Đường lớn đã mở

Thứ hai, 06/07/2020 10:05

Năm 2020, nhân loại chứng kiến đại dịch thế kỷ COVID-19. Với phương châm hành động “biến nguy thành cơ”, Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Không vì đại dịch mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng”. Từ quyết tâm đó, toàn ngành TT&TT đã chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội tạo nên cuộc “chuyển mình” nhanh chóng. Qua 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT cũng như toàn Ngành đã thu được những kết quả tích cực được Đảng và Nhà nước ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực.

Sáng nay 06/7/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 66 điểm cầu. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
 
20200706-xl04.JPG 
 Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT
 
Năm 2020, nhân loại chứng kiến đại dịch thế kỷ COVID-19. Trong bức tranh ảm đạm phủ bóng toàn thế giới, Việt Nam đã tỏa sáng, trở thành quốc gia thành công nhất trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch với số ca nhiễm thấp nhất; và đặc biệt không có ca tử vong nào.
 
Có được thành quả trên là từ sự nhận định sáng suốt, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, với cách làm chưa từng có tiền lệ cùng sự đồng lòng của cả dân tộc với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Đại dịch COVID-19 cũng làm thay đổi nhận thức, quan niệm của con người về phương thức vận động xã hội. Nhu cầu của con người chuyển dần từ đời sống thực sang đời sống trên không gian số. Cuộc chuyển đổi vĩ đại ấy mang tên Chuyển đổi số.
 
Đối với Việt Nam, đây là cơ hội và cũng là “cú huých” trăm năm để chuyển đổi số quốc gia. Và Ngành mở đường, nhận vai trò tiên phong cho công cuộc chuyển đổi này, chính là ngành Thông tin và Truyền thông.
 
Trong bối cảnh khó khăn ở giai đoạn đầu năm 2020, ngành TT&TT đã lựa chọn, tìm ra những định hướng, quyết sách phát triển đúng đắn, đưa ra những quyết định sáng suốt, coi khó khăn thách thức là cơ hội cho Ngành phát triển. Cùng với Đảng và Chính phủ, chúng ta đã dành thắng lợi trên mặt trận chống và đẩy lùi COVID-19, hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ đề ra.
 
Với phương châm hành động “biến nguy thành cơ”, Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định “Không vì đại dịch mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng”. Từ quyết tâm đó, toàn ngành TT&TT đã chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội tạo nên cuộc “chuyển mình” nhanh chóng.
 
Qua 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT cũng như toàn Ngành đã thu được những kết quả tích cực được Đảng và Nhà nước ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực:
 
20200706-xl02.JPG
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm quan khu triển lãm các nền tảng chuyển đổi số và trải nghiệm 5G "Make in Vietnam"
 
Bưu chính – dòng chảy vật chất không ngừng nghỉ
 
Trong những ngày covid vừa qua, khi thực hiện “giãn cách xã hội”, người dân Việt Nam mới thấy rõ hơn tầm quan trọng của dòng chảy vật chất, của từng nhân viên Bưu chính chuyển phát, và của cả lĩnh vực Bưu chính.
 
Các doanh nghiệp Bưu chính đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ bưu chính công ích của Nhà nước, trong đó, đặc biệt là việc chi trả các chế độ an sinh xã hội cho các đối tượng tại nhà trong thời kỳ dịch bệnh; chấp nhận, vận chuyển ra nước ngoài các trang thiết bị y tế dùng cho việc phòng bệnh Covid-19 vì mục đích nhân đạo, bảo đảm tối đa cung ứng dịch vụ bưu chính trong thời kỳ dịch Covid -19.
 
Sau giai đoạn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5 đến nay, các doanh nghiệp bưu chính đã có những khởi sắc trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đặc biệt là bưu chính chuyên chuyển phát gói, kiện hàng hóa đều có kết quả tăng trưởng so với tháng 4 ở cả sản lượng, doanh thu với mức tăng từ 5-15%.
 
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của hầu hết các ngành thì kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Bưu chính trong 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng: doanh thu ước đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 4%; sản lượng gói, kiện đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Việc công bố nền tảng Mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode), đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số V-Map quốc gia được Quốc hội giao... Đây là bước tiến rất lớn, đặc biệt quan trọng để chuyển đổi số lĩnh vực Bưu chính cũng như làm nền tảng cho thương mại điện tử hướng đến kinh tế số trong tương lai.
 
