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện; trang thiết bị, nhân lực CNTT còn nhiều hạn chế. Tại các cơ quan, đơn vị, phần lớn công việc, nhất là các văn bản chỉ đạo, điều hành, các báo cáo, giấy mời họp…đều chuyển qua hệ thống bưu điện, thông báo qua điện thoại hoặc phải cử cán bộ mang các loại công văn, giấy tờ, văn bản đến cơ quan, đơn vị cần gửi, gây lãng phí rất lớn về thời gian, sức lao động và giấy mực. Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và chưa có mạng truyền số liệu dùng chung. Kết nối Internet ADSL mới có ở thành phố Vĩnh Yên cho nên phần lớn cơ quan, đơn vị sử dụng máy tính vào các công việc đơn giản như xem tin tức, soạn thảo văn bản, số ít mới sử dụng máy tính để trao đổi thư điện tử.  
 
Ông Cao Văn Nguyên, Phó Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sau 10 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, song cùng một lúc Vĩnh Phúc phải đầu tư phát triển nhiều ngành, lĩnh vực nên ngân sách dành cho phát triển nguồn nhân lực CNTT chưa nhiều, khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hạ tầng CNTT còn yếu kém, tỉnh chưa thu hút được cán bộ CNTT có trình độ, chuyên môn giỏi. Năm 2007, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành sử dụng máy tính mới đạt 90%; tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng 87%. 50% dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng Internet, 10% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi trên môi trường mạng. Đặc biệt, tỷ lệ các cơ quan, đơn vị có kết nối mạng WAN là 0%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị có Website và đưa thông tin chỉ đạo điều hành lên Website mới đạt 16%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người sử dụng Internet 1,7%;  tỷ lệ máy tính/hộ gia đình 8,5%, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng 1,49%. Doanh thu từ lĩnh vực CNTT đóng góp vào ngân sách không đáng kể.
 
Nhớ như in những tháng ngày nhọc nhằn cùng đồng nghiệp đi tập huấn CNTT ở cơ sở, ông Cao Xuân Tới, Phó phòng phụ trách Phòng kỹ thuật, Trung tâm CNTT&TT, Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: "10 năm trước, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã rất khó khăn do các địa phương thiếu trang thiết bị CNTT, nhất là hệ thống máy tính. Ngoài hướng dẫn tỉ mỉ cách cài đặt, sử dụng các phần mềm thì mỗi lần cử cán bộ đi tập huấn ở tuyến huyện, Sở Thông tin và Truyền thông đều phải điều thêm các chuyến xe chở máy tính và các thiết bị liên quan. Đặc biệt, các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT nên khi máy tính hoặc đường truyền gặp sự cố, đơn vị lại phải đợi cán bộ Tổ ứng cứu, Sở Thông tin và Truyền thông về sửa chữa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị."
 
Vượt qua những khó khăn, thách thức này, những năm qua, nhất là ngay sau khi Luật CNTT có hiệu lực, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn Luật CNTT tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị; tham mưu với HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch về ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước, nhất là Nghị quyết 41 về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức làm về CNTT, viễn thông nhằm giữ chân, thu hút đội ngũ cán bộ giỏi về CNTT. Cùng với đó, Sở thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đào tạo về CNTT. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, Sở đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 4.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả tham mưu, quản lý, vận hành các ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị; làm cơ sở cho các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.  
 
3 năm trở lại đây, công việc văn thư của chị Nguyễn Thị Lâm và chị Phùng Thị Thúy, Sở Kế hoạch và Đầu tư trở nên “nhàn” hơn khi Sở đẩy mạnh việc sử dụng 3 ứng dụng nền tảng CNTT là phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ và Cổng Thông tin điện tử. Chị Nguyễn Thị Lâm cho biết, trung bình mỗi ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận và chuyển từ 100 – 120 văn bản, có thời điểm như cuối năm, giữa năm thì nhận và chuyển vài trăm văn bản. "Thay vì phải in ấn, chạy đôn cháy đáo để luân chuyển văn bản, trình lãnh đạo, giờ đây, nhờ có phần mềm điều hành và quản lý văn bản, chúng tôi chỉ cần ngồi tại phòng và chiếc máy tính kết nối mạng Internet là chuyển kịp thời các loại công văn, giấy tờ theo yêu cầu của lãnh đạo, nhất là có thể theo dõi quy trình xử lý văn bản đang nằm ở khâu, bộ phận nào. Ngoài ra, việc tìm kiếm các loại văn bản rất thuận tiện, chính xác và có thể gửi ngay đến lãnh đạo, kể cả khi lãnh đạo đi công tác ở nước ngoài chỉ bằng mấy cú nhấp chuột."- chị Lâm nói. 
 
