Ứng dụng CNTT giúp phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu long

Thứ sáu, 01/07/2016 15:05

“Công nghệ Thông tin (CNTT) là lĩnh vực quan trọng nhất giúp thúc đẩy kinh tế ĐBSCL trong thời gian tới. Ứng dụng công nghệ hỗ trợ tích cực cho kinh tế vùng và sáng tạo trong thương mại, sản xuất”, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận xét tại Hội thảo “Triển vọng CNTT vùng ĐBSCL trong xu hướng phát triển mới” vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 29/6/2016.

Theo ông Võ Hùng Dũng, CNTT hiện nay trở nên rất đa dạng và xuất hiện ở mọi ngóc ngách của đời sống. ĐBSCL với lợi thế là vựa lúa, vùng nuôi trồng thủy sản có thương hiệu trên thế giới, nếu đưa các ứng dụng CNTT vào sản xuất, sẽ mang lại giá trị thặng dư lớn. Ngoài ra, “Ứng dụng và phát triển CNTT sẽ thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, ông Dũng cho biết.
 
Đồng quan điểm với ông Võ Hùng Dũng, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp (ITB) thuộc VCCI nhấn mạnh: “Chúng ta cần kết hợp những cái sẵn có ở ĐBSCL như đường truyền băng thông rộng với các ứng dụng CNTT trong kiểm soát vùng nuôi thủy sản, vùng sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả quản lý, giám sát cho doanh nghiệp”.
 
Riêng đối với ngành thủy sản, ông Lợi cho rằng: “Trong những năm qua, ngành gia công phần mềm của Việt Nam thu về khoảng trên 1 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản hiện đạt 7-8 tỷ USD mỗi năm. CNTT có thể đưa con số đó lên gấp đôi hiện nay thông qua giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng lượng khách hàng”.
 
Giải thích về điểm này, ông Lợi cho biết: “Thông qua quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng CNTT, khách hàng ở Mỹ, EU sẽ dễ dàng tiếp cận được quy trình quản lý của doanh nghiệp và thấy an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mà Việt Nam chú trọng. Cho nên, họ ăn con cá, con tôm hay gạo của Việt Nam đều cảm thấy yên tâm và sẵn sàng mua sản phẩm của chúng ta nhiều hơn”.
 
Về đầu tư hạ tầng CNTT tại ĐBSCL, ông Lê Văn Lợi đưa ra một số khuyến nghị gồm: “Cáp quang hóa toàn bộ kết nối internet; Ưu tiên phát triển mạng di động tốc độ cao; Phủ sóng wifi toàn bộ các vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản; Xây dựng giải pháp CNTT cho thị trường tiềm năng khoảng 10.000 doanh nghiệp…”. Về phần doanh nghiệp, “Mỗi doanh nghiệp nên có một tên miền website quảng bá; Nhân viên của doanh nghiệp cần được đào tạo và sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin, tiếp thị – thương mại điện tử…”.
 
Tuy nhiên, để phát triển ngành CNTT vùng ĐBSCL, nhiều chuyên gia lưu ý, cần phải tập trung vào nguồn lực con người; đặc biệt, cần đưa nội dung thực hành vào nhiều hơn trong chương trình học của sinh viên ngành CNTT.
 
Dẫn số liệu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), ông Nguyễn Anh Việt, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại Cần Thơ cho biết: “Hiện có 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Chỉ khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong khi hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại”. “Dù vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao cho lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng… lại đang khan hiếm”, ông Việt cho biết thêm.
Theo VCCI
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top