BÁO CÁO TÓM TẮT THÀNH TÍCH
ĐỀ NGHỊ TẶNG DANH HIỆU CHIẾN SĨ THI ĐUA TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
I. Sơ lược lý lịch
- Họ và tên: Vũ Thu Thủy
- Sinh ngày, tháng, năm: 26/12/1975 Giới tính: Nữ
- Quê quán: Đại Đồng - Phú Xuyên - Hà Tây
- Trú quán: Số 41 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội
- Đơn vị công tác: Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông
- Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ, Phó Bí thư chi bộ, Phó Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Vụ
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Thạc sỹ Kinh tế và quản lý công;
II. Thành tích xuất sắc đạt được
1. Về công tác nghiên cứu cơ chế chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Trong giai đoạn 2014 -2020, tôi đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng 02 Nghị định; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 06 Thông tư; 02 Chỉ thị của Bộ trưởng. Cụ thể như sau:
a.1 Tham gia xây dựng Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (phần bưu chính).
Nghị định này được ban hành đã góp phần thể chế hóa chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ nhằm tạo thuận tiện, đơn giản hơn cho doanh nghiệp trong việc đề nghị cấp phép nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
a.2 Tham gia xây dựng Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (phần bưu chính).
Nghị định đã làm rõ hơn cũng như bổ sung một số Điều cho phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay, cụ thể: Nghị định quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; điều chỉnh nhiều mức phạt để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Nghị định đã tạo ra khung pháp lý tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, các quy định, chế tài xử phạt rõ ràng, minh bạch, góp phần quan trọng giúp cho lực lượng thanh tra chuyên ngành, các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
a.3 Tham gia xây dựng Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Quyết định này thể hiện rõ việc đổi mới phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết TTHC, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, người dân có thể lựa chọn sử dụng 1 trong 3 hình thức thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính: gửi hồ sơ giải quyết TTHC, nhận kết quả giải quyết TTHC, gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Đây chính là cơ sở để triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
a.4 Tham gia xây dựng Quyết định số 55/2016/QĐ-TTg về Mạng bưu chính phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Quyết định được ban hành đã pháp quy hóa hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 mà lâu nay mới chỉ hiện diện dưới hình thức các văn bản chỉ đạo điều hành. Văn bản này đã tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoạt động ổn định, nhờ đó bảo đảm việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc hoạt động và chất lượng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng tốt hơn.
a.5 Chủ trì và phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) xây dựng Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận. Thông tư này hướng dẫn xử lý bưu gửi trong nước và quốc tế không có người nhận tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.
Việc ban hành Thông tư số 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC đã khắc phục được các bất cập gây tình trạng tồn đọng và ùn tắc bưu gửi không có người nhận thông qua việc quy định mới việc xác định các loại bưu gửi không có người nhận cũng như cách thức xử lý. Đây là những hướng dẫn cần thiết cho hoạt động bưu chính, thể hiện rõ sự minh bạch của pháp luật trong vấn đề này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc theo đúng chức năng của mình.
a.6 Chủ trì nghiên cứu và xây dựng Thông tư số 35/2016/TT-BTTTT quy định về báo cáo nghiệp vụ bưu chính; Tham gia xây dựng Thông tư số 10/2018/TT-BTTTT quy định về chế độ báo cáo thống kê lĩnh vực thông tin và truyền thông (phần bưu chính).
Các Thông tư quy định về báo cáo được ban hành đã góp phần đạt được những kết quả sau: (1) Bảo đảm đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ quản lý nhà nước về bưu chính; bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của các số liệu; (2) Cập nhật các chỉ tiêu báo cáo hoạt động, dịch vụ bưu chính phù hợp với pháp luật về bưu chính và bổ sung thêm một số chỉ tiêu cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính; (3) Bảo đảm tính hiệu quả của công tác báo cáo.
a.7 Chủ trì nghiên cứu và xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung mức thu phí thẩm định đối với một số thủ tục hành chính bưu chính tại Thông tư số 291/2016/TT-BTC.
Việc nghiên cứu điều chỉnh một số quy định về mức thu phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính tham gia kinh doanh.
a.8. Chủ trì nghiên cứu và xây dựng Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; Thông tư số 23/2017/TT-BTTTT ngày 29/9/2017 quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương; Thông tư số 12/2018/TT-BTTTT quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập.
Việc ban hành các Thông tư quy định mức giá cước tối đa đối với các dịch vụ do Nhà nước định giá là cơ sở để doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ công ích do Nhà nước yêu cầu phục vụ người dân, xã hội và phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập tiến tới bằng giá thành dịch vụ là hết sức cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật về giá nhằm bù đắp chi phí và bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong thanh toán quốc tế.
a.9 Chỉ đạo và tham gia xây dựng Chỉ thị số 95/CT-BTTTT ngày 25/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; Chỉ thị số 28/CT-BTTTT ngày 08/5/2020 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.
Trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chủ động hoặc chỉ đạo nghiên cứu các chuyên đề nghiệp vụ có liên quan như:
- Thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Luật bưu chính để từ đó kiến nghị, tham mưu với Lãnh đạo Bộ những quy định cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật và chuẩn bị cho việc xây dựng chính sách quản lý thị trường bưu chính tại Việt Nam cho các năm tiếp theo;
- Chỉ đạo tổ chức nghiên cứu các vấn đề về Bưu cục ngoại dịch ngoài lãnh thổ tại Việt Nam để làm cơ sở cho việc tham gia ý kiến của Đoàn Việt Nam tại Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới lần thứ 26 tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2016.
- Chỉ đạo nghiên cứu chuyên đề Mỹ rút khỏi UPU, nhượng quyền thương mại trong bưu chính.
- Chỉ đạo nghiên cứu, bước đầu thảo luận trong nội bộ nhóm về lộ trình giảm dần phạm vi dành riêng theo hướng kết thúc phạm vi dịch vụ dành riêng nhằm tạo sự minh bạch, bình đẳng và thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Với sự tham gia tích của bản thân và sự phối hợp chặt chẽ của các Nhóm công tác, các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tôi được giao chủ trì hoặc phối hợp tham gia đều đã được ban hành đúng tiến độ.
Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành, là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính. Đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật này cũng là cơ sở pháp lý cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường được thuận lợi và minh bạch.
Bên cạnh đó, tôi cũng triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ sau:
- Chỉ đạo xây dựng “Đề án thí điểm cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương”(nhiệm vụ số 167) tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
- Chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Chỉ đạo về công tác giá cước dịch vụ bưu chính, phí lệ phí trong bưu chính, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: xây dựng mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập; kiểm tra, đánh giá về giá cước dịch vụ bưu chính; tham gia Nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ; rà soát điều chỉnh phí trong lĩnh vực bưu chính. Trên cơ sở phương án điều chỉnh phí này, ngày 14/4/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 291/2016/TT-BTC về mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính.
- Nghiên cứu và đề xuất các phương án đàm phán trong lĩnh vực bưu chính (Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại)
- Chỉ đạo, hướng dẫn các anh em chuyên viên trong Vụ thu thập, phân tích, giải thích, biểu diễn và tổ chức số liệu từ các Sở TTTT, các doanh nghiệp bưu chính và từ chính số liệu mà Vụ hiện quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Vụ, trong đó tập trung vào việc cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, hướng dẫn cụ thể công tác quản lý, cấp phép bưu chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.
- Chỉ đạo và tham gia tổ chức được khoảng 10 Hội nghị/tọa đàm các loại góp phần đưa pháp luật vào đời sống; Chỉ đạo và tham gia các cuộc thanh tra đột xuất liên quan việc phòng chống hàng giả, hàng lậu qua đường bưu chính.
2) Về công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng sáng kiến
- Năm 2014: Tôi là thành viên tham gia nghiên cứu đánh giá hiện trạng quy hoạch bưu chính và khuyến nghị nâng cao hiệu quả. Mã số: 42-14-KHKT-QL
- Năm 2015: Tôi là thành viên tham gia nghiên cứu, xây dựng và bảo vệ đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất gải pháp quản lý việc kết nối mạng giữa các doanh nghiệp bưu chính”. Mã số 68-15-KHKT-QL;
- Năm 2016: Tôi là chủ trì nghiên cứu, xây dựng và bảo vệ đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý dịch vụ và thị trường bưu chính theo các quy định hiện hành và đề xuất các nội dung hoàn thiện”. Mã số 46-16-KHKT-RD
- Năm 2019: Tôi là thành viên chính tham gia nghiên cứu, xây dựng và bảo vệ đề tài “Nghiên cứu về các cơ hội và thách thức đối với bưu chính Việt Nam trong thời đại thương mại điện tử”. Mã số ĐT46/19
- Năm 2020, tôi là thành viên chính tham gia nghiên cứu, xây dựng và bảo vệ đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất xây dựng lộ trình giảm dần và kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng ở Việt Nam. Mã số 045/20.
3) Các công tác khác
Bên cạnh 2 mảng công tác chính nêu trên, tôi còn triển khai chỉ đạo và thực thi các các nội dung công việc như: quản lý việc cung ứng dịch vụ hành chính công qua mạng bưu chính công cộng; quản lý giá cước dịch vụ bưu chính; phí thẩm định bưu chính; số liệu, thống kê; thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, cạnh tranh, đàm phán, mở cửa thị trường; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp kiến nghị; cải cách hành chính; thanh tra, an toàn, an ninh bưu chính; khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng và công tác Đảng, Công Đoàn.
