Bảo Thắng tăng cường công tác đào tạo nghề cho người dân tại cơ sở

Thứ ba, 19/01/2016 08:43

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng kinh tế huyện nhà ngày càng phát triển; trong những năm qua Bảo Thắng (Lào Cai) đã quan tâm đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

baothang.png

Hằng năm, UBND huyện đã tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động. Qua 05 năm, từ 2010-2015, huyện đã giới thiệu tạo việc làm cho 12.862 lao động, liên kết với các nhà máy trong khu công nghiệp Tằng Lỏong tạo việc làm mới cho trên 500 lao động của địa phương. Tỷ lệ lao động  qua đào tạo từ 26% năm 2010 tăng lên 55,7 % năm 2015. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, huyện đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở tất cả 15 xã, thị trấn. Trong tổng số có 560 người có nhu cầu đến nay đã tổ chức được 7 lớp đào tạo nghề tại xã Xuân Quang, Xuân Giao, Thái Niên, Trì Quang cho 229 lao động nông thôn; đã giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới cho 1.925 lao động, đạt 104,9% KH; Phê duyệt 40 dự án cho vay vốn quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm với tổng vốn vay 920 triệu đồng. Thông qua đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đặc biệt đối với các lao động nông thôn, tham gia các lớp dạy nghề đã giúp nâng cao kiến thức, tăng cường kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào các mô hình sản xuất của gia đình, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sau học nghề nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, điển hình như: mô hình thợ nề xây bể bi ô ga; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm...


Từ hiệu quả của các mô hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề. Mặt khác, còn giúp lao động nông thôn tận dụng tốt thời gian lao động nhàn rỗi; chuyển đổi dần nghề nghiệp theo hướng tích cực; góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho các hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất, trong 5 năm từ 2010 đến nay toàn huyện đã giải quyết cho 20.750 lượt hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn với số tiền là 418,4 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp 9,1 tỷ đồng cho trên 109 nghìn lượt khẩu nghèo trên địa bàn toàn huyện. Các hộ nghèo được vay vốn được taapk huấn chuyển giao KHKT và được đào tạo nghề vì vậy nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, góp phần đưa tỷ lệ tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 42,18% năm 2010 giảm xuống 10,97% năm 2014.


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: công tác thống kê, báo cáo về thực trạng nhu cầu việc làm và số lượng cần đào tạo chưa kịp thời; nguồn kinh phí phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng so với nhu cầu kế hoạch; các ngành nghề tuy đã xây dựng được mô hình tạo việc làm sau học nghề, nhưng quy mô còn nhỏ, chưa thật sự bền vững; công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động chưa được thường xuyên, do đó hiệu quả chưa cao và chưa có sức lan tỏa sâu rộng.


Nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới, Bảo Thắng tăng cường thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp rộng rãi trong cộng đồng dân cư.


Quan tâm đầu tư trang thiết bị, kết cấu hạ tầng phục vụ tốt cho công tác dạy nghề; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; tích cực cập nhật và chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công tác đào tạo nghề.


Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề; thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; chú ý ưu tiên tổ chức dạy nghề đối với các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là người khuyết tật và các hộ nắm trong vùng GPMB.


Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sự nỗ lực của Bảo Thắng trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những kết quả này đã và đang góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo cũng như tạo bước chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bảo Thắng./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top