Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 21/09/2023

Số hóa truyền hình mặt đất Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Nguyễn Thành Phố - Dĩ An, tỉnh Bình Dương
tomathanhphonguyen@gmail.com

Kính gửi Cục Công Nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.

Sau khi đọc thông tư 03/2014/TT-BTTTT ban hành ngày 11/3/2014 có hiệu lực 28/4/2014.

Tôi cần giải đáp giúp ở khoản 2 điều 1 của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ban hành ngày 11/3/2014 có hiệu lực 28/4/2014 như thế nào là: "cá nhân trực tiếp hoặc có liên quan đến hoạt động đánh giá kỹ năng sử dụng CNTT"

Vd như: nếu để tốt nghiệp một lớp trung cấp hay cao đẳng mà nhà trường yêu cầu phải có chứng chỉ tin học này mới đủ điều kiện ra trường( mới được lấy bằng tốt nghiệp) vậy có đúng theo tinh thần của thông tư 03/2014/TT-BTTTT ban hành ngày 11/3/2014 có hiệu lực 28/4/2014 này chưa.

Còn trường hợp đã có những chứng chỉ tin học A,B.. tin học trước khi Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ban hành ngày 11/3/2014 có hiệu lực 28/4/2014 có hiệu lực - thì những chứng chỉ này có còn giá trị sử dụng hay không hay cũng hết giá trị sử dụng. 

Nếu chứng chỉ A, B tin học trước ngày thông tư 03/2014/TT-BTTTT ban hành ngày 11/3/2014 có hiệu lực 28/4/2014 còn hiệu lực thì chứng chỉ a sẽ tương đương với chứng chỉ nào theo thông tư mới này.

Rất mong sớm có câu giải đáp từ Cục, vì tôi đã gọi điện thoại để trình bày nhưng không ai nhấc máy nên đành gửi thư này - rất mong thông cảm và giúp giải đáp , trong khi chờ đợi tôi xin chân thành biết ơn.

Kính đơn.

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

- Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT.

Khoản 2 điều 1 của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT quy định “Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến hoạt động đánh giá kỹ năng sử dụng CNTT”. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc có liên quan được hiểu bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia đến hoạt động đánh giá kỹ năng sử dụng CNTT hoặc sử dụng kết quả của hoạt động đánh giá kỹ năng sử dụng CNTT mà hoạt động đánh giá đó có áp dụng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT như chứng chỉ ứng dụng CNTT.

- Về chứng chỉ ứng dụng CNTT thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 quy định hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Về việc cơ sở đào tạo yêu cầu phải có chứng chỉ tin học mới đủ điều kiện ra trường không thuộc quy định của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT và Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT và chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các quy định chuẩn đầu ra cho sinh viên trung cấp và cao đẳng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) do vậy đề nghị Độc giả liên hệ với cơ quan này để có hướng dẫn, giải đáp.

- Về trường hợp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp trước ngày Thông tư có hiệu lực:

Căn cứ Khoản 2, Điều 23, Thông tư liên tịch số17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 của Bộ TTTT và Bộ GDĐT quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp trước ngày Thông tư có hiệu lực (ngày 10/8/2016) có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản. Như vậy, các chứng chỉ tin học A, B, C đã cấp trước ngày 10/8/2016 (theo Quyết định số21/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 03/7/2000 của Bộtrưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Tin học ứng dụng A, B, C) có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản.

Độc giả: Phan Hữu Lợi - Tokyo, Nhật Bản
phanhuuloi35@gmail.com

Kính gửi quý Bộ Thông tin và Truyền thông,

Tôi đã đi làm việc tại Nhật cách đây vài năm, lúc đó tôi chưa có Căn cước công dân và chưa có tên trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư.

Bây giờ nhà mạng bắt buộc tôi cập nhật thông tin bằng Căn cước công dân và phải trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư, mặc dù tôi đã đăng ký chính chủ bằng CMND và CMND của tôi vẫn còn hạn sử dụng.

Tôi không cập nhật thông tin được vì không có tên trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư.

Hiện tại tôi không thể bỏ công việc để về Việt Nam làm Căn cước công dân và cập nhật thông tin được.

Kính mong Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét những trường hợp giống như tôi để công dân đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài không bị nhà mạng khóa và thu hồi số điện thoại chính chủ.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Trong thời gian qua, nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao góp phần ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác , cuộc gọi rác, trên cơ sở Đề án 06, Cục Viễn thông – Bộ TT&TT đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp di động triển khai kết nối, xác thực giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ đó triển khai các biện pháp thông báo, đề nghị Người sử dụng dịch vụ viễn thông có thông tin chưa trùng khớp với thông tin được xác thực trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện chuẩn hoá lại thông tin theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP (những thuê bao đã đăng ký thông tin bằng chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng, có thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định và trùng khớp với thông tin được xác thực trong CSDL quốc gia về dân cư thì vẫn hoạt động bình thường).

