Hiệu quả của bưu điện văn hóa xã ở Bắc Cạn

Thứ ba, 15/05/2018 08:36

Từng là địa chỉ quen thuộc với nhân dân trên địa bàn tỉnh miền núi Bắc Cạn, có vị trí nằm ở trung tâm các xã, thuận tiện về giao thông, nhưng điểm Bưu điện văn hóa xã (BÐVHX) một thời bị ví "vắng như chùa Bà Ðanh". Song giờ đây, hình ảnh đó đã đi vào dĩ vãng, bởi BÐVHX đã thay đổi hẳn, trở thành thiết chế văn hóa thân thiện ở nông thôn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

 7d933736388be0fd0925f73119d61f63.jpg
 
Một điểm Bưu điện văn hóa xã tại tỉnh Bắc Cạn
 
Sáng thứ bảy, trời se lạnh, mây mù còn bao phủ trên các ngọn núi, điểm BÐVHX Ðịa Linh, huyện Ba Bể, nằm ngay trung tâm xã, cạnh tỉnh lộ 258 đã tấp nập các cán bộ hưu trí ra, vào lĩnh lương. Trong khi chờ đến lượt mình, một số bác tranh thủ vào in-tơ-nét tìm hiểu thông tin, số khác đọc sách, báo hoặc tranh thủ chuyện trò. Nhiều bác lĩnh lương hưu xong chưa muốn về, nán lại chia sẻ cuộc sống tuổi già. Ðiểm BÐVHX Ðịa Linh mới được đầu tư cải tạo lại, có không gian rộng rãi, khang trang và đủ ghế ngồi cho khoảng 20 người, là địa chỉ quen thuộc không chỉ của các cán bộ hưu trí mà còn của người dân và học sinh trên địa bàn. Tại đây, người dân được truy cập in-tơ-nét miễn phí, đọc các loại báo; sách về pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sách văn học, truyện tranh... Anh Mã Văn Danh ở thôn Bản Váng, xã Ðịa Linh là người thường đến đây để truy cập in-tơ-nét, chia sẻ: "Ðiểm BÐVHX mở cửa từ sáng đến tối, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, lại có đủ bàn ghế, có nhiều loại sách báo phục vụ nhiều đối tượng; nhân viên thì niềm nở, nhiệt tình cho nên là địa chỉ thân thiện, là nơi sinh hoạt văn hóa bổ ích của người dân chúng tôi".
 
Cách đó không xa, tại trung tâm xã Yến Dương, điểm BÐVHX ở vị trí cạnh tỉnh lộ vừa được khai trương với nhiều dịch vụ rất thuận tiện, cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, đủ bàn ghế, thu hút đông người dân đến giao dịch, truy cập in-tơ-nét, đọc sách, báo, chuyển tiền, gửi bưu kiện, bưu phẩm... Bác Lý Văn Lục, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hưu trí xã Yến Dương, cho biết: "Ðiểm BÐVHX như "trụ sở" của chúng tôi. Sáng ngày mồng bảy hằng tháng, chúng tôi tề tựu về đây để lĩnh lương và sinh hoạt CLB. Mỗi khi đi đâu, chúng tôi thường hẹn nhau ở đây, trong lúc chờ đợi nhau thì vào đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin".
 
Từ khi Bưu điện tỉnh Bắc Cạn thực hiện việc chi trả lương hưu tại các điểm BÐVHX, nơi đây thật sự trở thành điểm sinh hoạt của các cán bộ hưu trí, những người có tri thức, sống gương mẫu ở địa bàn nông thôn. Giám đốc Bưu điện huyện Ba Bể Hoàng Văn Nghị chia sẻ: "Hầu hết các xã đều thành lập CLB, hoặc Ban liên lạc cán bộ hưu trí; xã ít nhất cũng có gần 40 cán bộ hưu trí, xã nhiều có đến hơn 70 người. Thông qua sinh hoạt CLB, Ban liên lạc cán bộ hưu trí tại điểm BÐVHX, với sự gương mẫu, uy tín của mình ở trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, các bác đã góp phần xây dựng quê hương, củng cố đoàn kết cộng đồng, làng xóm; bản thân đóng góp kinh phí, vận động gia đình, cộng đồng góp công, góp sức, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Bưu điện huyện đang phấn đấu xây dựng điểm BÐVHX ở các xã trên địa bàn huyện Ba Bể trở thành thiết chế văn hóa gần gũi, thân thiện, hữu ích cho người dân. Ðể đạt được mục tiêu này, tất cả các điểm BÐVHX trên địa bàn huyện Ba Bể đều được đầu tư củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, kết nối in-tơ-nét, trang bị nhiều ấn phẩm sách, báo. Ðồng thời, đáp ứng cao nhất dịch vụ tài chính công, hành chính công ở nông thôn, là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính".
 