Viễn thông – những con số biết nói
 
Trong đại dịch COVID-19, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TTTT về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội về nhu cầu làm việc, học tập từ xa trực tuyến, đảm bảo thông tin liên lạc, cung cấp nền tảng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cũng như từng người dân trong phòng chống dịch bệnh.
 
Chỉ một ngày sau khi thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống dịch, Bộ TTTT đã chỉ đạo các nhà mạng thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan; Nhiều biện pháp tích cực, chủ động, thậm chí chỉ có ở Việt Nam mới làm được đã được triển khai hiệu quả như : nhắn tin tuyên truyền; miễn cước cuộc gọi đến số hotline; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế; thay đổi logo; cài đặt âm báo; vận động ủng hộ qua cổng 1407, tăng 50% dung lượng data tất cả các gói cước khách hàng đang sử dụng và đăng ký mới với mức cước không đổi; tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc; cung cấp wifi miễn phí tại các khu vực cách ly tập trung đông người, cung cấp tài khoản miễn phí, miễn cước phí sử dụng data di động cho học sinh và giáo viên khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến với gần 30.000 trường học...
 
Những con số biết nói đã phản ảnh chân thực đóng góp của ngành Viễn thông đối với đất nước trong đại dịch: 11 đợt nhắn tin với hơn 15 tỷ tin nhắn tới hơn 2 tỷ lượt thuê bao; 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ với giá trị hơn 152 tỷ đồng; tăng băng thông giảm giá cước, hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng cho khách hàng. Từng tin nhắn, từng đoạn hội thoại cảnh báo đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Cùng với đó là bảo đảm an toàn thông tin, trực tiếp điều hành, đôn đốc triển khai lắp đặt và vận hành phục vụ hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Ban chỉ đạo Covid -19. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ TTTT đã chỉ đạo phục vụ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Việt Nam bằng hình thức trực tuyến. Tổ chức phục vụ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu chính, kết nối với 63 điểm cầu tỉnh/thành phố với chất lượng tốt, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao.
 
BT-NMH-tham-vimax.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm quan khu triển lãm các nền tảng chuyển đổi số và trải nghiệm 5G "Make in Vietnam"
 
Bên cạnh đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới.
 
Bộ cũng đang thúc đẩy triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm tạo ra đột phá về thanh toán điện tử, phục vụ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Mobile Money sẽ thúc đẩy việc bán hàng ở vùng sâu vùng xa, thanh toán không dùng tiền mặt và là giải pháp hữu hiệu để người dân tiếp cận với các dịch vụ và trả phí như y tế, giáo dục, tài chính…mang tính đổi đời trên nền tảng internet.
 
Ngày 17/01/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB, do Tập đoàn Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, đã được thực hiện thành công. Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Dự kiến đến tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị Việt Nam - đây là một bước tiến quan trọng khẳng định Việt Nam đã đi song hành với thế giới trong phát triển 5G.
 
Ứng dụng CNTT – Việt Nam là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng CNTT nhất trong phòng chống COVID-19
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid đến rồi đi, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thế giới. Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ số hiệu triệu toàn ngành thông tin và truyền thông, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ số vừa tích cực tham gia phòng, chống Covid-19 vừa tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống của người dân, xã hội vẫn tiếp tục diễn ra theo một trạng thái bình thường mới.
 
20200706-m02.JPG
 
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn thăm quan khu triển lãm các nền tảng chuyển đổi số và trải nghiệm 5G "Make in Vietnam"
 
Đến nay, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng CNTT nhất trong phòng chống COVID-19. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Có các ứng dụng với hàng triệu lượt tải, được người dân sử dụng phổ biến như Ncovi, Bluezone; có những ứng dụng phục vụ việc truy vết, đo mức độ giãn cách xã hội,…
 
Đặc biệt, ứng dụng Khẩu trang điện tử - Bluezone sử dụng công nghệ bluetooth để quản lý tiếp xúc gần do Cục Tin học hóa chủ trì, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số được đánh giá là một giải pháp có tính đột phá. Việt Nam là một trong số ít các nước đầu tiên xây dựng và phát triển ứng dụng quản lý tiếp xúc gần. Và đây cũng là lần đầu tiên một giải pháp công nghệ do Cơ quan nhà nước chủ trì phát triển được mở mã nguồn và công bố trên kho Github để các quốc gia khác trên thế giới có thể học hỏi, tham khảo và tận dụng trí tuệ của tri thức trên toàn thế giới. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, giải pháp đã được liên tục nâng cấp, hoàn thiện, trở thành một trong những giải pháp tốt nhất nhờ vào sự đóng góp, góp ý của hàng trăm chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.
 