Với mục hiện đại hóa nền hành chính công và hướng đến “Văn phòng không giấy mực”, ngay từ cuối năm 2014, UBND huyện Bình Xuyên cũng đẩy mạnh 3 ứng dụng nền tảng CNTT. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên cho biết: "Thay vì gọi điện thoại, cử cán bộ mang các loại văn bản, giấy tờ từ phòng này sang phòng khác hay đơn vị khác, giờ đây, nhiệm vụ hằng ngày của tất cả các bộ công chức, viên chức ở Bình Xuyên là thường xuyên truy cập vào phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử công vụ để biết được công việc, nhiệm vụ phải giải quyết trong ngày. Với đội ngũ cán bộ văn phòng chúng tôi thì phần mềm quản lý chẳng khác nào cánh tay phải, nó giúp quản lý tốt toàn bộ các văn bản đến, văn bản đi và các văn bản khác thuộc quy trình xử lý. Ngoài ra còn giúp tiết giảm đáng kể chi phí mua giấy, mực để in công văn từ văn phòng gửi đi".  
 
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Luật CNTT, nhất là sau 3 năm thực hiện Quyết định số 1879 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lĩnh vực CNTT ở Vĩnh Phúc có sự phát triển vượt bậc cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, khoảng 96% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh; 91% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, sử dụng mạng máy tính để truy cập Internet tìm kiếm, khai thác thông tin phục vụ tác nghiệp. 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN; 100% kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Khoảng 95% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và 90% cấp huyện có máy tính; 100% số xã, phường có máy tính nối mạng Internet băng rộng. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 32%; tỷ lệ gia đình có máy tính  đạt 19.2% và gần 9% hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng.
 
Ba ứng dụng nền tảng CNTT là phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ và cổng thông tin điện tử được nâng cấp với công nghệ hiện đại và triển khai ở hầu hết các cơ quan, đơn vị. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đã tạo lập và cấp hơn 8.000 hộp thư điện tử công vụ cho 100% cơ quan, địa phương. Tỷ lệ thường xuyên sử dụng thư công vụ tỉnh tại cấp huyện đạt 10%, cấp tỉnh đạt gần 25%. Tỷ lệ các loại văn bản, tài liệu trao đổi với bên ngoài như: mời họp, thông báo, kế hoạch, báo cáo…được gửi nhận qua hệ thống tại cấp huyện đạt gần 50%, cấp tỉnh đạt 62,4%. Đặc biệt, phần mềm quản lý văn bản và điều hành với công nghệ hiện đại, tích hợp hệ thống thư điện tử công vụ đã được cài đặt và hướng dẫn sử dụng tại 35 đơn vị, địa phương đang ngày càng phát huy hiệu quả. Các Cổng thông tin điện tử thành phần đi vào hoạt động, bước đầu cung cấp, cập nhật đầy đủ hệ thống bộ máy tổ chức, thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thông tin về dự án, đấu thầu...tạo sự minh bạch và thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong quá trình tiếp nhận thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính.  
 
Việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp CNTT, điện tử cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Ngay sau khi được thành lập, đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, tung ra thị trường các sản phẩm mới với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, làm tăng sản lượng và doanh thu của ngành, chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu ngành công nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Hiện toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp phần cứng, 39 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT, tạo việc làm cho trên 9.000 lao động, với doanh thu tăng trưởng bình quân 12,4%/năm. Linh kiện điện tử tiếp tục khẳng định là mặt hàng chủ lực, dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, với 346,6 triệu USD, chiếm 43% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2016.
 
Ông Vũ Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng đến xây dựng Vĩnh Phúc trở thành chính phủ điện tử, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu với UBND tỉnh một số định hướng, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; hoàn thiện khung kiến trúc chính phủ điện tử. Đặc biệt, trước mặt tập trung vào đẩy mạnh 3 ứng dụng nền tảng CNTT. Đồng thời tăng tiềm lực về CNTT, về kinh phí, đào tạo nguồn lực chuyển giao các ứng dụng công nghệ hiện đại.
 
Cũng theo ông Toàn, điểm mấu chốt để Vĩnh Phúc sớm xây dựng thành công chính quyền điện tử là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải vào cuộc quyết liệt, bởi xây dựng chính quyền điện tử không phải là cái gì xa lạ, thực chất nó là triển khai, thực hiện tốt 3 ứng dụng nền tảng: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử thành phần và thư điện tử công vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cần tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn xã hội hóa...cho các hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, các hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ cộng đồng./.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top