Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quế Võ

Thứ tư, 03/08/2016 11:16

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn Quế Võ phát triển khá mạnh, với sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng dần quy mô tuyển sinh, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học nghề cũng như việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề của người dân địa phương.

 
Theo thống kê, Quế Võ hiện có 82.798 người có việc làm, chiếm 52,1% so với tổng dân số và 99,05% so với số lao động trong độ tuổi. Trong đó, số lao động qua đào tạo tăng nhanh từ 35% năm 2010 lên 60% năm 2015, bình quân hàng năm tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 5%/năm. Viêc phân bổ và sử dụng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 66,8% năm 2011 còn 48,1% năm 2015, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 19,6% năm 2011 lên 32,2% năm 2015, lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng từ 13,6% năm 2011 lên 19,7% năm 2015.
 
Nét nổi bật ở Quế Võ là công tác đào tạo nghề ngắn hạn luôn được chú trọng và đẩy mạnh tại hầu khắp các xã, thị trấn, tạo chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, chuyển đổi ngành nghề, tạo thêm nghề mới như: Nấu ăn, mây tre đan xuất khẩu, trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn... 5 năm qua, toàn huyện tổ chức 278 lớp đào tạo nghề cho 4.474 lao động, 70% trong số đó có việc làm và tăng thêm thu nhập. Tổ chức 445 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thu hút 35.520 lượt người tham dự.
 
Cùng với đào tạo nghề, huyện chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận tăng cường tuyển dụng lao động là con em địa phương như: Công ty DK UIL Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Shinji Vina, Công ty TNHH EUNSUNG ELECTRONICS VINA, Công ty TNHH chuỗi cung ứng dịch vụ YCH. SCM thuộc Khu công nghiệp Quế Võ, Công ty Sam sung Việt Nam (khu công nghiệp Yên Phong)... Phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Ninh và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động; tổ chức sàn giao dịch tại các xã Ngọc Xá, Đào Viên, Chi Lăng, Mộ Đạo; tư vấn xuất khẩu lao động. Phối hợp tổ chức hội nghị tọa đàm trực tiếp tại các xã Ngọc Xá và Đức Long giữa tổ chức ILO, Cục quản lý lao động ngoài nước và người đi xuất khẩu lao động về nước, người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động về lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hút gần 200 người tham dự.
 
Thông qua các chương trình dự án, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, công tác giảm nghèo... góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương như: Chương trình vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, giảm nghèo, ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân 73.961 triệu đồng cho 3.250 lượt hộ nghèo vay vốn, 9.610 triệu đồng cho vay giải quyết việc làm và 3.459 triệu đồng cho xuất khẩu lao động có thời hạn.
 
Từ những việc làm thiết thực nêu trên, 5 năm qua, Quế Võ giải quyết việc làm cho 13.651 lao động, đạt 101% kế hoạch, trong đó có 6.779 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, 2.448 người vào làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp, 1.332 người đi xuất khẩu lao động; 3.092 người có thêm việc làm tăng thu nhập từ chương trình vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và vốn giảm nghèo.
 
Thời gian tới, Quế Võ tiếp tục xác định gắn đào tạo nghề với thực tiễn, đào tạo đúng ngành, đúng nghề, kịp thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhu cầu phát triển ngành nghề, làng nghề và các hợp tác xã. Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo. Thúc đẩy xây dựng mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua thị trường lao động. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra nhiều việc làm mới. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chưa qua đào tạo, giúp họ có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động.
 
Đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn giảm nghèo để hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế để họ tự tạo việc làm thông qua các hoạt động sản xuất nhỏ. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, ưu tiên lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề từ 700-900 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%, giải quyết việc cho từ 2.800 đến 3.200 lao động. Đến năm 2020 giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn 35%, nâng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng lên 39%, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ lên 26%.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top