Truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất: Có thể sẽ phải thi tuyển để chọn nhà cung cấp dịch vụ

Thứ tư, 20/11/2013 11:24

Nếu đến phút cuối các đài vẫn không thống nhất được phương án hợp tác để cùng xin cấp phép phát sóng truyền hình số mặt đất thì sẽ bắt buộc phải thi tuyển để chọn nhà cung cấp dịch vụ cho khu vực Nam Bộ.

img

Thứ trưởng Lê Nam Thắng tại buổi họp

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng trong buổi nghe báo cáo về định hướng triển khai thiết lập và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình khu vực đồng bằng Nam Bộ, do Bộ TT&TT tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 19/11/2013.

Theo Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất đến năm 2020, Việt Nam sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog theo từng khu vực, từ giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ được chia làm 4 nhóm để ngừng phát sóng truyền hình tương tự theo từng khu vực.

Nhóm 1 là các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog vào cuối năm 2015. Nhóm 2 là các tỉnh phụ cận các thành phố lớn ngừng phát sóng truyền hình analog vào năm 2016. Nhóm 3 là các tỉnh đồng bằng ngừng phát sóng analog vào năm 2016 và nhóm 4 là các tỉnh còn lại trên toàn quốc ngừng phát sóng analog vào năm 2020. Như vậy, từ năm 2015 – 2016 sẽ là thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
img

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, theo chủ trương của Bộ, mỗi khu vực sẽ chỉ cho phép một nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Doanh nghiệp này sẽ được cấp 2 tần số vì không thể chia nhỏ tần số để cấp cho 2 doanh nghiệp cùng làm.

Sau khi Bộ có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai đến các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký làm dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất tại các khu vực đã có 4 doanh nghiệp đăng ký nộp hồ sơ xin cấp phép. Trong đó, tại khu vực Nam Bộ có Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) và Đài PT-TH Vĩnh Long đăng ký hợp tác để cùng xin cấp phép phát sóng tại khu vực Nam Bộ. Tại khu vực Bắc Bộ, có Đài PT-TH Hà Nội và Công ty Điện tử HANEL cũng hợp tác để xin cấp phép. Đài PT- TH Hải Phòng một mình nộp hồ sơ xin cấp phép.

Tuy nhiên, đến thời điểm này việc đăng ký hợp tác giữa Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) và Đài PT-TH Vĩnh Long để cùng xin cấp phép phát sóng tại khu vực Nam Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi theo ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT- TH Vĩnh Long, việc thành lập doanh nghiệp cổ phần chung giữa 2 đài sẽ phải tách bộ phận con người, vật chất tham gia vào công ty chung sẽ mất ít nhất từ 1 – 2 năm. Hơn nữa, việc “đưa quân” lên Đài HTV cũng rất khó khăn vì nhiều người đã quen thuộc với địa bàn Vĩnh Long, không muốn đi xa…

Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV cũng cho rằng, việc phân rõ quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của 2 bên là rất khó, đòi hỏi phải có đơn vị chủ trì để có những điểm chung.

Ông Hòa cho biết thêm, đối với TP.HCM việc ngừng phát sóng analog vào năm 2015 và thay vào đó sẽ phát sóng hoàn toàn bằng kỹ thuật số là chuyện có thể làm được dễ dàng. Bởi hiện tại, truyền hình cáp ở thành phố đã phủ sóng tới 90% số máy truyền hình, đặc biệt ở các quận trung tâm.

Sắp tới, truyền hình cáp HTVC sẽ phủ sóng tới các quận huyện vùng ven TP.HCM để người dân có thể tiếp cận nhiều kênh truyền hình hơn. Và đến năm 2015, HTV sẽ lên kế hoạch hỗ trợ người dân khi chuyển qua phát sóng truyền hình hoàn toàn bằng kỹ thuật số.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay, đến phút cuối các đơn vị vẫn không thống nhất được phương án hợp tác thì sẽ bắt buộc phải thi tuyển để chọn nhà cung cấp dịch vụ cho khu vực Nam Bộ.
 
Thúy Ngà – CQĐD tại TP.HCM
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top