Có thể nói đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia. Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động khối các cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dưới áp lực của tình trạng dịch bệnh đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt cũng đã rất nhạy bén, nhanh chóng, chủ động nắm bắt cơ hội để xây dựng và triển khai các nền tảng, giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.
 
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt xây dựng các nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức khai trương, giới thiệu và bảo trợ về truyền thông cho nhiều nền tảng số Make in Vietnam. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tư vấn sức khỏe; Nền tảng dạy học trực tuyến cung cấp giải pháp, cho hơn 43.000 trường trên phạm vi toàn quốc; Các nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, hội nghị trực tuyến Zavi, Comeet, nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office, nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee … lần lượt ra đời đã mang lại những hiệu quả tích cực, thiết thực cho xã hội.
 
Trong tháng 6/2020, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI)… Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
 
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các Bộ, ngành, địa phương cả nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế là hai bộ đầu tiên, công bố hoàn thành mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4.
 
An toàn, an ninh mạng – đẩy nhanh triển khai các Trung tâm SOC theo mô hình 04 lớp
 
Trong 06 tháng đầu năm 2020, Bộ TTTT đã ghi nhận 2.017 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Bộ TT&TT đã chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc Bộ chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; tăng cường công tác giám sát, điều hành các nhà mạng phát hiện, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.
 
Bộ đã xây dựng và hướng dẫn các đơn vị triển khai Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) tại các bộ, ngành, địa phương theo mô hình 04 lớp. Đến nay đã chủ động liên hệ và làm việc trực tuyến hướng dẫn và hỗ trợ 47 Sở TTTT trong việc xây dựng SOC.
 
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai bảo đảm ATTT cho các sự kiện của năm Việt Nam làm chủ nhà Asean và Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Làm việc với các Doanh nghiệp trong liên minh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và làm chủ hệ sinh thái sản phẩm phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Triển khai phương án giám sát, thống kê việc sử dụng hình thức thanh toán xuyên biên giới trái phép. Đôn đốc các nhà mạng hoàn thành triển khai hệ thống DPI để xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng... Song song với đó, Bộ TT&TT đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg về việc kéo dài thời hạn thí điểm một số chế độ ưu đãi và cơ chế tài chính đặc thù cho cán bộ kỹ thuật và lực lượng ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Bộ TT&TT; Hoàn thiện việc tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác...
 
 
Công nghiệp ICT - sản phẩm thiết bị 5G Việt Nam sẽ được thương mại hóa trong năm 2020
 
Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới.”
 
20200706-xl01.JPG
 
Thứ trưởng Phan Tâm thăm quan khu triển lãm các nền tảng chuyển đổi số và trải nghiệm 5G "Make in Vietnam"
 
Với mục tiêu phải đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số (khoảng 1.000 người dân có 01 doanh nghiệp công nghệ số - đây là tỷ lệ tương đương với tỷ lệ của các nước phát triển) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
 
Cùng sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT dự kiến một số sản phẩm thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hóa trong cuối năm 2020. Bộ cũng đang hướng mục tiêu đến năm 2022, hệ thống mạng 5G sẽ được sử dụng toàn bộ thiết bị mạng 5G - Make in Viet Nam. Và trong gian đoạn trước mắt, để góp phần thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Bộ TTTT sẽ phối hợp với một số địa phương triển khai phủ sóng 5G tại một số khu công nghiệp, khu CNTT tập trung trọng điểm trong năm 2020 và năm 2021, 2022 để đón làn sóng đầu tư mới.
 
