Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Bến Tre cần coi chuyển đổi số là bước đột phá để phát triển”

Thứ sáu, 17/07/2020 17:56

Sáng ngày 17/7/2020, tại Trụ sở Bộ TT&TT, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã có buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre. Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Bộ TT&TT có Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, một số cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ, các doanh nghiệp trong ngành TT&TT.

Tại điểm cầu Bến Tre có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi; ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, và đại diện lãnh đạo một số huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đức đã giới thiệu khái quát tình hình lĩnh vực TT&TT tại tỉnh Bến Tre. Cụ thể, lĩnh vực viễn thông đạt doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó năm 2019 đạt 1.500 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đạt 730 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng.
 
Tổng số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn tỉnh là hơn 911 nghìn, trong đó chỉ có hơn 600 nghìn thuê bao (65%) phát sinh lưu lượng, thấp hơn gần 5% so với mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/100 dân chỉ đạt 70,8%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc (80,2%). Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/tổng số thuê bao di động chỉ đạt 54,14%.
 
Tỷ lệ phủ sóng di động theo dân số đối với 2G, 3G đạt 100% và đối với 4G đạt 91,07% thấp hơn trung bình của cả nước (tỷ lệ phủ sóng di động 4G của cả nước hiện đạt 95,72%). Số lượng thuê bao 2G/100 dân trên địa bàn vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể (54%).
 
20200717-pg1-BTNMH.jpg
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
 
Trong lĩnh vực CNTT, 100% các thủ tục hành chính đều được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh (www.bentre.gov.vn), các cổng thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (https://dichvucong.bentre.gov.vn). Hiện tại, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp được 889 DVCTT mức 3, 4, đạt 49,4%. DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 24,9%.
 
Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực CNTT là 95 doanh nghiệp. Tổng doanh thu CNTT hàng năm khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp CNTT hoạt động trên lĩnh vực phân phối sản phẩm CNTT và dịch vụ CNTT.
 
20200717-pg1-kyket.jpg
 
Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bến Tre ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực TTTT giai đoạn 2020-2021
 
Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khẳng định “Chuyển đổi số rất quan trọng với Bến Tre nên tỉnh sẽ quyết tâm đầu tư cho mảng này. Chúng tôi cố gắng trong tháng 8 này sẽ hoàn thành xong Đề án chuyển đổi số của tỉnh và hồ sơ tham gia chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung”.
 
Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng “Bến Tre là tỉnh đi sau, cần phải đi nhanh hơn để bắt kịp với các tỉnh ở tốp đầu. Chủ tịch đề nghị Bộ trưởng chọn Bến Tre làm tỉnh thí điểm về chuyển đổi số. Bến Tre sẽ khẩn trương thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo triển khai các nội dung về chuyển đổi số.
 
Vai trò của người dẫn đầu – bí quyết thành công của chuyển đổi số
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định một tỉnh, một thành phố, một tổ chức muốn chuyển đổi số thành công, muốn vươn lên mạnh mẽ, quan trọng nhất là vai trò của người lãnh đạo, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, vai trò của người đứng đầu càng quan trọng, quan trọng số một, chứ không phải là nguồn vốn đầu tư lớn hay nhỏ.
 
20200720-m01.jpg
 
Ông Phan Văn Mãi - Bí thư tỉnh ủy Bến Tre đề nghị Bộ TT&TT chọn Bến Tre làm tỉnh thí điểm về chuyển đổi số
 
Đối với tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần có chính sách phổ cập smartphone. Smartphone là công cụ cần thiết cho tiến trình chuyển đổi số. Theo tính toán, Bến Tre chỉ còn thiếu 50 nghìn smartphone. Đây không phải là bài toán khó. Hiện các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, Mobifone, Vinaphone đều có các chương trình smartphone giá rẻ cho thuê bao, khoảng 500 -700 nghìn/điện thoại. Một giải pháp khác để đẩy nhanh tỉ lệ sử dụng smartphone là thí điểm tắt sóng 2G tại một vài khu vực, nếu tốt sẽ mở rộng toàn tỉnh. Trên thế giới, mới chỉ có Hàn Quốc và Mỹ đạt tỉ lệ 100% người dân sử dụng smartphone.
 
