Thể lệ cuộc thi sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam

Thứ ba, 24/12/2013 07:56

Ngày 27/12/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

img

Ảnh minh họa

Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

Đề án số hóa còn nhằm mục tiêu từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như truyền hình HD, 3D,…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

 Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Số hoá truyền hình không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Đặc biệt, số hóa truyền hình được coi là một phương thức xóa "vũng lõm" sóng truyền hình một cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Đối với các khu vực vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chỉ cần có một bộ đầu thu truyền hình số vệ tinh là người dân có thể xem được hàng chục kênh truyền hình.

Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T2 và các phiên bản tiếp theo (tiêu chuẩn truyền hình số Châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.

Các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình theo lộ trình từ 01/4/2014 đối với các máy thu hình có màn hình trên 32 inch; từ 01/4/2015 đối với máy thu hình có màn hình 32 inch trở xuống.

Điều 1: Sự cần thiết

Quá trình số hóa truyền hình mặt đất đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng số hóa và số lượng dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong toàn xã hội, bởi vì lợi ích của truyền hình số với quảng đại người dân là rất lớn khi mang đến nhiều dịch vụ truyền hình hiện đại, chất lượng cao và phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, như HD, 3D,... đồng thời mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng tần số.
 
Để thực hiện thành công lộ trình số hóa tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định phát động Cuộc thi "Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam" nhằm chọn được một biểu trưng tiêu biểu nhất để sử dụng chính thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng cáo trong nước và nước ngoài cho số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất ở Việt Nam.

Điều 2: Mục đích 

 Lựa chọn được một biểu trưng có tính khái quát cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính đặc thù làm biểu trưng chính thức để phục vụ cho công tác tuyên truyền cho kế hoạch số hóa truyền hình tại Việt Nam, trên sách, báo, phim, ảnh, tài liệu...; đồng thời sử dụng để in, khắc dấu... trên các thiết bị, sản phẩm trong hoạt động sản xuất, thương mại… liên quan đến truyền hình số tại Việt Nam.

Điều 3: Yêu cầu

Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam đảm bảo đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:

1. Thể hiện được các đặc trưng tiêu biểu mang tính khái quát cao và truyền đạt thông điệp rõ ràng, hiệu quả của lĩnh vực truyền hình kỹ thuật số mặt đất, dùng sóng vô tuyến điện;

2.  Đạt được những yêu cầu về thiết kế như: thẩm mỹ, khoa học, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại;

3. Dễ dàng sử dụng các hình thức và vật liệu khác nhau để thể hiện biểu tượng trong cả hoạt động truyền thông cũng như trong các hoạt động sản xuất, thương mại.

4. Biểu trưng có thể bao gồm cả từ viết tắt truyền hình số bằng tiếng Việt là “THS” hoặc tiếng Anh là "DTV";

4. Biểu trưng không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, sao chép, trùng lặp với bất kỳ hình ảnh biểu trưng nào trong và ngoài nước.

Điều 4: Đối tượng dự thi:

1. Mọi tổ chức, cán nhân trong và ngoài nước đều có thể tham dự;

2. Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo không được phép dự thi.

Điều 5: Sản phẩm dự thi

1. Không hạn chế số lượng mẫu sản phẩm dự thi đối với mỗi tác giả;

2.  Hồ sơ dự thi được cho trong phong bì khổ A4, bao gồm:

- Mẫu thiết kế biểu trưng;

- Mô tả ý tưởng (không quá 500 từ đánh máy);

- Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu) được đóng trong phong bì nhỏ, dán kín;

- Tiêu đề trên phong bì hồ sơ: Bài dự thi “Sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam”;

- Địa chỉ nơi nhận: Thường trực Ban tổ chức (Trung tâm Thông tin), Bộ Thông tin và Truyền thông – 18 Nguyễn Du, Hà Nội.

3. Mẫu thiết kế thể hiện trên 01 trang giấy khổ A4 (21cm x 29,7cm), bao gồm:

- Mẫu thiết kế lớn có chiều rộng là 15 cm thiết kế màu (đặt giữa trang giấy);

- Mẫu thiết kế nhỏ là bản thu nhỏ (đen trắng) của mẫu thiết kế lớn có chiều rộng 3cm (đặt phía dưới góc bên phải của trang A4);

- Mẫu thiết kế (lớn, nhỏ) nêu trên và phần thuyết minh mô tả ý tưởng không được ghi thêm bất cứ thông tin gì khác (tên, ký hiệu riêng).

