Quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng

Thứ sáu, 03/01/2014 09:37

Chiều 2/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.

img

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mọi cấp, mọi ngành phải thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong cải cách TTHC.

Vẫn còn nhiều “chồng chéo”, vướng mắc

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho biết: Theo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, Bộ KH-ĐT được giao đơn giản hóa 64 TTHC trong lĩnh vực đầu tư. Kết quả rà soát cho thấy, cơ chế “một cửa” đang thực hiện ở một số địa phương mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC, nhưng trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt TTHC theo quy định các luật khác nhau theo kiểu “một cửa nhưng nhiều ngách”. Trong đó, phải kể đến nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục khác nhau đối với dự án đầu tư có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường.

Thứ trưởng Đông cũng cho hay, đa số doanh nghiệp không ngại chuyện mất “phí” nhưng phải công khai, và tạo được điều kiện thuận lợi và giảm bớt thời gian làm thủ tục, qua đó cũng lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ làm TTHC.

Theo đó, Bộ KH-ĐT đề xuất hoàn thiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án theo hướng quy định việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung thông qua một cơ quan đầu mối (Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư) nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản đáng kể các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư.

Dẫn chứng trong trường hợp khi nhà đầu tư vi phạm về sử dụng đất, cơ quan tài nguyên môi trường không thu hồi được giấy phép cho thuê đất, vì nhà đầu tư yêu cầu phải thu hồi giấy phép đầu tư trước khi thu hồi giấy phép cho thuê đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị xem xét đến thời điểm này có cần thủ tục cấp giấy phép đầu tư nữa hay không bởi trên thực tế thủ tục đầu tư và thủ tục giao đất có “mâu thuẫn”.

Thứ trưởng Hiển phân tích, Luật Đất đai 2013 chỉ quy định các vấn đề chung của TTHC về đất đai, không quy định trong Luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất mà giao Chính phủ quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC. Vì vậy, các thủ tục hiện hành tại Quyết định 2479/QĐ –BTNMT của Bộ TN&MT phải gộp, bãi bỏ và bổ sung một số thủ tục cho phù hợp với yêu cầu đổi mới của Luật Đất đai 2013.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cũng cho rằng không cần thiết phải có thủ tục xin giấy cấp chứng nhận đầu tư, nếu có chỉ đối với những nhà đầu tư nước ngoài.

Trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông lý giải, bản thân các nhà đầu tư mong muốn có giấy chứng nhận đầu tư vì đây chính là cơ sở để khẳng định vị trí của doanh nghiệp.

Liên quan đến khó khăn trong việc cấp phép xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết cho phép lùi thời gian (6 tháng) áp dụng điều kiện về quy hoạch chi tiết và thiết kế với tỷ lệ 1/500, nhưng ở hầu hết địa phương việc thực hiện đều rất chậm, có địa phương chỉ mới thực hiện được 30%, trong khi việc thực thi còn tùy tiện, tiêu cực gây khó khăn cho chủ đầu tư và người dân trong việc cấp giấy phép xây dựng.

Mặt khác, một điều kiện trong việc cấp giấy phép xây dựng là phải có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, tuy nhiên hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đang tiếp tục thực hiện, nên nhiều chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục giấy tờ về đất đai.

Từ thực tế của địa phương, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh, thời gian qua, các văn bản thường xuyên sửa đổi, bổ sung thậm chí là “chồng chéo”, TTHC thì rườm rà, chưa đồng bộ... Dẫn chứng trong lĩnh vực đầu tư giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có đến 100 vướng mắc, trong khi việc lấy ý kiến tham vấn, thẩm định của các Bộ, ngành cũng rất khó khăn, kéo dài. Vị đại diện này kiến nghị tăng thẩm quyền cho UBND địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành.

Thừa nhận mặc dù đã những cải cách nhất định trong việc đơn giản hóa TTHC nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng chỉ ra, trên thực tế tại một số bộ, ngành, địa phương, qua rà soát, vẫn còn xuất hiện tình trạng giấy phép “con” gây khó khăn cho người dân và tổ chức trong quá trình làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng. Theo đó, đã bày tỏ sự thống nhất cao với ý kiến của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT là cần áp dụng tối đa “cơ chế một cửa”.

Cần thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn 

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cải cách hành chính bao giờ cũng là vấn đề khó. Cải cách hành chính vừa là công cụ quản lý nhưng nếu làm không đúng sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Khẳng định thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực về công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, qua đó mang lại những kết qủa tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, song Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ vẫn còn nhiều trở ngại, chậm trễ, tốn kém, chồng chéo, kéo dài, không thống nhất trong các TTHC liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng gây bức xúc cho nhà đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, quy trình hành chính còn phức tạp, nhiều cơ quan tham gia vào cùng một quy trình; chưa có quy định thống nhất liên thông trong thực hiện đầu tư tại địa phương, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông còn hình thức; việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước; năng lực, phẩm chất về cán bộ làm công tác này còn nhiều hạn chế ..

Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mọi cấp, mọi ngành phải thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Trước hết cần có cơ chế “cởi mở” tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để giảm chi phí hành chính, thời gian, qua đó tạo sự hấp dẫn trong đầu tư.

Mỗi cấp, ngành có trách nhiệm công bố thời gian làm thủ tục; công khai, minh bạch, phân cấp mạnh. Đồng thời, bố trí, rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác TTHC; tăng cường cơ chế hậu kiểm; tổ chức thành lập tổ công tác ở các huyện để giải quyết nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn về cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, trong đó quy định rõ nội dung, thời gian, kiểm tra giám sát, mức phí; tiếp tục kiểm soát các quy định mới, đánh giá tác động, cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định, đề xuất các sáng kiến cải cách TTHC.

Các Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng... chủ động rà soát lại các thủ tục, phát hiện bất cập và đề xuất sửa đổi, xây dựng quy trình thống nhất về thủ tục trong cả nước; tăng cường thanh tra trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.../.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top