Một nửa thế giới sống thiếu Internet

Thứ tư, 23/09/2020 15:28

Khi Covid-19 bắt đầu lây lan tại Colombia, Angela Montiel, một phụ nữ dân tộc Wayuu, cập nhật thông tin về đại dịch từ những người hàng xóm có mạng Internet.

20200707-attt-ta8.jpg

Những người hàng xóm tại thị trấn Uribia nói rằng một loại virus chết người "gây triệu chứng ho dữ dội" đang lây lan khắp cả nước, thậm chí đã xuất hiện ở thành phố Maicao gần đó. Montiel tỏ ra hoài nghi khi căn bệnh này bùng phát ở quá gần nơi mình sống. "Tôi không biết đó có phải sự thật không", người phụ nữ dân tộc Wayuu cho biết.

Khi các nước áp dụng các biện pháp giãn cách cộng đồng nhằm ngăn chặn nCoV lây nhiễm, hàng tỷ người đã theo dõi những diễn biến của khủng hoảng Covid-19 qua mạng. Cùng lúc đó, hàng tỷ người thậm chí còn không được tiếp cận Internet, Montiel là một trong số đó.
 
Chính phủ Colombia áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 4. Montiel cùng chồng và 3 con được khuyến cáo ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang để tránh nguy cỡ lây nhiễm nCoV.
 
Tuy nhiên, lệnh ở trong nhà gần như là án tử hình với gia đình cô. Trước khi đại dịch bùng phát, cô có thể nạp tiền điện thoại để dùng WhatsApp, nhưng điều này là bất khả thi kể từ khi áp lệnh phong tỏa. Không có mạng Internet đồng nghĩa với không có "làm việc từ xa". Angela Montiel làm nghề đan túi truyền thống, nhưng cô không thể ra đường bán hàng dưới tình trạng này.
 
Gia đình Montiel đang phải sống nhờ khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp từ các tổ chức phi chính phủ. Ba đứa con của Angela cũng không thể học tại nhà nếu thiếu mạng Internet. Nếu muốn cập nhật tin tức, cả gia đình phải chờ những cuộc gọi từ người thân hoặc bạn bè, nếu không họ hoàn toàn "trong bóng tối".
 
"Chúng tôi không có TV hay mạng Internet, không thể biết dịch bệnh còn hoành hành hay không. Chúng tôi không thể ra đường tự do. Chúng tôi đang rất khốn khổ", Montiel nói.
 
Liên Hợp Quốc ước tính 46% dân số thế giới vẫn không được kết nối với Internet. Với những người đó, lệnh phong tỏa xã hội khiến họ không thể tiếp cận nhanh chóng với những thông tin về sức khỏe cộng đồng, cơ hội làm việc và học tập từ xa, khám bệnh qua mạng, mua hàng trên mạng hay thậm chí là các nghi lễ tôn giáo online.
Các chính phủ trên thế giới đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ Internet toàn dân trước năm 2020, nhưng khoảng cách kỹ thuật số vẫn rất sâu rộng, thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng.
 
Người dân ở các khu vực nghèo khổ rất khó được kết nối, cùng với đó là nữ giới, người cao tuổi và những người sống tại các vùng sâu vùng xa. Trong một số trường hợp, việc đóng cửa công sở, trường học và các địa điểm công cộng như thư viện đã cắt đứt khả năng tiếp cận Internet của nhiều người.
 
"Chúng ta luôn nói có khoảng 3,5 tỷ người chưa được kết nối, nhưng con số này chắc chắn đã tăng lên, vì không ít người tiếp cận Internet tại nơi làm việc và địa điểm công cộng đã mất cơ hội này", Eleanor Sarpong, Phó giám đốc Liên minh A4AI, với mục đích cung cấp Internet giá phải chăng tới hàng tỷ người trên thế giới, cho hay.
 
"Covid-19 cho thấy có sự chia rẽ khổng lồ, điều này gây bất ngờ cho một số quốc gia. Khi họ yêu cầu công nhân viên chức làm việc tại nhà, rất nhiều người đã không thể đáp ứng", bà nói thêm.
 
