Kính chào Thứ trưởng! Đầu tiên gửi lời chào và chúc sức khỏe đến Thứ trưởng. Nhân dịp giao lưu trực tuyến này tôi xin gửi đến Thứ trưởng một số câu hỏi như sau: 1. Về việc quy hoạch: hiện nay các Sở đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai quy hoạch. Có thể nói quy hoạch làm xong thì cất kỹ. Vì mọi dự án là do doanh nghiệp thực thi, doanh nghiệp có thể không cần đoái hoài đến quy hoạch của tỉnh. Hiện nay, Bộ chưa có một hướng dẫn gì trong việc triển khai quy hoạch nên công tác kiểm tra, giám sát, và yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ quy hoạch của tỉnh nên Sở rất mơ hồ trong nhiệm vụ này. Cụ thể là Bộ chưa quy định Sở sẽ quản lý cái gì cụ thể đối với doanh nghiệp như về kết cấu hạ tầng BCVT. Kết cấu hạ tầng mà không nắm thì Sở biết quản lý cái gì. Không có quy định nên Sở yêu cầu doanh nghiệp không thực hiện cũng không biết phải làm sao. Câu hỏi này có lẽ đã đặt ra nhiều nhưng chưa có cách giải quyết cụ thể nào. Một vấn đề khác là các chỉ tiêu quy hoạch của tỉnh bây giờ đã đạt và vượt. Vậy Bộ đã có kế hoạch gì điều chỉnh các chỉ tiêu chưa. Một vấn đề không ổn là quy hoạch quốc gia chậm hơn quy hoạch tỉnh nên chỉ tiêu thường không đồng bộ. Vậy nên bây giờ các tỉnh sẽ chỉnh sửa quy hoạch dựa vào đâu? 2. BTS đang làm vấn đề nóng và làm khó khăn trong hoạt động của các Sở. Nếu giải quyết vấn đề BTS không xong sẽ làm giảm uy tín và vị thế của các Sở. Thông tư 12 ra đời nhưng không xem xét hết nhiệm vụ của Sở BCVT. Sở chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện thông tư, nhưng mọi hậu quả sau khi doanh nghiệp xây dựng BTS thì Sở BCVT phải chịu trách nhiệm giải quyết trước UBND tỉnh. Như: BTS xây dựng nhiều nhân dân lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe Sở BCVT phải đi giải thích nhưng BỘ chưa có giải thích thỏa đáng vấn đề này BTS xây dựng phải thuê đất của dân, doanh nghiệp kêu cứu Sở BCVT có chủ trương, nhưng Thông tư có yêu cầu Sở như vậy đâu nên khó thực hiện Doanh nghiệp chuyển danh sách dựng BTS xin UBND tỉnh, UBND tỉnh lại chuyển yêu cầu Sở giải quyết, Thông tư lại không quy định Sở BCVT sẽ phải giải quyết cái gì doanh nghiệp tự đi liên hệ các cơ quan như thông tư quy định để dựng BTS thì được trả lời là phải có ý kiến của Sở BCVT thì mới giải quyết. Các vấn đề trên sở đã góp ý khi Thông tư còn dự thảo. Như vậy thì, Sở BCVT là ai, và được hiểu có vai trò gì trong vấn đề này? 3. Về viễn thông công ích: đây là vấn đề rất mơ hồ. Quỹ VTCI phân bổ chỉ tiêu số máy đến các doanh nghiệp địa phương và yêu cầu sở xác nhận sản lượng. Sở chỉ có các con số do doanh nghiệp báo lên, cơ sở đâu để xác nhận, thẩm định cái này. Đây có thể dẫn đến sự thất thoát lớn ngân sách đầu tư vì doanh nghiệp dễ dàng lách kế hoạch được giao. Thử hình dung một xã xa xôi hẻo lánh doanh nghiệp báo cáo phát triển vài chục thuê bao công ích, Sở sẽ xác nhận như thế nào. Đi đến trực tiếp điều tra từng hộ? kiểm tra trực tiếp từ tổng đài? ... Rất mơ hồ. Và tất cả các tỉnh báo cáo lên Quỹ, Quỹ cũng sẽ rất mơ hồ. Vậy đống tiền sẽ làm gì và giải như thế nào cho đúng? Tôi đề xuất một giải pháp như sau: Bộ nên giao nhiệm vụ phát triển VTCI cho Sở, Sở sẽ trực tiếp đặt hàng cho các doanh nghiệp phát triển thuê bao. Đồng thời sẽ bố trí các nhân viên quản lý thuê bao công ích tại các xã công ích nhân viên này có thể là cán bộ văn hóa thông tin của xã,.... Hàng tháng, nhân viên này có trách nhiệm lập danh sách các thuê báo có nhu cầu phát triển mới, thay đổi nhà cung cấp,... báo cáo về Sở, Sở sẽ xác nhận và báo lên Quỹ. Mọi công tác không qua doanh nghiệp, như vậy sẽ đảm bảo tính chính xác hơn. Sở sẽ nhận kinh phí công ích và chi trả cho doanh nghiệp, nhân viên các xã và trả cho các chỉ phí quản lý công ích do sở chịu trách nhiệm. Mong thứ trưởng xem xét. - Trước đây có đề án dịch vụ 116, hiện nay có tiếp tục triển khai nữa hay không? Đây là đề án có thể hỗ trợ hoạt động của các Sở, Bộ có chủ trương gì không. 4. Bài toán quản lý của các Sở bao giờ cũng không tách rời vấn đề nhân lực: nhân lực viễn thông về quản lý nhà nước ở các Sở đang có xu hướng chuyển sang doanh nghiệp. Thứ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Sự chênh lệch lớn về thu nhập, có thể trên 10 lần đã làm cán bộ Sở chịu nhiều áp lực trong công tác. Phải nói rằng nhiệm vụ quản lý viễn thông là rất nặng nề và khó khăn, nhạy cảm. Sự chảy máu chất xám này có giải pháp gì để cầm máu. Thứ trưởng có thể đã rất hiểu, rất biết vấn đề này. Tôi biết ngay cả Bộ TTTT cũng đang chảy máu. Vậy, Bộ có chính sách gì hỗ trợ các Sở không? Tôi đề xuất Bộ nên nghiên cứu hỗ trợ cán bộ viễn thông các Sở mỗi tháng thêm một phẩy 1,00 lương có được không? Vấn đề này Bộ cũng không nên chuyển trách nhiệm cho UBND tỉnh, vì tỉnh cũng rất hạn hẹp về ngân sách, và nếu có hỗ trợ cho ngành TTTT thì sẽ không công bằng với các ngành khác. Vậy, Sở chỉ có trông chờ vào BỘ. Nếu vấn đề này không giải quyết tốt, tôi nghĩ một thời gian ngắn nữa, các Sở sẽ rất khát, rất thiếu và có thể sẽ không có cán bộ viễn thông và CNTT. 5. Hiện nay, nhiều Sở đã tiếp nhận quản lý tần số ở các Trung tâm TS khu vực. Như vậy, nhiệm vụ phòng viễn thông vốn đã nhiều, hiện nay càng nhiều hơn. Bộ có thể cho một chủ trương để các Sở được thu phí tần số ở địa phương để cải thiện đời sống cho cán bộ. Tôi có nghiên cứu các chính sách trả lương cho cán bộ quản lý viễn thông của một số nước trên thế giới, kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý viễn thông lấy từ ngân sách thu phí tần số vô tuyến điện quốc gia. vậy Thứ trưởng có chia sẽ gì đề xuất này? Có được hay không? 6. Phần mềm quản lý nghiệp vụ BCVT-CNTT: hiện nay Sở BCVT Quảng Nam đã xây dựng thành công phần mềm Mictsoft phục vụ công tác quản lý báo cáo số liệu từ các doanh nghiệp về Sở trên cơ sở đảm bảo các biễu mẫu báo cáo của BỘ và địa phương. Phần mềm này còn có quản lý cơ sở hạ tầng BCVT_CNTT. Phần mềm dùng trực tiếp quan mạng Internet nên rất thuận lợi, hiện nay nhiều sở các tỉnh đã tiếp nhận sử dụng và dùng thử. Quá trính sử dụng hơn 2 năm đã nhận nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ của doanh nghiệp và các sở. Phần mềm ít nhiều đã cho thấy vai trò của Sở đối với doanh nghiệp và vị thế CNTT của tỉnh, phục vụ công tác quản lý tốt hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Kính mong Thứ trưởng quan tâm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
- 11 năm trước
1. Theo quy định của Nhà nước, Quy hoạch phát triển BCVT và công nghệ thông tin hiện nay là quy hoạch “mềm”, quy hoạch định hướng khác với quy hoạch cứng như: quy hoạch đất đai, không gian, vùng lãnh thổ, quy hoạch các khu công nghiệp v.v…, vì vậy khi các tỉnh thành phố triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển BCVT và công nghệ thông tin đều theo hướng quy hoạch “mềm”, có nghĩa là các địa phương xây dựng các chỉ tiêu phát triển cho địa phương mình dựa trên đặc thù của từng địa phương và nhu cầu phát triển KTXH của địa phương cũng như dựa trên các chỉ tiêu phát triển chung của quy hoạch toàn quốc. Trong khi đó việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới ở địa phương của từng doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp căn cứ vào chính sách và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu phát triển KTXH của từng địa phương để đáp ứng để tự quyết định. Khi đó nếu các dự báo trong quy hoạch chính xác thì nhu cầu của doanh nghiẹp và nhu cầu của địa phưiơng trùng nhau đáp ứng được và việc quản lý phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương là hoàn toàn quản lý được. Khi triển khai theo quy hoạch thì địa phương quản lý gì? đó là địa phương căn cứ việc phát triển mạng lưới của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng các đường vu hồi vòng tránh nhằm dảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong mọi tình huống; khuyến khích hoặc yêu cầu các doanh nghiệp trong viẹc sử dụng chung cơ sở hạ tàng; thực hiện vai trò điều tiết trong qỉan lý Nhà nước, đặc biệt trong việc xây dựng các kế hoạch đảm bảo cung cấp dịch vụ VT công ích trên địa bàn địa phương theo yêu cầu phát triển KTXH của địa phương.