Điều 6: Tiêu chí đánh giá:

Hệ thống tiêu chí để đánh giá các biểu trưng gồm:

a. Ý tưởng của mẫu thiết kế;

b. Sự độc đáo sáng tạo của mẫu thiết kế;

c. Thể hiện được giá trị cốt lõi của hình ảnh số hóa truyền hình tại Việt Nam;

d. Tính thẩm mỹ, khoa học của mẫu thiết kế;

e. Thuận lợi cho việc in ấn, phóng to, thu nhỏ, đắp nổi, gia công được bằng mọi chất liệu;

g.  Khả năng dễ nhớ, dễ nhận biết của mẫu thiết kế.

Điều 7: Thời gian nhận bài dự thi:

Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ 24/12/2013 đến hết ngày 23/01/2014 tính theo thời gian Thường trực Ban Tổ chức nhận được hồ sơ.

Điều 8: Quyền và trách nhiệm của người dự thi:

1. Các cá nhân, tổ chức dự thi có trách nhiệm tuân thủ các qui định của Thể lệ này và phải đảm bảo:

a.  Biểu trưng dự thi không phải là đối tượng tranh chấp bản quyền tác giả;

b. Biểu trưng dự thi chưa được sử dụng, xuất hiện trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào ở trong và ngoài nước;

c.  Không được sử dụng mẫu thiết kế đã được chọn làm biểu trưng của số hóa truyền hình tại Việt Nam trong cuộc thi lần này vào bất kỳ mục đích nào khác;

d. Tác giả của mẫu thiết kế được chọn làm biểu trưng của số hóa truyền hình tại Việt Nam có trách nhiệm nộp bổ sung file mềm và chỉnh sửa mẫu được chọn cho phù hợp theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu bài dự thi gửi tham gia cuộc thi không đến được Ban Tổ chức do lỗi kỹ thuật;

3. Ban Tổ chức không trả lại bài dự thi;

4. Trường hợp đã nộp hồ sơ dự thi nhưng muốn rút khỏi cuộc thi, tác giả dự thi phải thông báo với Ban Tổ chức bằng văn bản trước thời gian hết hạn nộp bài dự thi;

5. Tác giả dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền mẫu thiết kế. Trong trường hợp việc tranh chấp bản quyền tác giả phát sinh sau khi sản phẩm thi đoạt giải, tác giả dự thi đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;

6. Mọi chi phí hay các khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật, do tác giả trúng giải chi trả.

Điều 9: Quy định về giải thưởng và trao giải thưởng:

1. Giải thưởng cuộc thi bao gồm:

+ 01 giải Nhất: 50 triệu đồng, Bằng khen và Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ 01 giải Nhì: 30 triệu đồng cùng Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ 01 giải Ba: 20 triệu đồng cùng Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ 07 giải khuyến khích: 5 triệu đồng cùng Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Nếu không chọn được các biểu trưng dự thi đạt yêu cầu, Ban Tổ chức có thể quyết định không trao giải Nhất mà chỉ trao các giải khác của cuộc thi.

3. Giải thưởng sẽ được trao trực tiếp cho tác giả có sản phẩm dự thi đoạt giải hoặc người được tác giả có sản phẩm dự thi đoạt giải ủy quyền khi kết thúc cuộc thi. Trường hợp tác giả không có điều kiện tham dự lễ nhận giải, Ban Tổ chức sẽ gửi qua đường bưu điện.

4. Việc trao giải thưởng sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện công khai.

Điều 10: Ban Giám khảo:

Ban Giám khảo do Trưởng Ban tổ chức quyết định thành lập, có trách nhiệm:

1. Xây dựng thang, bảng điểm theo tiêu chí tại Điều 6 Thể lệ này, trình Trưởng Ban tổ chức ban hành;

2. Làm việc trung thực, công tâm và đánh giá chấm điểm các bài dự thi một cách khách quan, chuyên nghiệp;

3. Làm việc theo nguyên tắc: Ban giám khảo thảo luận tập thể các bài dự thi, sau đó từng thành viên Ban giám khảo chấm điểm và bỏ phiếu kín đối với từng bài dự thi theo đúng thang điểm đã được ban hành;

4. Tùy theo số lượng số lượng bài dự thi nhận được, có thể tổ chức xét sơ khảo để thống nhất chọn các mẫu biểu trưng đáp ứng các tiêu chí qui định trước khi xét chính thức và đánh giá theo thang, bảng điểm.

Điều 11: Quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm đoạt giải:

1.  Bộ Thông tin và Truyền thông sở hữu bản quyền sử dụng vô thời hạn cũng như toàn quyền đăng ký sở hữu trí tuệ đối với mẫu biểu trưng được sử dụng làm biểu trưng của số hóa truyền hình Việt Nam;

 2. Bộ Thông tin và Truyền thông toàn quyền quyết định về việc chọn mẫu biểu trưng nào được ứng dụng trong thực tế và có quyền yêu cầu tác giả sửa đổi, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với đặc điểm khi sử dụng làm biểu trưng chính thức;

3. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được sử dụng các biểu trưng tham gia cuộc thi này để tham dự bất kỳ cuộc thi nào khác.