Sarpong hy vọng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ phá vỡ nhiều rào cản tiếp cận Internet đã tồn tại từ lâu, như thiếu ý chí chính trị để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và dữ liệu, cũng như đẩy mạnh kết nối đến khắp nơi trên thế giới.
 
A4AI đã chia sẻ một loạt khuyến nghị về chính sách, hối thúc các chính phủ, công ty và cộng đồng xã hội hành động khẩn cấp nhằm mang Internet đến cho càng nhiều người càng tốt giữa đại dịch. Một trong các khuyến nghị là giảm thuế tiêu dùng với dịch vụ Internet, giảm phí lưu trữ dữ liệu cho website công cộng, cung cấp các gói truy cập dữ liệu với giá cả phải chăng và triển khai hạ tầng Wi-Fi công cộng miễn phí.
 
"Các nước cần coi quyền truy cập Internet không phải thứ xa xỉ, mà là yếu tố giúp họ biến đổi nền kinh tế. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều chính phủ", Sarpong nói.
Công nghệ kỹ thuật số đang cách mạng hóa cuộc sống, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi ích một cách bình đẳng. Nhiều người đang bị bỏ lại phía sau vì thiếu cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo.
 
Tại những nước kém phát triển nhất thế giới, chỉ có 19% người dân có thể lên mạng. Nam giới có khả năng kết nối cao hơn 21% so với nữ giới, con số này đang ngày càng tăng lên.
 
Ở Ấn Độ, cách tiếp cận mạnh bạo hướng tới kỹ thuật số hóa đã đưa phần lớn phúc lợi xã hội lên mạng, từ khẩu phần ăn đến tiền lương hưu. Ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát, những người dân nghèo nhất Ấn Độ đã phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số, dù một nửa dân số vẫn chưa được online. Đại dịch chỉ càng làm tình hình này trầm trọng hơn.
 
Khi 1,3 tỷ người dân Ấn Độ phải chịu lệnh phong tỏa toàn quốc, nền kinh tế phi chính thức ở nước này đã đình trệ hoàn toàn. Chính phủ Ấn Độ được hoan nghênh khi công bố bắt đầu gửi các khoản tiền trợ cấp trực tiếp đến nhóm người dễ tổn thương như phụ nữ, người góa chồng, người cao tuổi và tàn tật từ ngày 1/4. Tuy nhiên, nhiều người không thể nhận số tiền 500 đến 1.000 rupee (6 đến 13 USD) vì phải ở trong nhà và không có smartphone.
 
Lal Bai, góa phụ 65 tuổi sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở bang Rajasthan, Ấn Độ, không thể đi bộ 8 km đến thị trấn gần nhất để rút tiền trợ cấp. Bà cũng không có phương án truy cập mạng Internet để nhận tiền và nhanh chóng rơi vào tình cảnh không có thực phẩm ở nhà.
 
Bai sau đó tìm đến Ombati Prajapati, chủ một cửa hàng dịch vụ kỹ thuật số trong làng. "Đó là người duy nhất có thể giúp tôi", bà cho hay.
 
Prajapati là một trong 10.000 "soochnapreneurs" (doanh nhân kỹ thuật số) được đào tạo và hỗ trợ bởi tổ chức phi chính phủ Digital Empowerment Foundation (DEF) có trụ sở ở thủ đô New Delhi. Họ cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cơ bản trong giai đoạn phong tỏa, như rút tiền và chuyển tiền qua mạng, thậm chí còn tham gia đối phó tin giả.
 
"Nhờ có mạng Internet mà tôi có thể biết điều gì đang diễn ra và nhắc mọi người thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng nước rửa tay và đeo khẩu trang. Tôi sẽ không thể giúp bất kỳ ai nếu không học cách dùng Internet. Tôi thậm chí chưa chắc đã tự giúp được bản thân mình", Prajapati, 27 tuổi, cho biết.
 
