Hội nghị “Công tác đào tạo nghề các tỉnh Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ”

Thứ năm, 29/09/2016 08:46

Ngày 23/9/2016, tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị “Công tác đào tạo nghề các tỉnh Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ.

20160929-b2.png
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí phát biểu tại Hội nghị
 
Tham dự Hội nghị có Ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ông Huỳnh Văn Tí - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ông Phạm Minh Huấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; lãnh đạo các Sở, ngành và cơ sở dạy nghề tại các tỉnh Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ.
 
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Ông Trương Xuân Cừ nêu rõ: dạy nghề đang có cơ hội rất lớn để phát triển theo yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm, nâng cao và cải thiện đời sống đã có sự chuyển biến rất rõ nét; vì vậy, cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đầu tư trang thiết bị và hỗ trợ nguồn kinh phí để tăng hiệu quả đào tạo.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Phạm Minh Huấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nêu lên đặc điểm kinh tế - xã hội của một tỉnh miền núi phía Bắc, là địa danh cách mạng có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ rất to lớn hiệu quả của các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,16%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 28,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đến hết 2015 giảm còn 9,31%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Về hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh đã được hoàn thiện, toàn tỉnh có 15 cơ sở dạy nghề, bao gồm 01 trường cao đẳng nghề, 02 trường trung cấp nghề, 09 trung tâm dạy nghề và 03 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề; 6/6 huyện đã có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã từng bước được nâng cấp, đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy nghề đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề trong thời kỳ hội nhập. Phòng Lao động - Thương binh các huyện, thành phố đã được bổ sung 01 biên chế chuyên trách quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được UBND tỉnh giao bổ sung nhiệm vụ giáo dục thường xuyên; quy định, chức năng, cơ cấu tổ chức và được giao biên chế theo quy định tại Thông tư số 29/2010/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong 5 năm qua, Tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức triển khai tốt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, quy mô tuyển sinh đào tạo nghề của tỉnh đã đạt trên 17.000 học sinh/năm, chất lượng dạy nghề đã từng bước được nâng lên, ngành nghề được mở rộng và đa dạng hóa góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 31% năm 2010 lên 45,8% năm 2015, trong đó qua đào tạo nghề từ 17,5% nên 27,5%.
 
Thay mặt Hội nghị, Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã trình bày báo cáo công tác đào tạo nghề Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ. Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ có 14 tỉnh và 21 huyện phía Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An; là địa bàn còn nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng gần biên giới: có tới 45/63 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn khoảng 15% (cả nước là dưới 10%), hộ cận nghèo 10,69%, đời sống của người dân chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cơ sở hạ tầng văn hoá, xã hội, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Trong những năm qua, được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực của các địa phương, cơ sở dạy nghề; công tác đào tạo nghề trong Vùng Trung du, miền núi Bắc đã đạt được một số kết quả:
 
Một là, đã sửa đổi, ban hành mới nhiều chính sách để hỗ trợ người dân trong Vùng học nghề như: chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm; chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú,...
 
Hai là, mạng lưới cơ sở dạy nghề trong vùng tiếp tục được phát triển về số lượng từng bước nâng dần chất lượng và hiệu quả; tính đến hết năm 2015, toàn vùng có 451 cơ sở tham gia dạy nghề, trong đó có 22 trường cao đẳng, 32 trường trung cấp nghề (trong đó có 4 trường trung cấp nghề dân tộc nội trú), 195 trung tâm dạy nghề và 202 cơ sở khác tham gia hoạt động dạy nghề; có 46/161 huyện thực hiện sáp nhập trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp cấp huyện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV.
 
Trong giai đoạn 2010-2015 đã có 178 cơ sở tạo nghề trong Vùng được lựa chọn nghề trọng điểm, đầu tư theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao, đầu tư để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nội trú cho người dân tộc thiểu số.
 
Ba là, quy mô tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề trong Vùng đã tăng lên: Tổng tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2013-2015 là 415.884 người (tăng 11% so với giai đoạn 2010-2012) và tỷ lệ việc làm sau đào tạo, đạt 77,6% (thấp hơn bình quân chung cả nước 0,2%, tăng 3,3% so với giai đoạn 2010-2012). Dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2013-2015 được 268.835 người (tăng 30,7% so với giai đoạn 2010 - 2012); trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm 62%), thuộc hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 19%), học xong chủ yếu tự tạo việc làm (chiếm 87%), một số ít được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc thành lập các tổ, nhóm sản xuất nhỏ (chiếm 13%). Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề tại các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ tập trung chủ yếu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (chiếm 89,3%), đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm tỷ lệ thấp (cao đẳng chiếm 2,2% và trung cấp chiếm 8,5%).
 