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuẩn hoá của thuê bao, bên cạnh việc cập nhật thông tin trực tiếp tại các điểm, các doanh nghiệp di động đã triển khai hình thức cập nhật trực tuyến qua web/app của doanh nghiệp. Trong trường hợp cần cập nhật thông tin, Quý độc giả có thể liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp mà độc giả đang có giao kết hợp đồng để được hướng dẫn cập nhật thông tin.

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là để bảo vệ chính bản thân người sử dụng dịch vụ viễn thông khỏi những hành vi lợi dụng thông tin thuê bao không chính xác, sử dụng SIM rác để quấy nhiễu người dân, hoặc là thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, do vậy, rất mong nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của Quý độc giả cũng như người dân.

Độc giả: Đặng Thị Kim Châu - Thành phố Hồ Chí Minh
chaudang0808@gmail.com

Kính gửi Bộ Thông tin và truyền thông,

Trong khi tôi tìm hiểu các quy định về chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm lĩnh vực viễn thông, tôi chưa rõ việc áp dụng Điều 30 Nghị định 174/2013/NĐ-CP và Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về chế tài xử lý đối với vi phạm về giao kết hợp đồng mẫu sẽ được áp dụng song song chỉ áp dụng một trong hai quy định này. 

Rất mong được Quý Bộ giải đáp.

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 122 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về "Hiệu lực thi hành 2⋅ Bãi bỏ Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện và Điều 2 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện⋅"

Vì vậy với câu hỏi mà bạn đề cập thì áp dụng xử lý theo quy định tại Điều 33 nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Độc giả: Ms. Thuy Hong - Quận 7, Tp.HCM
hong2210@gmail.com

Công ty tôi làm ngành dịch vụ (Chuyển phát nhanh hàng hóa), thường phải gọi điện thoaị hỏi chăm sóc các khách hàng sử dụng dịch vụ và xác nhận các thông tin, chất lượng dịch vụ và phản hồi của khách hàng để nâng cao dịch vụ... hoàn toàn không có nội dung quảng cáo hoặc chèo kéo mua hàng, bán sản phẩm.

Nhưng khi thực hiện gọi từ các số điện thoại di động thì bị chặn do bị nhầm lẫn là số điện thoại quảng cáo (sau khoảng 2 ngày sử dụng số điện thoại để gọi) và phải làm văn bản đề xuất mở lại.

Vậy cho tôi hỏi nếu tôi  đăng ký định danh các số điện thoại gọi tới chăm sóc khách hàng theo Nghị định 91/2010/ND- CP thì có được sử dụng liên tục trong suốt thời gian đăng ký để phục vụ hoạt động kinh doanh không?

 

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Nghị định này chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức/doanh nghiệp gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo tại Việt Nam. Định nghĩa về tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đã được làm rõ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này; chỉ có định nghĩa về “Tin nhắn chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp viễn thông” (được quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 91).

Do vậy, trước hết Công ty cần tham chiếu nội dung tin nhắn và cuộc gọi của mình tới khách hàng để xác định xác định có phải là tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo hay không. Trường hợp không phải là tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo thì Công ty có thể chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp viễn thông để khai báo và sử tên định danh không phục vụ cho mục đích quảng cáo.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng tên định danh cho mục đích quảng cáo thì Công ty thực hiện thủ tục xin cấp tên định danh theo quy định tại điều 24, điều 25 và điều 26 Nghị định số 91.

Trong trường hợp cần hỗ trợ, Quý độc giả có thể gọi tới số hotline 0339035656 để được giải đáp.

Độc giả: Lê Văn Châu - Tổ dân phố 2-Chư Ty-Đức Cơ-Gia Lai
michchauthducco@gmail.com

 Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao cấp huyện có được phép lập một Website (Trang thông tin điện tử) chuyên ngành không?

Trang thông tin này dùng để đăng tải những thông tin ở địa phương, hoạt động của lãnh đạo địa phương

Nếu có, thì thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì: “Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. Căn cứ nội dung trên thì hoạt động“đăng tải những thông tin ở địa phương, hoạt động của lãnh đạo địa phương” không thuộc phạm vi cung cấp thông tin theo quy định của trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành.

Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành tại hoạt động cung cấp thông tin trên mạng, độc giả Lê Văn Châu cần nghiên cứu và tìm hiểu quy định Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Độc giả: Ngo Nham - Yen Lac, Vinh Phuc
camerathaidung@gmail.com

Tôi có câu hỏi xin được quý Bộ giải đáp:

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Biên tập viên và 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Phóng viên. Tuy nhiên, trước khi ban hành chương trình trên, tôi đã được cấp chứng nhận bồi dưỡng chức danh Biên tập viên hạng III. Vây khi tôi tham gia thi lên Biên tập viên hạng II có  được sử dụng chứng nhận bồi dưỡng chức danh Biên tập viên hạng III cũ không hay phải học lại theo quy định mới 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Biên tập viên. 

 

 

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông  tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng  9 năm  2017 về đào tạo, bồi dưỡng  cán bộ, công chức, viên chức, nếu anh, chị đã có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.