Điều 12: Điều khoản thực hiện:

1. Thể lệ này có hiệu lực từ ngày được công bố. Việc sửa đổi bổ sung chỉ được thực hiện khi có văn bản của Ban Tổ chức.

2. Đối tượng dự thi, thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và những người liên quan khác có trách nhiệm tuân theo các quy định của Thể lệ này./.
 
* Các thông tin liên quan đến Thể lệ và Cuộc thi "Sáng tác Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam" đều được đăng tải trên website: www.mic.gov.vn.
 
 

 
 
Dowload mẫu Phiếu đăng ký dự thi tại đây
 

 
Thông cáo báo chí Về việc tổ chức Cuộc thi "Sáng tác Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam"

Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 với mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
 
Triển khai Quyết định số 1260/QĐ - BTTTT của Bộ Trưởng Bộ TT&TT về việc phê duyệt Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2013 – 2015, Bộ TT&TT tổ chức Lễ phát động Cuộc thi Sáng tác Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam nhằm chọn ra một biểu trưng tiêu biểu nhất để sử dụng chính thức trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, thông tin tuyên truyền, quảng cáo trong và ngoài nước cho Đề án.

Đề án số hóa với mục tiêu từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như HDTV, 3DTV,…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.

Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.

Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất Châu Âu DVB-T/T2; áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4. Khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự, các máy thu hình tương tự hiện nay sẽ không thu được tín hiệu truyền hình số mặt đất và phải lắp thêm đầu thu hình số mặt đất. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách mua đầu thu truyền hình số mặt đất đồng thời quy định việc các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình theo lộ trình với từng chủng loại.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư số 20/2012/TT-BTTTT  ban hành 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gồm QCVN 63:2012/BTTTT về thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 và QCVN 64:2012/BTTTT về tín hiệu phát truyền hình kỹ thuật số DVB-T2; ban hành Thông tư 07/2013/TT-BTTTT quy định thời điểm tích hợp tính năng thu truyền hình số vào máy thu hình, theo đó từ ngày 01/04/2014 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inch, từ ngày 01/04/2015 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình từ 32 inch trở xuống.

Cuộc thi "Sáng tác Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam" được tổ chức từ ngày 24/12/2013 đến ngày 23/1/2014. Mọi công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài đều có quyền gửi bài tham dự. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo sẽ căn cứ vào các tiêu chí để đánh giá các mẫu thiết kế bao gồm: Ý tưởng của mẫu thiết kế; Sự độc đáo sáng tạo của mẫu thiết kế; Thể hiện được giá trị, quy mô của Đề án phù hợp với thẩm mỹ, văn hóa Việt Nam.

Biểu trưng được chọn sẽ được dùng để tuyên truyền cho đề án, đồng thời còn được dùng để dán trên các thiết bị thu phát truyền hình số mặt đất được nhập khẩu hoặc sản xuất, phân phối tại Việt Nam để người sử dụng dễ dàng nhận biết, phân biệt khi mua tivi sử dụng cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Đề án số hóa truyền hình.

Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày công bố phát động cuộc thi đến hết hạn nộp bài dự thi:  từ ngày 24/12- 2013 đến ngày 23/1/2014 theo tính theo thời gian Thường trực Ban Tổ chức nhận được hồ sơ. Các bài dự thi, bản thuyết minh gửi về Ban Tổ chức cuộc thi:

Trung tâm Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông;
18 Nguyễn Du, Hà Nội

Tel: (04)35563461    Fax: (04)35563458.
 
Cuộc thi được tổ chức 01 vòng sơ khảo để lựa chọn ra được các biểu tượng có chất lượng cao vào vòng chung khảo để trao 01 giải Nhất, 01giải Nhì, 01 giải Ba và 07 giải Khuyến khích. Giải Nhất sẽ được tặng thưởng 50 triệu đồng, giải Nhì 30 triệu đồng; giải Ba 20 triệu đồng; giải Khuyến khích 5 triệu đồng kèm theo Giấy chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông.
                                                                                   

 
Thông tin tham khảo về Đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam

Trên thế giới, truyền hình tương tự mặt đất đã phát triển trong thời gian hơn nửa thế kỷ. Ở nước ta, truyền hình tương tự mặt đất đã phát triển trong khoảng thời gian hơn 40 năm. Đặc điểm của truyền hình tương tự là chất lượng hình ảnh, âm thanh thấp; hiệu quả sử dụng kênh tần số rất thấp, một kênh tần số chỉ phát sóng được 1 kênh chương trình truyền hình. Truyền hình tương tự phát triển mạnh, dẫn đến ở một số khu vực, đặc biệt là đồng bằng Nam bộ và tiếp theo là đồng bằng Bắc bộ tần số danh cho truyền hình trở nên cạn kiệt, không đáp ứng cho sự phát triển các dịch vụ truyền hình. 
 