Bốn là, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được củng cố và tăng cường: toàn vùng có 5.466 giáo viên dạy nghề (tăng 23% so với năm 2012), trong 3 năm qua đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề về nghiệp vụ quản lý, kỹ năng giảng dạy theo chương trình khung dạy nghề, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng anh chuyên ngành... qua đó, chất lượng giáo viên từng bước được nâng lên, 100% giáo viên giảng dạy nghề trọng điểm đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm; chương trình, giáo trình cũng được củng cố và tăng cường; các điều kiện về cơ sở vật chất cũng được tăng cường thông qua các nguồn lực đầu tư… nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề và Chương trình giảm nghèo 30a hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề của vùng, ODA,…
 
Từ khi triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và thực hiện Quyết định số 1379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực của Vùng đã được các cấp, các ngành và người lao động quan tâm, tham gia tích cực và hiệu quả: đào tạo nhân lực trình độ cao bước đầu có kết quả; xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp, liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp đóng trên địa bàn… một bộ phận lao động nông thôn (20%) đã chuyển đổi nghề nghiệp để làm công nhân, làm chủ các xưởng sản xuất tạo việc làm cho lao động khác hoặc sản xuất hàng hóa để cung ấp cho các doanh nghiệp;… Kết quả, hiệu quả công tác đào tạo nghề của Vùng đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo của các địa phương trong Vùng; thực hiện kết quả bước đầu tiêu chí “Thu nhập, Hộ nghèo và Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhiều tỉnh trong Vùng.
 
Mặc dù đạt được những kết quả như vậy nhưng công tác đào tạo nghề của Vùng cũng còn có những khó khăn, hạn chế nhất định: một số mục tiêu theo Quyết định 1379/QĐ-TTg đến năm 2015 chưa đạt được như về mạng lưới; hầu hết các cơ sở đào tạo nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh học nghề, một số cơ sở đào tạo tuyển sinh hàng năm không đạt chỉ tiêu. Trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề mới chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên. Chưa đạt được chỉ tiêu 15% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề. Đặc biệt chỉ tiêu đào tạo nghề cho người khuyết tất thực hiện rất khó khăn.
 
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế kể trên là do điều kiện kinh tế - xã hội, Vùng trung du miền núi Bắc Bộ là địa bàn còn nhiều khó khăn về giao thông, kinh tế, nhất là các vùng sâu, vùng xa; nhiều cơ chế chính sách chậm sửa đổi, bổ sung; thiếu hướng dẫn cụ thể và chưa phù hợp với đặc thù của Vùng; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, do đó các địa phương gặp nhiều lúng túng trong việc xây kế hoạch, bố trí kinh phí cho đào tạo nghề; công tác phân bổ kinh phí chậm; kinh phí bố trí cho đào tạo nghề thấp; khó khăn trong tổ chức thực hiện bố trí cán bộ, sắp xếp lại mạng lưới, tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất để tạo đầu ra; điều kiện đảm bảo chất lượng gặp khó khăn; tính năng động, tích cực của cơ sở dạy nghề chưa cao trong việc phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức kết nối thông tin thị trường lao động, việc làm; ngoài ra, hầu hết các tỉnh trong Vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách nên kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương cấp hàng năm, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa thấp nên thiếu nguồn lực để thực hiện chính sách, hạn chế về số lượng lao động được hỗ trợ đào tạo.
 
20160929-b1.png
 Toàn cảnh Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến, tham luận đều tập trung vào những khó khăn của các tỉnh Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ trong thực hiện công tác đào tạo nghề như thiếu thiết bị, thiếu giáo viên, giáo trình. Trình độ của giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề còn hạn chế; thông tin, nhận thức của người dân trong Vùng về chính sách đào tạo nghề còn hạn chế; các dân tộc thiểu số có trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau, khả năng tiếp nhận, áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn, nhiều nơi chưa đủ khả năng, điều kiện để đầu tư sản xuất theo mô hình sản xuất hàng hóa; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa đồng bộ với quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các ý kiến đã tập trung vào một số vấn đề như: cần xây dựng được hệ thống chính sách đặc thù phù hợp với Vùng, chính sách đãi ngộ theo điều kiện và địa bàn làm việc, chính sách đối với các trường chuyên biệt, đặc biệt chính sách đối với giáo viên, chính sách hỗ trợ người học nghề, miễn giảm học phí trong các cơ sở ngoài công lập; rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở dạy nghề, có phương án chuyển giao, sáp nhập, giải thể các cơ sở công lập hoạt động không hiệu quả; đa dạng các hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện lao động và tập quán dân cư trong Vùng; ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn với xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí đã cảm ơn sự có mặt của các đại biểu và các ý kiến phát biểu, tham luận đóng góp trong Hội nghị. Các ý kiến đó sẽ là cơ sở để giúp Ban chỉ đạo Tây Bắc và Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xem xét để xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo đi vào cuộc sống, giúp cho phát triển Kinh tế - Xã hội của Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ. Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí cũng chỉ ra các giải pháp để phát triển công tác đào tạo nghề tại các tỉnh Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ: trước hết, đổi mới công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, học nghề đến phụ huynh học sinh, người học; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo gắn với việc làm cho người học. Theo đó, cần đổi mới cả về nội dung, chương trình và phương pháp dạy, phương thức đào tạo nghề để phù hợp với thực tế địa phương, vùng miền và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề về thời gian, kỹ năng, tay nghề cho người học; kết hợp học văn hóa với học nghề; đổi mới cơ chế hoạt động, tự chủ của cơ sở dạy nghề; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học nghề. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần duy trì và phát triển có hiệu quả, không đào tạo chạy theo chỉ tiêu mà theo nhu cầu thực tế; mở lớp đào tạo đúng mục đích, đúng mục tiêu và đảm bảo chất lượng gắn với đầu ra, có việc làm cho người học và được doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng, nâng cao năng suất và thu nhập.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top