20200717-pg1-BT.jpg
 
Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Bến Tre
 
Lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của tỉnh Bến Tre và tỉnh cũng có tỷ lệ người dân tham gia sản xuất nông nghiệp khá cao. Người đứng đầu ngành TT&TT đề xuất tỉnh cần có giải pháp đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử như Vỏ sò của Viettel hay Postmart của VNPost. Đại diện Viettel, đơn vị quản lý, vận hành sàn TMĐT Vỏ sò cho biết khó khăn của sản phẩm nông nghiệp khi lên sàn TMĐT chính là phải có truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện nay, Viettel vẫn kết nối với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, Viettel sẽ làm việc với tỉnh để kết nối trực tiếp với tỉnh về truy xuất nguồn gốc để có thể đưa nhiều nông sản lên mạng, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Viettel đưa ra con số trong 6 tháng đầu năm tổng doanh thu từ việc bán các nông sản của Bến Tre trên Vỏ sò đạt 2 tỷ đồng. Con số này của tỉnh Cần Thơ là 3,2 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ rõ những khó khăn của bà con nông dân hiện đang gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp như phải mua phân bón chất lượng kém, với giá cao. Trong quá trình bán hàng, doanh thu giảm 30% do phải qua khâu trung gian là các thương lái. Mua phân bón, bán nông sản qua các sàn TMĐT chính là lời giải cho bài toán này. Đây chính là chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc này không hề khó, chi phí rất nhỏ, thậm chí bằng không.
 
Về nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số, Bộ trưởng nhận định, hiện Bến Tre chi cho CNTT chỉ chiếm 0,1% tổng ngân sách của tỉnh, mức trung bình của toàn quốc là 0,2%. Bến Tre cần phải chi ít nhất 1% và tiến tới 2% ngân sách tỉnh cho CNTT và chuyển đổi số. Tỉnh có đầu tư như vậy thì mới thu hút được các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ở trong tỉnh. Tỉnh chi 1 đồng cho CNTT, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ chi 50 đồng. Có như vậy mới là cú hích cho ngành CNTT địa phương phát triển.
 
Chuyển đổi số không có một định nghĩa duy nhất, nó phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, văn hóa địa phương, đặc biệt là quyết tâm chính trị. Do đó, chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào từng địa phương, vào ý chí của người đứng đầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho biết, sắp tới Cục sẽ khai trương trang web công bố các chỉ số về chuyển đổi số của các ngành, các địa phương trên toàn quốc, đồng thời trang web cũng nơi là nơi các tỉnh thành, địa phương cùng chia sẻ các kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số, các bài học thành công cũng như thất bại.
 
Liên quan đến đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng cho hệ thống CNTT, tỉnh cần dành ít nhất 10% ngân sách CNTT cho ATTT, và thuê doanh nghiệp chuyên trách ATTT để đảm bảo hệ thống CNTT của tỉnh. Bộ trưởng đề nghị với các tỉnh như Bến Tre việc đảm bảo ATTT ở mức cơ bản chỉ nên ở mức khởi điểm một tỷ đồng để đảm bảo bảo vệ 4 lớp với lực lượng tại chỗ, có doanh nghiệp bảo vệ, có doanh nghiệp kiểm tra 1 năm/lần và kết nối không gian mạng quốc gia.  
 
Người đứng đầu ngành TT&TT đề nghị Bến Tre trong quá trình triển khai chuyển đổi số có việc gì khó khăn đề xuất với Bộ ngay. Bộ không chỉ tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách mà còn  sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp. Bộ sẽ có đội phản ứng nhanh, có thể làm việc, giải quyết khó khăn qua cầu truyền hình hoặc đến Bến Tre làm việc trực tiếp. Nếu Bến Tre quyết tâm muốn trở thành thung lũng Silicon của Việt Nam theo cách thức thí điểm mạnh mẽ, Bộ sẽ thành lập tổ chuyên trách của Bộ để hỗ trợ tỉnh. Nếu Bến Tre coi chuyển đổi số là bước đột phá để Bến Tre phát triển, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh chỉ cần 2 đến 3 năm là có thể thành công.
 
Trong thời kỳ CMCN4.0, nhiều logic đang thay đổi so với trước đây. Nếu như trước đây phải lập kế hoạch rồi mới hành động thì nay làm xong mới lên kế hoạch. Trước đây có quy định luật pháp mới làm thì nay làm thí điểm rồi trên cơ sở đó xây dựng pháp luật. Trước đây nước nào sở hữu công nghệ là người chiến thắng thì nay nước nào dám dùng công nghệ sẽ là người thắng cuộc. Với cách tiếp cận mới này, nhiều bài toán khó trở thành dễ, những nước nghèo, tỉnh nghèo có cơ hội vượt lên, bứt phá, Bộ trưởng nhận định.
 