Truyền hình số mặt đất có các đặc điểm kỹ thuật vượt trội bao gồm: chất lượng hình ảnh, âm thanh cao, đồng đều trong toàn bộ vùng phủ sóng, có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao như HDTV, 3 DTV; hiệu quả sử dụng kênh tần số rất cao, một kênh tần số có thể phát sóng được đến 8 kênh chương trình truyền hình độ phân giải cao HDTV hoặc 18 kênh chương trình độ phân giai tiêu chuẩn SDTV. Hơn nữa, truyền hình số còn có khả năng cho phép thiết lập mạng đơn tần số, trong đó nhiều máy phát sóng cùng hoạt động trên một kênh tần số, điều mà truyền hình tương tự không thể thực hiện được.
 
Do các đặc tính kỹ thuật vượt trội đó mà quá trình số hóa truyền hình mặt đất diễn ra sôi động trên phạm vi toàn thế giới. Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc, Úc và hầu hết các nước Châu Âu đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Khu vực ASEAN sẽ hoàn thành số hóa truyền hình vào giai đoạn 2015 – 2020.
 
 Ngày 27/12/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
 
Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
 
Đề án số hóa cũng nhằm mục tiêu từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (HDTV, 3DTV); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp.
 
Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
 
Kế hoạch số hóa truyền hình được thực hiện theo 04 giai đoạn với 04 nhóm tỉnh thành trên cả nước, cụ thể:
 
- Giai đoạn I: thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội (cũ), thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ dự kiến sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.
 
- Giai đoạn II: thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 26 tỉnh tiếp theo gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.
 
- Giai đoạn III: thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 18 tỉnh tiếp theo gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2018.
 
- Giai đoạn IV: thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.
 
Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất Châu Âu DVB-T/T2; áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.
 
Khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự, các máy thu hình tương tự hiện nay sẽ không thu được tín hiệu truyền hình số mặt đất và phải lắp thêm đầu thu hình số mặt đất. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách mua đầu thu truyền hình số mặt đất đồng thời quy định việc các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình theo lộ trình với từng chủng loại.
 
Theo Đề án số hóa, thị trường cung cấp dịch vụ TDPS gồm tối đa 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phạm vi toàn quốc và 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TDPS khu vực. Một loạt các giải pháp được đưa ra để triển khai như: thúc đẩy việc sử dụng các phương thức TDPS khác nhau để đẩy nhanh lộ trình số hóa TDPS truyền hình mặt đất; Không mã hóa các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu để đảm bảo tất cả thiết bị thu hình số đều thu được các kênh chương trình này.
 
Các doanh nghiệp sản xuất máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số, các doanh nghiệp TDPS truyền hình số đáp ứng điều kiện doanh nghiệp công nghệ cao và các quy định trong luâtj chuyển giao công nghệ được hưởng ưu đãi về tài chính, thuế theo quy định.
Các đài PTTH địa phương sẽ từng bước sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của đài, tập trung vào nhiệm vu sản xuất nội dung chương trình.
 
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam để thống nhất và tập trung chỉ đạo triển khai Đề án trên phạm vi cả nước và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan, các Đài Phát thanh Truyền hình và các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình để triển khai Đề án. Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đã thống nhất: áp dụng phiên bản tiêu chuẩn DVB-T2, cho truyền hình số mặt đất Việt Nam; thống nhất lộ trình tích hợp thiết bị thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại thị trường Việt Nam theo lộ trình cụ thể như sau:
 
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư số 20/2012/TT-BTTTT  ban hành 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gồm QCVN 63:2012/BTTTT về thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 và QCVN 64:2012/BTTTT về tín hiệu phát truyền hình kỹ thuật số DVB-T2; ban hành thông tư 07/2013/TT-BTTTT quy định thời điểm tích hợp tính năng thu truyền hình số vào máy thu hình, theo đó từ ngày 01/04/2014 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inch, từ ngày 01/04/2015 áp dụng đối với tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình từ 32 inch trở xuống; không quy định bắt buộc tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với máy thu hình có màn hình công nghệ CRT.
 
BTC Cuộc thi
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top