Việc triển khai và chỉ đạo triển khai có hiệu quả các công tác trên đã góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ công chức trong Vụ; Tập hợp sức mạnh của cán bộ đảng viên, công chức trong đơn vị, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cơ quan.
4) Thành tích nổi bật
a. Báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý dịch vụ và thị trường bưu chính theo các quy định hiện hành và đề xuất các nội dung hoàn thiện” của đề tài năm 2016 được xây dựng nhằm đánh giá, những kết quả đạt được, cũng như các tồn tại, bất cập sau thời gian thực thi chính sách (Luật Bưu chính và các văn bản hướng dẫn) để từ đó tìm ra nguyên nhân và là cơ sở để Vụ Bưu chính tham mưu, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính. Nhiều nội dung của đề tài đã được sử dụng trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2016 hoặc dự kiến áp dụng trong năm 2017, cụ thể:
- Xây dựng và ban hành Thông tư điều chỉnh giá cước thư cơ bản trong nước và dịch vụ thư cơ bản quốc tế tiệm cận hoặc bằng giá thành (Thông tư 04/2016/TT-BTTTT quy định mức giá cước tối đa của dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí)
- Xây dựng, hoàn thiện Thông tư quy định về báo cáo nghiệp vụ bưu chính để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước (Thông tư 35/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định về báo cáo nghiệp vụ bưu chính).
- Xây dựng chính sách quản lý nhà nước đối với bưu cục ngoại dịch ngoài lãnh thổ.
b. Kết quả của báo cáo đề tài năm 2019: “Nghiên cứu về các cơ hội và thách thức đối với bưu chính Việt Nam trong thời đại thương mại điện tử”.
TMĐT đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo dự báo của đơn vị đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam (công bố năm 2018), TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới. Dự báo hết năm 2020 thị trường TMĐT đạt khảng 10-12 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 350 USD/năm cho mua sắm online...
Việc thị trường TMĐT của Việt Nam ngày càng phát triển trong những năm gần đây, người tiêu dùng dần hình thành thói quen đặt mua hàng qua điện thoại, Internet đang mở ra cơ hội cho bưu chính phát triển. Hướng đi giàu tiềm năng này đang được các DN tìm cách thức tham gia mạnh hơn. Không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) hỗ trợ cho các website bán hàng online trong khâu vận chuyển, thanh toán, một số DNBC đã xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với lĩnh vực kinh doanh TMĐT như VNPost, Viettel Post…. tăng cường hợp tác với các sàn TMĐT lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách mua-bán hàng qua mạng, xây dựng chợ TMĐT (postmart.vn của VNPost, voso.vn của Viettel Post) để các DN trực tiếp tham gia các giao dịch…Bên cạnh đó, các DNBC cũng đã từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa các dịch vụ trở thành một mắt xích trong hoạt động TMĐT như: hoàn thiện, làm mới các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, COD thành dịch vụ phát hàng thu tiền hoàn chỉnh thay vì là dịch vụ cộng thêm của dịch vụ bưu kiện, bưu phẩm; đầu tư thêm kho bãi, phương tiện vận chuyển chuyên biệt để tham gia kinh doanh dịch vụ giao nhận, logistics; đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ TMĐT...
Như vậy có thể thấy, sự phát triển của TMĐT tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các DNBC, nhiều DNBC đã tìm thấy cơ hội tăng trưởng thông qua việc chuyển dịch trọng tâm kinh doanh từ các dịch vụ bưu chính truyền thống sang lĩnh vực TMĐT, cụ thể là chuyển phát hàng TMĐT và các dịch vụ hậu cần khác cho TMĐT. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những thuận lợi dễ nhận thấy thì các DNBC Việt Nam cũng gặp phải không ít các khó khăn, thách thức khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng TMĐT về cơ chế/thể chế, ứng dụng CNTT, hạ tầng giao thông, kho bãi/đất đai…
Do đó, việc hệ thống hóa một số vấn đề có tính lý luận về TMĐT và bưu chính; phân tích, đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức đối với bưu chính Việt Nam là rất cần thiết và hữu ích; từ đó đề xuất giải pháp để thúc đẩy bưu chính Việt Nam ngày càng phát triển trong xu thế TMĐT, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc CMCN 4.0.
Kết luận:
Trong giai đoạn 2014 -2020, tôi luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ và dám chịu trách nhiệm với cấp trên về những công việc được giao; Thực hiện tốt chức năng tham mưu, bản thân luôn cố gắng đề xuất đúng đắn, kịp thời cho đơn vị trong công tác quản lý và xây dựng chính sách; Bản thân luôn thực hiện đúng qui chế chuyên môn, đảm bảo tính khoa học; Luôn có tinh thần tìm tòi, tự giác tự học, tự nâng cao kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác qua nghiên cứu tài liệu, các lớp tập huấn, các lớp bồi dưỡng, tham khảo đồng nghiệp... để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao.