Nhiều tỉnh băn khoăn về hiệu quả thuê truyền dẫn phát sóng

Thứ bảy, 25/02/2017 14:19

Tại khu vực Bắc Bộ, một số đài PT-TH chưa muốn làm việc, chưa ký hợp đồng với đơn vị truyền dẫn phát sóng do chưa thông suốt, còn lăn tăn về hiệu quả của thuê truyền dẫn phát sóng truyền hình số, một số nơi kêu thiếu kinh phí.

Tại khu vực Bắc Bộ đã có 7 tỉnh chính thức tắt sóng truyền hình analog từ năm 2016, đến ngày 1/7/2017 có thêm 8 tỉnh nữa sẽ tắt sóng truyền hình analog. Theo quy hoạch tần số vô tuyến điện, tại hai khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ mỗi khu vực có 1 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng được cấp phép 3 kênh tần số để cung cấp dịch vụ phát sóng khi các tỉnh số hóa truyền hình.
 
Trong khi Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) hợp tác thuận lợi với các đài PT-TH ở Nam Bộ khi triển khai số hóa truyền hình thì tại khu vực Bắc Bộ, Công ty cổ phần truyền dẫn phát sóng đồng bằng Sông Hồng (RTB) lại chật vật trong việc kinh doanh ở các tỉnh. Cụ thể, trong số 7 tỉnh đã tắt sóng truyền hình analog năm 2016, RTB mới chính thức ký hợp đồng được với hai đài PT-TH Hà Nội và Hải Phòng, Hải Dương chính thức từ chối sử dụng dịch vụ của RTB với lý do đang truyền dẫn miễn phí trên hệ thống của VTV. Còn 4 tỉnh khác đang cân nhắc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phát sóng.
 
Tại 8 tỉnh sắp sửa tắt sóng truyền hình analog thì có 3 tỉnh đang phát sóng kênh truyền hình địa phương trên hệ thống của VTV nên việc đàm phán với các đài PT-TH tỉnh này chưa thể tiến hành.
 
Chính vì những vướng mắc trong khâu truyền dẫn phát sóng ở đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ làm chậm tiến độ số hóa truyền hình nên vào ngày 23/2/2017, Bộ TT&TT đã phải tổ chức hội nghị giữa Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TT&TT và các đài PT-TH tỉnh. Mục đích để minh bạch hóa thông tin về các cơ chế chính sách cũng như năng lực phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.
 
Tại hội nghị này, vấn đề mấu chốt của việc một số đài PT-TH chưa muốn làm việc, chưa ký hợp đồng với đơn vị truyền dẫn phát sóng chính là các đơn vị này chưa thông suốt, còn lăn tăn về hiệu quả của thuê truyền dẫn phát sóng truyền hình số, một số nơi thì kêu thiếu kinh phí, một số tỉnh thì đã được VTV phát sóng miễn phí nên không có nhu cầu thuê doanh nghiệp khác nữa.
20170225-shth1.jpg
Số hóa truyền hình tác động lớn đến những người có thu nhập thấp, đang thu xem truyền hình miễn phí. Ảnh: Internet
Phát biểu tại Hội nghị truyền dẫn, phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương trên hạ tầng truyền hình số mặt đất khu vực Bắc Bộ do Bộ TT&TT tổ chức vào chiều ngày 23/2/2017 ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, Nam Định có gần 2 triệu dân, chi ngân sách hàng năm cho Đài PT-TH rất ít, như năm 2016 chỉ có 13 tỷ đồng. Cho nên dù tỉnh rất muốn cho Đài PT-TH ký hợp đồng thuê truyền dẫn với doanh nghiệp như RTB và AVG nhưng hạn hẹp về kinh phí vì giá chào của các đơn vị cũng khá cao. Bên cạnh đó, Nam Định lại có lợi thế là đang dùng chung hạ tầng với VTV. Năm 2015, VTV đã lắp đặt tại tỉnh cột anten cao 160m, từ đó VTV phát sóng miễn phí  kênh truyền hình Nam Định, việc dùng chung hạ tầng này vừa đáp ứng việc tiết kiệm ngân sách, vừa thuận tiện trong việc phát kênh truyền hình Nam Định lên hạ tầng số mặt đất. Do đó, ông Chiến cho biết, chừng nào VTV vẫn được phát sóng số thì tỉnh Nam Định vẫn theo VTV, một phần vì được miễn phí, một phần vì mối quan hệ giữa hai bên. Ông Chiến cũng cho rằng, VTV có những lợi thế về nguồn lực có sẵn, do vậy Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình với VTV cần bàn bạc một cách thấu đáo để VTV vừa phát sóng phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa có thể hỗ trợ các tỉnh triển khai số hóa truyền hình. Không vì lý do VTV không thành lập doanh nghiệp mà không được phát sóng cho các tỉnh.
 
Liên quan đến ý kiến của ông Bạch Ngọc Chiến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm giải thích rõ, việc VTV phát hộ các đài tỉnh không cấm, không phải vì VTV không có doanh nghiệp thì không được phát hộ. Nhưng các tỉnh phải quan tâm đến vấn đề VTV phát hộ đến bao giờ, có miễn phí mãi mãi hay không. Vì theo quy hoạch tần số, VTV chỉ có 3 kênh tần số, về mặt kỹ thuật VTV sẽ không đủ tần số để phát hộ mãi. Khâu truyền dẫn phải sóng phải được tính toán dài hơi, chứ không phải một vài năm muốn thay đổi là thay được.
 
