Hút thuốc là khởi nguồn của nhiều căn bệnh

Ngừng hút thuốc không những để phòng ngừa ung thư mà còn là biện pháp có hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh khác. 25% các bệnh tim mạch, 80% các viêm phế quản, giãn phế nang mạn tính có thể phòng ngừa bằng ngừng hút thuốc.

Phòng bệnh ung thư: Không lý thuyết nữa, hãy làm ngay việc sau

Thời gian hút thuốc và số lượng thuốc hút hàng ngày liên quan chặt chẽ với ung thư phổi, hạ họng, miệng, thực quản, dạ dày, tuỵ, bàng quang. Mỗi năm trên thế giới có hơn 1 triệu người ung thư phổi chiếm 24% tổng số các loại ung thư.

Ở Anh và ở Phần Lan tiến hành chống hút thuốc lá ở tuổi trẻ và trung niên, sau 20 năm thấy tỷ lệ chết do ung thư phổi ở lứa này giảm xuống được 50 - 70%. Mỹ, việc chống hút thuốc đã làm giảm tỷ lệ mắc ung thư trong thập niên vừa qua.
 
Cần lưu ý rằng, hút thuốc không những gây bệnh ung thư và một số bệnh khác cho chính người hút mà còn gây ra các bệnh này ở những người xung quanh (hút thuốc thụ động). Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm có khoảng 3 - 5 triệu người chết do thuốc lá hoặc cứ 9 giây lại có một người chết vì thuốc lá.
 
Tại Việt Nam, hút thuốc lào, thuốc lá cuộn và ăn trầu thuốc cũng là các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi, ung thư đường hô hấp trên và ung thư khoang miệng.
 
Hút thuốc nói chung làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên 6 lần và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường hô hấp trên lên 5,5 lần. Hút thuốc trên 40 năm có nguy cơ mắc ung thư phổi và ung thư đường hô hấp trên tương ứng là 20 lần và 10 lần so với người không hút thuốc. Những người sống và làm việc với người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc các loại ung thư này cao gấp 2 lần so với người sống và làm việc với người không hút thuốc.
 
Người ta ước tính, thuốc lá hiện nay chịu trách nhiệm tới 500.000 người chết trong 1 năm trên thế giới. Ở Âu Mỹ, nam giới đã ít hút thuốc đi, tỷ lệ ung thư phổi giảm xuống, trong khi đó phụ nữ hút thuốc lại tăng lên kéo theo tỷ lệ ung thư phổi, bệnh phổi tăng.
 
Cần tuyên truyền tác hại của thuốc lá ở khắp mọi nơi, cấm hút thuốc ở những nơi công cộng và hạn chế nền công nghiệp thuốc lá.
 
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tập trung phòng chống tác hại của thuốc lá vào các đối tượng sau: phụ nữ; trẻ em, và thiếu niên; nhóm người có trình độ văn hoá, khoa học thấp; các dân tộc thiểu số; các nước thuộc thế giới thứ 3.
 
Cần thiết tiến hành nhiều biện pháp chống tác hại của thuốc lá bao gồm các biện pháp của các cấp chính quyền, đoàn thể và tổ chức xã hội: tăng cường chống hút thuốc ở nơi công cộng; loại trừ quảng cáo và sản xuất thuốc lá; tăng thuế đối với sản xuất và nhập khẩu thuốc lá; tăng cường vai trò của hệ thống truyền thông với các chương trình giáo dục; đưa ra các con số và hình ảnh về tác hại, hậu quả của thuốc lá; đưa ra những phương pháp bỏ hút thuốc cụ thể.