 
Định hướng chuyển đổi số cho tỉnh Bến Tre
 
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Tin hóa Nguyễn Huy Dũng nhận định, Bến Tre có thể thực hiện ngay một số nội dung công việc sau đây để thực hiện tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh:
 
- Bộ đã ban hành Khung kiến trúc CPĐT 2.0. Cục đang phối hợp với Sở TTTT Bến Tre làm Kiến trúc CPĐT 2.0 cho Bến Tre. Tỉnh có thể sớm đẩy nhanh ban hành khung kiến trúc này làm cơ sở triển khai các hoạt động, nhiệm vụ khác trong giai đoạn tới.
 
- Đối với dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), có thể nâng toàn bộ DVCTT lên mức độ 3,4, nâng cao trải nghiệm cho người dân. Đồng thời, phải có bộ công cụ đo lường hiệu quả sử dụng của các DVC này, từ đó phấn đấu 100% DVCTT có tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến thay đổi vượt bậc.
 
- Đối với Bến Tre, Cục Tin học hóa đề nghị có 4 lĩnh vực cần được quan tâm chuyển đổi số trước: Nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế
 
+ Với du lịch, cần tập trung nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến Bến Tre thông qua một chiến dịch là Mobile First , sau đó chúng ta số hóa dữ liệu du lịch, cung cấp hệ sinh thái số, đặt du khách ở vị trí trung tâm để du khách cảm thấy thoải mái nhất khi đến du lịch Bến Tre. Hiện nay, những công cụ như nhận dạng giọng nói, tự động phiên dịch sử dụng AI, kết nối cung cầu theo hướng mỗi hộ gia đình có thể trở thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, mỗi một ngươi dân có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Nền tảng công nghệ số cho phép chúng ta quản lý thông tin đén từng người dân, từng hộ gia đinh. Từ đó, phát triển đi đôi với quản lý, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
 
+ Với nông nghiệp, chuyển đổi số ưu tiên hướng đến nâng cao khả năng dự báo và tiếp cận thị trường cho nông sản. Với chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp có 5 khâu, từ khâu sản xuất, đến thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ, đóng gói, phân phối, thị trường. Với khâu thu hoạch, lưu trữ sẽ nâng cao hiệu quả, giảm thiểu chi phí trung gian, đặc biệt nhấn mạnh việc tiếp cận thị trường quốc tế qua các sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp như Viettel ,VNPost.
 
Hiện nay, chúng ta có thể chọn một điểm đột phá, là đột phá trong chuỗi cung ứng. Mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh là một doanh nghiệp công nghệ số nho nhỏ trong khâu đóng gói, phân phối, tiếp cận thị trường thông qua các sàn giao dịch điện tử. Những cái này rất dễ, chỉ cần thông qua các khóa đào tạo kỹ năng số từ 7-10 ngày do doanh nghiệp hướng dẫn, bà con nông dân sẽ làm chủ được những kỹ năng này.
 
+ Với y tế, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 3 bệnh viện cấp thành phố, 9 bệnh viện cấp huyện và 12 trung tâm y tế. Tỷ lệ bác sĩ là 1 bác sĩ/1800 dân, thấp hơn so với một số tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng ta có thể san lấp khoảng cách phát triển bằng cách kết nối một số bệnh viện ở tuyến tỉnh với 1-2 bệnh viện ở tuyến trung ương, kết nối trung tâm y tế tuyến huyện, tuyến xã với tuyến tỉnh, đặc biệt kết nối người dân với các bác sĩ, chuyên gia trên khắp cả nước (Hà Nội, TP.HCM) bằng các chương trình kết nối, hỗ trợ. Bộ TT&TT đã ra mắt 2 nền tảng: Nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và Nền tảng bác sĩ cá nhân VOVbacsi24, hoàn toàn có thể san lấp khoảng cách này. Kết nối một điểm tuyến huyện, tuyến xã lên tuyến trên chi phí ban đầu chỉ khoảng 50 triệu đồng. Người dân đến một cơ sở y tế gần nhất nhưng vẫn được hưởng sự chăm sóc y tế bởi những cơ sở y tế chất lượng nhất và bởi những đội ngũ nhân viên y tế hàng đầu.
 
+ Với giáo dục, tập trung nâng cao năng lực để các cơ sở giáo dục có thể truyền tải kiến thức một cách tốt nhất đến cho người học. Trong giai đoạn covid, tỉ lệ các trường tạo tài khoản sử dụng để tiếp cận nền tảng tư vấn dạy và học từ xa rất cao. Sau covid, tỉ lệ này đang thấp xuống. Nếu duy trì được thói quen như thời giãn cách xã hội sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần tạo ra một thế hệ công dân mới quen với kỹ năng số bằng học liệu mở, chương trình giảng dạy từ xa. 
 
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top