Báo chí, tuyên truyền – Trên tuyến đầu chống dịch
 
Trong Dịch Covid-19 vừa qua, niềm tin của xã hội và người dân vào báo chí tăng lên rất nhiều. Mỗi ngày có 700-1.000 tin trên báo chí. Báo chí được quan tâm đọc hơn. Mỗi ngày có 20-30 triệu lượt đọc. Các giá trị của báo chí được thể hiện rất rõ nét: Thông tin được chứng thực và đưa thông tin vì lợi ích cộng đồng.  Đây cũng là cơ hội để Chính phủ nhìn thấy vai trò của báo chí.
 
Báo chí là nguồn đưa vào mạng xã hội sau đó được mổ xẻ, lan đi từ các mạng xã hội. Số người đọc mạng xã hội vẫn nhiều hơn nhưng báo chí góp phần điều tiết mạng xã hội. Báo chí không chỉ truyền thông mà còn đóng vai trò điều tiết mạng xã hội. Sắp tới báo chí sẽ đưa tin nhiều hơn nữa về cách phòng chống dịch cho người dân. Động viên người dân tin vào cách chỉ đạo của Đảng, của Ban chỉ đạo.
 
Báo chí tuyên truyền đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch. Từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch COVID-19. Hệ thống loa truyền thanh thông tin cơ sở tại xã phường đã hồi sinh, phát huy tối đa tác dụng vốn có của mình trong đại dịch.
 
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội sách trực tuyến Quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 diễn ra từ 19/4 - 20/5 trên sàn Book365.vn. Lần đầu tiên một hội chợ sách quy mô quốc gia được tổ chức trực tuyến và đã thu hút hơn 10 triệu lượt truy cập và tham gia Hội sách.
 
20200706-xl09.JPG
 
Các đại biểu dự Hội nghị thăm quan khu triển lãm các nền tảng chuyển đổi số và trải nghiệm 5G "Make in Vietnam"
 
Đồng hành với những khó khăn của các cơ quan báo chí do sụt giảm mạnh nguồn thu từ quảng cáo, bên cạnh đề xuất Chính phủ cần phải có những biện pháp để giúp đỡ báo chí, Bộ đã sử dụng 9 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của Bộ để đặt hàng báo chí và truyền hình; huy động được 3 tỷ đồng từ các doanh nghiệp ICT để hỗ trợ trực tiếp cho các phóng viên đang tham gia ở tuyến đầu chống dịch. Bộ cũng đã chỉ đạo các nhà mạng viễn thông miễn phí toàn bộ kênh truyền và hosting máy chủ cho tất cả các cơ quan báo chí điện tử trong 2 tháng 4 và 5/2020; đồng thời tăng tốc độ đường truyền; tăng dung lượng sử dụng thêm 50 % nhưng không tăng giá cho toàn xã hội.
 
Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức; tập trung thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách, nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nêu bật những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến vượt khó vươn lên. Tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp; Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; Báo chí cũng khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng dân tộc, xây dựng đất nước; không làm xói mòn niềm tin mà lan toả năng lượng tích cực, kết nối mọi người dân để thúc đẩy Việt Nam bứt phá vươn lên, phát triển hùng cường, thịnh vượng.
 
Bộ TT&TT cũng đã tiếp tục triển khai thực hiện công tác quy hoạch báo chí theo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra; Đã thực hiện công bố và trao Giấy phép hoạt động báo chí mới cho 18 cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple phải thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng của các doanh nghiệp này. Tiếp tục rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về xử lý thông tin vi phạm, thanh toán và đóng thuế tại Việt Nam; thực hiện, rà soát các trò chơi điện tử có dấu hiệu đánh bạc, phát hành game vi phạm pháp luật Việt Nam; ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới...
 
Đối diện với đại dịch thế kỷ COVID-19, Việt Nam đã làm nên kỳ tích được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ngành TT&TT cũng đã góp phần quan trọng trong kỳ tích chung đó của đất nước.
 
Phát huy những kết quả đạt được, chúng ta tin tưởng rằng toàn Ngành sẽ về đích thành công, đảm bảo thắng lợi các mục tiêu đề ra. Vinh quang sẽ luôn dành cho những người tiên phong, những người mở đường, những người dám dấn thân và lấy sứ mệnh phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân làm kim chỉ nam dẫn đường. Đường lớn đã mở và đây là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ TT&TT kêu gọi toàn Ngành và cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng và đồng hành cùng đất nước tạo ta các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số./.
Trung tâm Thông tin
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top