2. Triển khai Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 243/BTTTT-KHTC hướng dẫn các Sở BCVT cần cụ thể hóa các tiêu chí nhằm xác định phạm vi và công bố Khu vực phải xin phép xây dựng tùy theo tình hình quy hoạch xây dựng đô thị tại địa phương. Cũng theo Thông tư liên tịch số 12/TTLT/BXD-BTTTT và văn bản số 243/BTTTT-KHTC hướng dẫn trên, thì vai trò của Sở là: Sở BCVT cần nắm bắt, yêu cầu các doanh nghiệp đề xuất kế hoạch và báo cáo dự kiến vị trí xây dựng các trạm BTS loại 2 ở đô thị và trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn để thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan của địa phương để khoanh vùng, xác định phạm vi cần xin phép xây dựng. Còn việc xin phép xây dựng khi phải xin phép là thực hiện theo các quy định hiện hành.
Về phần mềm quản lý, tôi hoan nghênh tính chủ động, sáng tạo của Sở BCVT Quảng Nam trong việc xây dựng và triển khai phần mềm phục vụ công tác quản lý báo cáo số liệu từ các doanh nghiệp. Tôi cũng được biết một số Sở BCVT đang tiếp nhận sử dụng phần mềm này. Đây là một nỗ lực rất đáng biểu dương của Sở BCVT Quảng Nam, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các Sở BCVT, cơ quan phải gương mẫu đi đầu trong việc ứng dụng CNTT ở các địa phương.
Bộ TT&TT đã chỉ định Trung tâm thông tin là cơ quan chuyên trách về CNTT của Bộ TT&TT, có chức năng xây dựng xây dựng quy chế, quy định và tổ chức hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành theo quy định tại điều 46 Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Hiện cho Trung tâm thông tin đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ bao gồm Vụ CNTT và Cục ứng dụng CNTT tìm hiểu, đánh giá phần mềm của Sở BCVT Quảng Nam nhằm đề xuất phương án sử dụng trong ngành.
Về hiện tượng chảy máu chất xám xin có ý kiến thế này: Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức ra khỏi cơ quan nhà nước đã xảy ra từ lâu, nhưng chỉ mang tính đơn lẻ, trong thời gian gần đây, hàng loạt công chức ra ngoài làm việc, vấn đề này không chỉ xảy ra riêng đối với các Sở BCVT mà còn diễn ra ở nhiều cấp, Bộ, ngành khác.
Xét trên phương diện xã hội, chế độ xã hội chúng ta là chế độ xã hội công, vì nhân dân phục vụ. Nếu công chức giỏi chuyển từ khối cơ quan quản lý sang doanh nghiệp mà vẫn tiếp tục có đóng góp thiết thực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thì cũng chính là góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Muốn giữ chân công chức giỏi thì phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng, điều kiện làm việc tốt. Tuy nhiên với điều kiện hiện nay, vấn đề giữ được cán bộ, công chức giỏi vẫn là điều trăn trở của nhiều cấp, nhiều ngành. Vấn đề này tôi vừa trả lời bạn Nguyễn Hữu Lương ở Long Xuyên, An Giang.
Việc bạn có đề xuất Bộ hỗ trợ thêm 1,00 lương cho cán bộ viễn thông của Sở là xuất phát từ những khó khăn thực tế của cán bộ viễn thông. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có cơ chế nào cho phép Bộ hỗ trợ về lương cho các Sở và nếu có, nguồn kinh phí để thực hiện cũng là vấn đề nan giải. Nguồn để trả lương cho cán bộ, công chức của Bộ là từ ngân sách nhà nước cấp, theo quy định của Luật Ngân sách, các Bộ không thể và không được quyền cấp ngân sách cho địa phương, Bộ thông cảm và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Sở.