Nhớ lại một thời chưa xa, điểm BÐVHX vốn nằm ở trung tâm các xã nhưng đìu hiu, thưa vắng người qua lại do dịch vụ nghèo nàn, sách, báo gần như không có, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân viên bưu điện chủ yếu làm nhiệm vụ đưa công văn, giấy tờ, thư từ... Hơn hai năm trở lại đây, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bưu điện tỉnh Bắc Cạn dày công củng cố cơ sở vật chất, đào tạo lại, đổi mới thái độ phục vụ của nhân viên bưu điện, nâng cao chất lượng hoạt động, kết nối với các cơ quan chức năng để mở rộng lĩnh vực hoạt động. Ðến nay, mạng lưới BÐVHX có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển rộng khắp ở các xã, không những là điểm đến sinh hoạt văn hóa của nhân dân mà còn cung cấp nhiều dịch vụ công tiện ích trên địa bàn tỉnh miền núi, địa hình rộng, giao thông còn nhiều khó khăn như Bắc Cạn. Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Cạn Trần Cao Hoài cho biết: "Thực hiện chủ trương tái cấu trúc, thay đổi mô hình hoạt động, khắc phục tình trạng điểm BÐVHX hoạt động kém hiệu quả, chỉ thực hiện các dịch vụ giản đơn của những năm trước, trong hai năm 2015-2016, chúng tôi đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới điểm BÐVHX ở tất cả các xã. Trang bị máy tính kết nối mạng để truy cập in-tơ-nét miễn phí, có nhiều loại sách, báo. Mỗi điểm có từ một đến hai nhân viên trình độ trung cấp trở lên, được đào tạo lại, tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Vì thế, thiết chế văn hóa này đã và đang hoạt động khởi sắc trở lại".
 
Với mạng lưới rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, nhân viên được tập huấn chuyên môn, từ năm 2014 đến nay, tất cả các điểm BÐVHX ở Bắc Cạn còn thực hiện có hiệu quả các dịch vụ tài chính công như: chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, đăng ký, khai và trả kết quả dịch vụ hành chính công... Riêng năm 2017, có 44 nghìn hồ sơ của Bảo hiểm xã hội tỉnh được giải quyết thông qua điểm BÐVHX, góp phần tích cực cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, nhân lực cho Bảo hiểm xã hội tỉnh. Là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại còn khó khăn, từ khi thực hiện dịch vụ hành chính công, điểm BÐVHX ở Bắc Cạn trở thành nơi tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, đã giảm nhiều phiền hà, giảm chi phí về thời gian và vật chất cho xã hội.
 
Một điển hình khác là ở huyện Pác Nặm, huyện đặc biệt khó khăn, xa xôi, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, đời sống còn chật vật, điều kiện đi lại cực kỳ vất vả. Chia sẻ với những khó khăn của đồng bào, các điểm BÐVHX trên địa bàn huyện đã nỗ lực vươn lên, thực hiện nhiều dịch vụ tiện lợi cho người dân, như: tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả lý lịch tư pháp; làm dịch vụ cấp, đổi căn cước công dân; trả kết quả đăng ký xe; chi trả lương hưu, các chế độ bảo trợ, trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách; thu tiền BHYT tự nguyện... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Ðình Ðiệp, việc mạng lưới BÐVHX thực hiện dịch vụ hành chính công đã mang lại ý nghĩa thiết thực, trở thành "cánh tay nối dài", góp phần cải cách thủ tục hành chính và cải thiện hình ảnh của chính quyền các cấp trong phục vụ nhân dân.
 
Cũng nhờ hoạt động đa dịch vụ, nguồn thu của điểm BÐVHX tăng lên, đời sống nhân viên được cải thiện rõ rệt với mức thu nhập bình quân hơn ba triệu đồng/người/ tháng (có nơi đạt bảy triệu đồng/người/tháng), cao gấp hai lần so với ba năm về trước. Bởi thế, đội ngũ nhân viên BÐVHX càng yên tâm công tác, không còn tình trạng nhấp nhổm xin chuyển như những năm trước. Ðiều quan trọng, qua hoạt động đa nhiệm gắn kết chuyên môn với dịch vụ hành chính công đã góp phần thu hút và kết nối nhân dân tại điểm sinh hoạt cộng đồng cũng như cung cấp hiệu quả những sản phẩm văn hóa nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thế Bình
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top