Điều 3.3.LQ.6. Chính sách phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử

Điều 3.3.LQ.6. Chính sách phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử
(Điều 6 Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2006)
1. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến giao dịch điện tử.
2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư và ứng dụng giao dịch điện tử theo quy định của Luật này.
3. Hỗ trợ đối với giao dịch điện tử trong dịch vụ công.
4. Đẩy mạnh việc triển khai thương mại điện tử, giao dịch bằng phương tiện điện tử và tin học hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.
 
Điều 3.3.NĐ.1.5. Chính sách phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số
(Điều 5 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2007)
1. Nhà nước khuyến khích việc sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội để thúc đẩy việc trao đổi thông tin và các giao dịch qua mạng nhằm nâng cao năng suất lao động; mở rộng các hoạt động thương mại; hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
2. Nhà nước thúc đẩy việc ứng dụng chữ ký số và phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số thông qua những dự án trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức; phổ biến pháp luật; phát triển ứng dụng; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, hợp tác và chuyển giao công nghệ liên quan đến chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
3. Nhà nước hỗ trợ hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các ưu đãi khác.
 
Điều 3.3.NĐ.8.7. Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia
(Điều 7 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013)
1. Nhà nước có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển minh bạch, bền vững thông qua Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
2. Nội dung hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia gồm:
a) Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử;
b) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử;
c) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử;
d) Phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử;
đ) Tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử;
e) Hợp tác quốc tế về thương mại điện tử;
g) Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử;
h) Các nội dung khác.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng tham gia, phạm vi áp dụng, cơ chế quản lý, hỗ trợ kinh phí của Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
 
Điều 3.3.TT.22.4. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
(Điều 4 Thông tư số 110/2015/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2015)
1. Việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử.
2. Người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế theo phạm vi quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng theo quy định của Luật Quản lý thuế.
4. Mọi thông báo của cơ quan thuế từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được gửi đến địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế, đồng thời được lưu trữ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Người nộp thuế có thể tra cứu các thông báo qua tài khoản giao dịch thuế điện tử hoặc mã giao dịch điện tử do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cấp cho người nộp thuế.