Tọa đàm triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT

Thứ ba, 12/09/2017 13:59

Ngày 12/9/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Tọa đàm triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã tham dự và phát biểu khai mạc. Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo về CNTT…

20170912-pg01.JPG
 Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi Tọa đàm
 
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, hiện nay chúng ta nói nhiều về các xu thế công nghệ trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố thông minh… Trong bối cảnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT là hết sức quan trọng. Vì nếu không có nguồn nhân lực tốt, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nắm bắt được cơ hội.
 
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư  03/2014/TT-BTTTT liên quan đến vấn đề đào tạo chuẩn kỹ  năng CNTT  cơ bản; Thông tư liên tịch giữa Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm từng bước đổi mới chất lượng đào tạo, thi và cấp chứng chỉ về chuẩn kỹ năng CNTT; Thông tư 11/2015/TT-BTTTT liên quan đến chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT chuyên nghiệp.
 
Xây dựng các chuẩn kỹ năng về đào tạo để cấp chứng chỉ kỹ năng cũng là một phần của công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề tăng cường chất lượng đào tạo cũng như tăng cường chuẩn trong đào tạo về kỹ năng CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Trên thực tế, chất lượng đào tạo của nhiều trung tâm đào tạo CNTT hiện nay đang có vấn đề, chứng chỉ cấp ra không đảm bảo chất lượng.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, “cần phải đổi mới sâu sắc công tác xây dựng chuẩn, thi và cấp chứng chỉ CNTT trên tinh thần quản lý chặt chất lượng thi, cấp chứng chỉ; không gắn việc đào tạo với việc thi và cấp chứng chỉ. Phải quản chặt chất lượng thông qua ngân hàng đề thi chuẩn và thay đổi cách thi. Làm thế nào để người học có thể học ở đâu cũng được, hoặc học qua mạng hoặc học tại các trung tâm đào tạo luyện thi…, sau đó được thi, được cấp chứng chỉ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Bộ TT&TT khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao chất lượng thi kỹ năng về CNTT”.
 
Thứ trưởng kỳ vọng, cần phải hướng đến việc làm thế nào đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng chuyên nghiệp để trong thời gian tới, nhiều cán bộ, chuyên gia của Việt Nam không những có thể làm tốt ở Việt Nam mà còn có cơ hội làm việc ở các quốc gia khác trên thế giới.
 
20170912-p02.JPG
 Toàn cảnh buổi Tọa đàm
 
Tại buổi Tọa đàm, đại diện Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm quản lý dùng chung quốc gia. Các câu hỏi thi được xây dựng theo hướng mô phỏng thực hành, gồm 6 module cơ bản và 9 module nâng cao. Các trung tâm hiện đang đào tạo, cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT hiện nay đều có thể trở thành test site (địa điểm tổ chức thi cấp chứng chỉ về CNTT). Tuy nhiên, đại diện Bộ này cho biết còn một số khó khăn trong công tác xây dựng mức phí, lệ phí cho các chứng chỉ này.
 
Đa số đại biểu tham dự buổi Tọa đàm đều bảy tỏ sự đánh giá cao đối với Thông tư 03/2014/TT-BTTTT quy định về đào tạo chuẩn kỹ năng CNTT cơ bản do Bộ TT&TT ban hành. Trên cơ sở Thông tư này, các trường cao đẳng, trung tâm đào tạo có thể dễ dàng xây dựng tài liệu bồi dưỡng kỹ năng về CNTT cho cán bộ công chức, như trong trường hợp của Bộ Nội vụ.
 
Đại diện Hội Tin học Việt Nam kiến nghị cần xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng các chứng chỉ kỹ năng về CNTT và các thông tin về chứng chỉ cần phải được minh bạch, dễ dàng tra cứu. Trong điều kiện hiện nay, việc này làm không khó. Nhu cầu cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT là khá lớn, mỗi năm có khoảng 1 triệu người có nhu cầu thi và cấp chứng chỉ - đại diện Hội Tin học Việt Nam cho biết.
 
Đại diện Hội Giáo dục Việt Mỹ nhất trí với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi chung và phần mềm mô phỏng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại diện Hội này cho rằng, “nên coi việc cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT giống như cấp bằng lái xe”. Việc sát hạch lái xe ở Việt Nam hiện tại khá tốt, có thể học hỏi. Theo đó, trung tâm sát hạch chỉ làm nhiệm vụ sát hạch kỹ năng, còn học viên có thể học theo bất cứ phương thức nào (học online, học thầy, học tại trung tâm…). Tuy nhiên, các trung tâm này cần phải được kiểm định thường xuyên và nên trực thuộc các trường đại học hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo để khống chế về số lượng, khoảng 300 đơn vị là hợp lý.
 
Cũng tại buổi Tọa đàm, nhiều đại biểu nhất trí rằng nên xem xét đưa giáo dục chuẩn kỹ năng cơ bản quy định trong Thông tư 03/2014/TT-BTTTT vào chương trình giáo dục phổ thông và đưa các chuẩn kỹ năng về CNTT nâng cao vào chương trình giáo dục đại học chuyên ngành về CNTT.
 
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo. Thứ trưởng khẳng định, trách nhiệm của Bộ TT&TT là xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ năng CNTT và Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng kỹ năng CNTT theo tiêu chuẩn của công dân toàn cầu.
 
Thứ trưởng đề nghị, ngân hàng đề thi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng cần mang tính tập trung, phần mềm thi dùng chung cần tách bạch giữa đào tạo và sát hạch và cần phải thể hiện sự độc lập về công nghệ.
 
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc công nhận các chứng chỉ quốc tế về kỹ năng CNTT là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cần phải được triển khai hết sức thận trọng, tránh gây thua thiệt cho các đơn vị đào tạo trong nước.
 
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực CNTT.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top