Ông Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc Đài PT-TH Ninh bình cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình rất quan tâm đến vấn đề phát sóng kênh truyền hình của tỉnh, nhưng cũng còn băn khoăn về hiệu quả của phương thức truyền dẫn truyền hình số mặt đất so với các phương thức khác.
 
“Tỉnh Ninh Bình không tiếc tiền. Nhưng phương thức truyền dẫn truyền hình số mặt đất so với analog hiện nay tương đối giống nhau. Trong khi hầu hết các đài đã phát sóng lên vệ tinh, cáp nên số lượng người dân thu sóng mặt đất rất ít, mà chủ yếu là dân nghèo. Nếu tính hiệu quả về số lượng người xem và kinh phí bỏ ra để truyền dẫn thì chi phí lớn, nhưng số người dân được xem chắc chắn không thể bằng qua vệ tinh và cáp. Trong khi lên vệ tinh người dân có thể thu được hơn 100 kênh, truyền hình số mặt đất chỉ có 20-30 kênh”, ông Dũng nói.
 
Về nhu cầu truyền dẫn của các đài địa phương, theo ông Dũng, các đài địa phương còn băn khoăn, tại sao lại cứ phải doanh nghiệp mới làm được, tại sao phải là các đơn vị sự nghiệp được phát sóng.  Hiện nay các đài ở Bắc Bộ hầu hết đều chưa cân đối được thu chi, chi phí hoạt động đều phải do ngân sách cấp, nguồn thu quảng cáo thấp không đủ chi. Nếu thuê truyền dẫn mà  chi phí phát sóng lớn thì lại phải xin ngân sách nhà nước. Chi phí phát sóng cao, hiệu quả chưa cao nên còn nhiều băn khoăn.
 
Ông Dũng đưa ra đề nghị, các doanh nghiệp cần tính toán lại giá dịch vụ, căn cứ đầu tiên là phải tính chi phí phát sóng cho một đài chỉ bằng với chi phí phát sóng truyền hình tương tự hiện nay, phải tương đương các đài mới chịu được, còn cao hơn mấy lần thì rất khó. Bên cạnh đó, cần phải chia  ra làm các gói dịch vụ, các đài địa phương chỉ muốn phát trong phạm vi tỉnh thôi, không cần phát rộng ra cả 14 tỉnh trong khu vực hay cả nước thì giá phải rẻ hơn. Như vậy thì về giải pháp kỹ thuật có làm được không?
 
Ý kiến của ông Dũng nhận được sự đồng tình của ông Trịnh Xuân Lộc, Giám đốc Đài PT-TH Nam Định và ông Vũ Văn Nghiêm, Giám đốc Đài PT-TH Thái Bình. Ông Vũ Văn Nghiêm cho rằng, truyền hình số mặt đất là giải quyết cho người nghèo bởi hiện nay truyền hình cáp đã về thôn xóm rồi. Các tỉnh đều nghèo như nhau cả nên cần phải tính bài toán thế nào bởi ngân sách tỉnh chỉ bỏ ra một phần, còn lại các đài phải tự kiếm tiền đầu tư nuôi đài. Do vậy để lựa chọn đơn vị phát sóng phải tính đến hiệu quả.  
 
Trước các ý kiến này, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, nhu cầu địa phương chỉ cần phủ sóng kênh địa phương trong phạm vi tỉnh, do vậy các doanh nghiệp phát sóng và Cục Tần số vô tuyến điện cần nghiên cứu làm thế nào để có một kênh đa tần phát sóng cho các tỉnh, như vậy sẽ có đơn giá rẻ hơn.
 
Ông Yên cũng nêu rõ, theo quy định của pháp luật từ năm 2009 sau khi có Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đã phân định rõ truyền dẫn phát sóng và sản xuất nội dung. Quy định này đã thể hiện quan điểm quản lý nhà nước trong các quy hoạch báo chí, quy hoạch phát thanh truyền hình, Đề án số hóa truyền hình. Theo đó, các đài chỉ tập trung sản xuất chương trình, còn khâu truyền dẫn phát sóng là do các doanh nghiệp thực hiện. Đây là quan điểm lớn của Đảng và Chính phủ nên không thể đảo ngược được.
 
Cũng trong thời gian tới, các đài PT-TH tỉnh phải thực hiện theo cơ chế tự chủ trong hoạt động. Nhà nước cũng đặt hàng các đài sản xuất các nội dung tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị. Ngân sách vẫn cấp tiền để đặt hàng các đài sản xuất nội dung nên không thể nói là không có kinh phí.
 
Đối với khâu truyền dẫn phát sóng, ông Yên nhấn mạnh thêm rằng, lâu nay các đài đã phát sóng lên vệ tinh mà không cần định mức, đơn giá, cũng không cần qua đấu thầu vẫn có tiền để chi trả chi phí. Do đó, có thể thấy việc chọn phương thức truyền dẫn nào xuất phát từ nhu cầu của các đài PT-TH. Nhà nước đã xây dựng định mức, đơn giá, do vậy các đài PT-TH và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau thỏa thuận, vì khi đã lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phát sóng rồi thì sẽ không có nhu cầu thay đổi nhà cung cấp nữa nữa. Đối với VTV là đơn vị sự nghiệp, VTV phát sóng hộ cho các đài thì bản chất nguồn lực của VTV thế nào, thể phát sóng miễn phí mãi mãi cho các đài tỉnh hay không cũng cần phân tích cho rõ thêm.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top