Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tại Bắc Giang

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, tỉnh Bắc Giang đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh, cấp huyện do các đồng chí Chủ tịch UBND cùng cấp trực tiếp làm Trưởng Ban, để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt ứng dụng CNTT trên địa bàn. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT, Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) và nhiều văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển và ứng dụng CNTT đến từng cấp, ngành trên địa bàn tỉnh. Cuối năm giao cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đánh giá xếp loại mức độ ứng dụng CNTT của từng cơ quan, đơn vị, lấy kết quả xếp loại ứng dụng CNTT làm tiêu chí thi đua và đánh giá, xếp loại người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.

20190516-l1.jpg

Trung tâm Hành chính công được duy trì hoạt động ổn định

Nhằm hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang và đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân và các tổ chức một cách thuận tiện, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều nhiệm vụ đề ra trong những năm qua và thu được kết quả đáng khích lệ.
 
Cụ thể, đã triển khai đến 100% các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã việc ứng dụng một cửa điện tử (MCĐT). Đến nay, phần mềm MCĐT của các sở, ngành đã kết nối liên thông với Văn phòng UBND tỉnh; phần mềm MCĐT của các xã, phường, thị trấn đã kết nối liên thông với phần mềm MCĐT của các huyện, thành phố; phần mềm MCĐT của một số cơ quan chuyên môn đã kết nối liên thông đến một số ngành dọc ở Trung ương. Hoạt động của hệ thống MCĐT của các cấp, các ngành đã đi vào nề nếp và khá hiệu quả. Số hồ sơ giải quyết qua hệ thống MCĐT tăng dần theo các năm, riêng năm 2018, có 63.744/77.855 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua MCĐT cấp sở (đạt 81.85%), 114.438/123.049 hồ sơ tiếp nhận qua MCĐT huyện (đạt 93%).
 
Ngoài ra, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành công việc (QLVB&ĐHCV) đã được triển khai đến 100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc của 16/20 sở, ngành. Đồng thời, 100% các huyện, thành phố đã triển khai phần mềm liên thông đến cấp xã. 100% cơ quan cấp sở và cấp huyện sử dụng phần mềm để phân văn bản đến, văn bản đi và giao việc trên phần mềm, 75% cơ quan cấp sở, 10% cơ quan cấp huyện đã lập hồ sơ điều hành, trao đổi, giải quyết công việc trên phần mềm. Hệ thống phần mềm QLVB&ĐHCV hiện tại đã được nâng cấp, chuẩn hóa đảm bảo liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Đặc biệt, đến nay, 100% các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã có trang thông tin điện tử (TTĐT) để cung cấp thông tin và dịch vụ công nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan và phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Cổng TTĐT của tỉnh phiên bản mới gồm 1 cổng chính và 40 cổng thành phần của các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện.
 
Đến nay, trong tổng số 2.490 thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, Trang TTĐT của các cấp, các ngành đã cung cấp được 1.558 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2; 660 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 272 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Năm 2018, số hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 3 là 2.034 hồ sơ, số hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết mức độ 4 là 6.106 hồ sơ. Tỉnh đã thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh; đồng thời, xây dựng phần mềm MCĐT tích hợp với cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dvc.bacgiang.gov.vn/ để tiếp nhận và trả kết quả các TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
 
Công tác gửi, nhận văn bản điện tử được tỉnh tập trung chỉ đạo, về cơ bản thực hiện tốt, đi vào nề nếp và thu được kết quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử đi ước đạt 92,7%; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số của các sở, ngành đạt 97%; UBND các huyện/thành phố đạt 87,7%. Chữ ký số được triển khai, cung cấp cho 100% các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã; 100% lãnh đạo các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc huyện đã được cấp chứng thư số cá nhân…
 
Riêng về phát triển hạ tầng thông tin, tỉnh Bắc Giang đã triển khai, kết nối cáp quang trực tiếp qua hệ thống mạng tin học diện rộng (WAN) từ Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đến 22 sở, ngành và mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 10/10 UBND huyện, thành phố. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Hành chính công của tỉnh được xây dựng và vận hành duy trì hoạt động ổn định; hệ thống hội nghị truyền hình được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành. Máy tính được trang bị cho 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trung bình 14,9 máy tính/xã. 100% máy tính của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có kết nối mạng LAN và mạng internet tốc độ cao (trừ máy tính soạn thảo văn bản mật) để phục vụ công việc.
 
Xác định con người là yếu tố quyết định sự thành công của mọi hoạt động, đến nay trên địa bàn tỉnh có 17/20 sở, ngành, 6/10 UBND huyện, thành phố đã bố trí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên trách CNTT, còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm. 100% cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) làm việc trong các cơ quan nhà nước có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản đáp ứng và phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
 
Các hệ thống phần mềm dùng chung được triển khai đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm giấy tờ, tăng cường sự giám sát của công dân đối với tổ chức, tăng cường sự giám sát của cấp trên với cấp dưới, từ đó nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết công việc. Từng bước tiến tới cơ quan điện tử, chính quyền điện tử.