Bộ TT&TT đề xuất giải pháp hỗ trợ báo chí, doanh nghiệp ngành TT&TT

Thứ ba, 25/08/2020 14:51

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã bị ảnh hưởng rõ rệt.

 

Ngành TT&TT chịu tác động mạnh của Covid-19
 
Với nhóm ngành Bưu chính, trên 90% các doanh nghiệp bưu chính có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do khả năng tài chính có hạn, các doanh nghiệp này chỉ có thể cầm cự trong thời gian ngắn. 
 
Trong khi đó, hoạt động của nhiều cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này đã bị đình trệ do thiếu nguyên vật liệu. Nhiều cơ sở sản xuất bị đóng cửa, các hãng vận chuyển (đặc biệt là hàng không) trong nước và quốc tế bị cắt giảm hoặc hủy bỏ gần như toàn bộ, nhu cầu chuyển phát bưu gửi bị giảm sút mạnh. 
 
20200411-m01.jpg
Một nhân viên chuyển phát giao hàng trong mùa dịch Covid-19. 
 
Mặt khác, phạm vi cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp này bị thu hẹp. Các dịch vụ bưu chính quốc tế gần như không thể thực hiện do không có các tuyến vận chuyển. Việc chuyển phát liên tỉnh giảm sút do yêu cầu giãn cách xã hội. Do đó, hoạt động chuyển phát chỉ còn chủ yếu trong phạm vi nội tỉnh, nội đô những thành phố lớn. 
 
Hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNTT cũng đang bị đình trệ. Các công ty phần mềm chủ yếu là các doanh nghiệp gia công, thế nhưng nhiều dự án phần mềm bị dừng hoặc huỷ bỏ. Điều này làm giảm tới 50% doanh thu của các doanh nghiệp. 
 
Ngành công nghiệp phần cứng chủ yếu là các mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn giữa Việt Nam và các nước trong vùng dịch. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. 
 
Cũng vì thế, các biện pháp kiểm dịch đã gây ảnh hưởng đến cả nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất lẫn thị trường đầu ra cho ngành điện tử Việt Nam. 
 
20200411-m02.jpg
Ngành công nghiệp phần cứng Việt Nam sẽ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 do thiếu nguồn cung ứng và nhu cầu đầu ra sụt giảm. Ảnh: Trọng Đạt
 
Hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp nội dung số phụ thuộc rất nhiều vào mảng dịch vụ quảng cáo, marketing. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến các ngành đều phải cắt giảm chi phí marketing, quảng cáo. Điều này làm doanh thu của các doanh nghiệp nội dung số sụt giảm mạnh, lên tới hơn 30%. 
 
Đối với nhiều cơ quan báo chí, sản lượng báo in phát hành giảm do thực hiện giãn cách xã hội. Nguồn thu từ việc quảng cáo, tổ chức sự kiện của các cơ quan báo chí, các đài phát thanh, truyền hình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ trong Quý 1/2020 của nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình chỉ bằng 30-50% so với cùng kỳ. 
 
20200411-m03.jpg
Do thiếu hụt nguồn thu từ marketing, quảng cáo, các cơ quan báo chí cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. 
 
Với các doanh nghiệp lĩnh vực xuất bản, dù hệ thống phát hành, phân phối sách đã đóng cửa, các doanh nghiệp in, phát hành vẫn phải chi trả chi phí thuê mặt bằng, lao động. Trong khi đó, nguồn hàng để thực hiện xuất bản và in gần như không có. Với áp lực chi trả tiền lương và chi phí mặt bằng, các nhà xuất bản và các doanh nghiệp in, phát hành khó lòng cầm cự lâu dài. 
 
Ở lĩnh vực viễn thông, tổng nguồn lực mà các doanh nghiệp viễn thông bỏ ra để hỗ trợ người dân, xã hội có giá trị lên đến 15.000 tỷ đồng. 
 
Các hoạt động hỗ trợ người dùng và đội ngũ tuyến đầu chống dịch về đường truyền, các gói cước Internet do đó cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp. 
 
Giải pháp hỗ trợ báo chí, doanh nghiệp ngành TT&TT
 
Trước những tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19, Bộ TT&TT đã gửi văn bản tới các bộ, ban, ngành có liên quan nhằm đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp TT&TT và báo chí phát triển trong và sau dịch bệnh. 
 
Theo đó, Bộ TT&TT đề xuất Bộ Tài chính bổ sung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, nội dung số, phần mềm, in và phát hành, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh truyền hình vào nhóm đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. 
 
20200411-m04.jpg
Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành TT&TT. Do đó rất cần các giải pháp tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý để giúp báo chí, doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh. Ảnh: Trọng Đạt
 
Bộ TT&TT cũng đề xuất Bộ Tài chính có các biện pháp miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp lĩnh vực thông tin truyền thông và cơ quan báo chí. 
 
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Tài chính gia hạn thời hạn nộp, miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông và một số lĩnh vực khác. 
 
Cùng ngày, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh & Xã hội xem xét đưa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bưu chính, CNTT, in, phát hành và cơ quan báo chí, nhà xuất bản vào danh sách đối tượng được tạm dừng đóng BHXH cho người lao động đến hết tháng 12/2020. 
 
Bộ TT&TT cũng đã gửi đề nghị tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Quốc phòng về việc xem xét, điều chỉnh lại chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, chỉ tiêu đánh giá xếp hạng doanh nghiệp và xác định quỹ lương 2020 của các doanh nghiệp trong ngành cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trọng Đạt (VietNamNet)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top