Điều 3.3.LQ.11. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Điều 3.3.LQ.11. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu
(Điều 11 Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2006)
Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
 
Điều 3.3.NĐ.1.8. Giá trị pháp lý của chữ ký số
(Điều 8 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/03/2007)
1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được công nhận theo quy định tại Chương VII Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.
 
Điều 3.3.NĐ.2.5. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử
(Điều 5 Nghị định số 27/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/03/2007)
1. Hình thức thể hiện, việc gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử.
2. Chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính phải đáp ứng đủ các yêu cầu về quản lý Nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật đối với các chuyên ngành về tài chính.
3. Chứng từ điện tử phải có đủ chữ ký điện tử của những người có trách nhiệm ký chứng từ điện tử.
4. Trường hợp chứng từ điện tử chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền thì hệ thống thông tin phải có khả năng nhận biết và xác nhận việc đã xử lý của những người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong quá trình luân chuyển chứng từ điện tử đến người ký cuối cùng.