Osama Manzar, người sáng lập DEF, cho biết nỗ lực đào tạo những phụ nữ như Prajapati cho thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong thảm họa.
 
"Quyền kết nối và tiếp cận Internet cần trở thành một phần trong những quyền cơ bản của con người. Giới chức cần xem xét cung cấp khả năng tiếp cận dữ liệu khi xảy ra đại dịch hay thảm họa, tương tự thức ăn và nước uống", Manzar nói.
 
Sự chia rẽ thời kỹ thuật số từng được coi là vấn đề với các nước đang phát triển, nhưng đại dịch Covid-19 cho thấy những quốc gia giàu có cũng bị ảnh hưởng nặng.
 
Hơn 40% gia đình thu nhập thấp tại Mỹ không được tiếp cận Internet tốc độ cao, theo nghiên cứu của Trung tâm Pew có trụ sở tại thủ đô Washington. Khoảng 1,9 triệu hộ dân tại Anh không được kết nối mạng, trong khi hàng chục triệu gia đình phải dựa vào hình thức "dùng đến đâu trả đến đó".
 
"Đôi khi mọi người cho rằng Covid-19 là yếu tố cân bằng xã hội, nhưng thật ra cách trải nghiệm giai đoạn phong tỏa của mỗi người là không giống nhau. Thiếu thốn dịch vụ kỹ thuật số với nhiều người chỉ là sự mở rộng từ các vấn đề của tầng lớp yếu thế trong xã hội, nghèo khổ là một phần trong đó", Helen Milner, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Good Things Foundation (GTF) có trụ sở tại Anh, cho hay.
 
Chính phủ Anh gần đây triển khai một loạt sáng kiến đối phó tình trạng này, trong đó có chiến dịch DevicesDotNow kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp điện thoại, sim và điểm phát Wi-Fi. GTF sẽ phân phát các thiết bị này cho những người cần và hỗ trợ họ sử dụng. Tới nay các tổ chức đã tặng khoảng 2.000 máy tính bảng.
 
Annette Addison là một trong những người được nhận thiết bị. Bà sống một mình trong căn hộ tại Birmingham và phải di chuyển bằng xe đẩy. Trước khi có lệnh phong tỏa, bà thường đến trung tâm cộng đồng địa phương để truy cập Internet và nhận các khoản trợ cấp tàn tật. Việc thiếu smartphone khiến bà cảm thấy bị cô lập và không nắm được tình trạng phúc lợi của mình.
 
"Tôi không chịu được, tôi cảm thấy rất cô độc và trầm cảm khi lệnh phong tỏa mới bắt đầu. Nhưng từ khi có máy tính bảng, tôi có thể trò chuyện với con gái hoặc cháu gái mỗi khi thấy cô đơn. Tôi duy trì liên lạc với con cháu vì chúng luôn online", bà nói.
 
Addison bước sang tuổi 60 hôm 1/5. Bà mừng sinh nhật cùng các cháu qua cuộc gọi video trên iPad, cũng là chiếc máy tính bảng được dùng để kiểm tra tình trạng phúc lợi. Bà cũng vừa đăng ký một trang hẹn hò, cho biết "cảm giác như trở về tuổi teen".
 
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là những ai sẽ được ưu tiên cấp thiết bị kết nối mạng. Hafsha Shaikh, người sáng lập trung tâm SmartLyte chịu trách nhiệm phân phối máy tính bảng của chiến dịch DevicesDotNow, nói rằng đó là vấn đề luôn ám ảnh bà.
 
"Nó không chỉ là vấn đề hỗ trợ gấp trong Covid-19, mà còn là mở ra cánh cửa cho các gia đình và bậc cha mẹ, nhằm mang tới nhiều cơ hội và niềm cảm hứng. Thử thách lớn nhất là tôi phải chọn ai", Shaikh nói, thêm rằng hiện có 1.500 người đang chờ thiết bị ngay tại khu vực bà quản lý.
Điệp Anh (theo CNN)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top