Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 12/03/2024 14:42

(Mic.gov.vn) - Công văn số 808/BTTTT-VP ngày 11/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 9424/VPCP-QHĐP ngày 30/11/2023, sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Câu 1: Cử tri phản ánh, hiện nay việc thỏa thuận vị trí xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động mặt đất BTS của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do không thỏa thuận được việc thuê đất, công trình với người dân. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng các trạm của các doanh nghiệp viễn thông tại các vị trí trên đất công, công trình công nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng là hết sức cần thiết. Theo Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã thống nhất không xem xét việc lắp đặt, xây dựng mới trạm BTS trên tài sản công cho đến khi có quy định mới của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn đối với vấn đề này, do vậy không thể thực hiện việc phát triển mới các trạm BTS trên tài sản công (đất công, công trình công), ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao năng lực hạ tầng số, phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương. Cử tri kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng cho phép các doanh nghiệp viễn thông được phép xây dựng các trạm BTS trên tài sản công theo nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020 của Chính phủ.

Để tháo gỡ khó khăn mà địa phương nêu trên, trong quá trình xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ TTTT đã bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 3, Điều 65 của Luật. Hiện nay Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Cụ thể như sau:

“Điều 65. Thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông

1. Việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông phải phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, đất, tài sản của lực lượng vũ trang và tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công, đến công năng sử dụng của tài sản công mà công trình viễn thông được lắp đặt;

c) Bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật; bảo đảm cảnh quan, môi trường, an toàn, an ninh.”

Câu 2: Cử tri phản ánh, hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn còn tồn tại 93 trạm BTS đã ngừng hoạt động từ năm 2019 của Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile); các trạm này từ lâu không được duy tu, bảo dưỡng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng đã nhiều lần có văn bản gửi Gtel Mobile và các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành văn bản số 3702/UBND-KSTTHC ngày 01/6/2022 gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, đến nay Gtel Mobile vẫn chưa có động thái xử lý đối với các trạm BTS này. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông và đơn vị chủ quản của Gtel Mobile khẩn trương tháo dỡ hoặc triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn đối với cột ăng ten các trạm BTS do Gtel Mobile quản lý, sở hữu trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Để giải quyết tình trạng các công trình viễn thông có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng, Bộ TTTT đã có các văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và Công ty Cổ phần Viễn thông Di Động Toàn Cầu như: văn bản số 599/BTTTT-CVT ngày 04/3/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố về việc xử lý công trình tháp truyền thông có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng hoặc có nguy cơ sập đổ và ngày 12/6/2023; văn bản số 2212/BTTTT-CVT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố yêu cầu kiên quyết xử lý công trình tháp truyền thông không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, tại điểm c, khoản 4, Điều 13 Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông tại Luật Viễn thông (sửa đổi) năm 2023 đã quy định “Thu hồi, tháo dỡ các công trình viễn thông hết thời hạn sử dụng theo thiết kế, có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng”.

Trong thời gian tới, để giải quyết tình trạng mà cử tri nêu Bộ TTTT sẽ tiếp tục đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố kiên quyết xử lý công trình tháp truyền thông không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng theo theo hướng dẫn tại văn bản số 599/BTTTT-CVT.

Các công trình hạ tầng viễn thông thụ động là công trình xây dựng được quản lý theo pháp luật về xây dựng, trường hợp doanh nghiệp viễn thông chưa thực sự nghiêm túc trong quản lý công trình này, Bộ TTTT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TTTT căn cứ quy định của pháp luật tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố giải pháp phù hợp để công trình hoạt động theo quy định của Luật Xây dựng.

Câu 3: Cử tri phản ánh, hiện nay còn một số bộ, ngành chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá thực hiện số hóa dữ liệu ngành, nên khó khăn trong triển khai thực hiện, đồng thời chưa có dữ liệu hoặc chưa mở, chia sẻ dữ liệu với các địa phương, ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng dữ liệu chuyên ngành. Cử tri kiến nghị ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá định mức triển khai số hóa cơ sở dữ liệu ngành phục vụ các nhiệm vụ tạo lập cơ sở dữ liệu; thực hiện mở, chia sẻ dữ liệu với các địa phương phục vụ việc triển khai xây dựng dữ liệu chuyên ngành, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung.

1. Về ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật

Bộ TTTT đã có văn bản số 5648/BTTTT-CĐSQG ngày 07/11/2023 về việc tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ phát triển Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, theo đó:

- Căn cứ các quy định hiện hành, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ quản các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do mình quản lý.

- Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TTTT đã chủ trì phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương để ban hành 04 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu một số cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung phổ biến trong cơ quan nhà nước.

- Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan liên quan

xây dựng, ban hành 173 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực TTTT như: Trung tâm dữ liệu, an toàn thông tin mạng, chữ ký số, giao thức mạng, đánh giá sản phẩm phần mềm, kiểm thử phần mềm... Cụ thể tại địa chỉ: https://mic.gov.vn/mra/Pages/TinTuc/134582/Danh-muc-Tieu-chuan-quoc-gia-linh-vuc-Thong-tin-va-Truyen-thong.html.

- Căn cứ nhu cầu thực tiễn, Bộ TTTT đề nghị cử tri có ý kiến đề xuất cụ thể về nhu cầu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật dùng chung trên quy mô quốc gia để Bộ TTTT nghiên cứu, đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật thời gian tới. Đối với các đề xuất cần làm rõ: mục đích; phạm vi, đối tượng áp dụng; căn cứ đề xuất; nội dung chính cần tiêu chuẩn/quy chuẩn hóa, hướng dẫn áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

2. Về ban hành định mức triển khai số hóa cơ sở dữ liệu ngành

Căn cứ các quy định tại:

- Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

- Thông tư số 04/2014/TT-BNV ngày 23/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.

Địa phương nghiên cứu để triển khai thực hiện phù hợp với nội dung cần số hóa cơ sở dữ liệu của địa phương mình.

3. Về thực hiện mở, chia sẻ dữ liệu với các địa phương phục vụ việc triển khai xây dựng dữ liệu chuyên ngành, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung

Hiện nay, đã có 07 cơ sở dữ liệu quốc gia đã được đưa vào vận hành, khai thác, tỷ lệ các Bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 64%. Số cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại các Bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 cơ sở dữ liệu lên 2.087 cơ sở dữ liệu. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 52% so với năm 2022.

Để triển khai việc thực hiện mở, chia sẻ dữ liệu, Bộ TTTT đã có văn bản số 5752/BTTTT-CĐSQG ngày 26/11/2022 gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc đôn đốc triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở, trong đó Bộ TTTT đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương “Xây dựng, ban hành danh mục dữ liệu mở, trong đó bao gồm cả kế hoạch cung cấp dữ liệu mở trên cơ sở rà soát các dữ liệu mà cơ quan hiện có, ưu tiên cung cấp dữ liệu mở đối với dữ liệu mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao”. Ngoài ra, Bộ TTTT đang duy trì, hoàn thiện Cổng Dữ liệu quốc gia để thu thập, kết nối, đăng tải dữ liệu mở của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia, kết nối dữ liệu mở các địa phương, ban hành tiêu chuẩn về dữ liệu đặc tả để thuận lợi trong việc chia sẻ.

Câu 4: Cử tri cho rằng chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Nhưng trên thực tế, một vài bộ phận người dân vẫn chưa thực sự hào hứng, tích cực trong công cuộc chuyển đổi số do trình độ, kiến thức về chuyển đổi số còn hạn chế; hệ thống hạ tầng viễn thông, các hệ thống phần mềm, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số hoạt động chưa ổn định và đồng bộ làm các giao dịch đôi khi bị gián đoạn, ảnh hưởng tới sự tin tưởng của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp phần nhiều vẫn yêu cầu công dân, người lao động cung cấp hồ sơ giấy làm minh chứng, chưa tận dụng được ưu thế của hồ sơ điện tử. Do đó, người dân không có nhu cầu sử dụng hồ sơ, kết quả điện tử và chưa thấy hết được lợi ích của việc chuyển đổi số nên chưa chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ, đồng thời có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để người dân tích cực thực hiện.

Bộ TTTT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên môi trường mạng, trong đó có quy định về DVCTT toàn trình (nghĩa là người dân nộp hồ sơ trực tuyến, cơ quan nhà nước xử lý trực tuyến, kết quả được trả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích).

Thời gian vừa qua, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cung cấp DVCTT và đã đạt được một số kết quả như: 81% thủ tục hành chính được cung cấp DVCTT, 48,5% thủ tục hành chính được cung cấp toàn trình; 50/63 tỉnh ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 tỉnh ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Việc kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh. Hiện nay, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã cung cấp 23 dịch vụ dữ liệu với khoảng 1,6 triệu giao dịch khai thác hàng ngày để các Bộ, ngành, địa phương kết nối, khai thác sử dụng, phục vụ cho việc cung cấp DVCTT, hướng tới việc không yêu cầu người dân phải cung cấp các thông tin, dữ liệu do cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của DVCTT vẫn còn hạn chế khi chỉ có 38,3% hồ sơ được nộp trực tuyến, trong đó chỉ có 22,37% hồ sơ là trực tuyến toàn trình.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của DVCTT trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục thực hiện đo lường, đánh giá, công bố kết quả việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở cải tiến chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân. Đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án uyên truyền, phổ biến về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số cho người dân sử dụng DVCTT thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng, thông qua nền tảng học trực tuyến… để bảo đảm người dân có thể tự truy cập, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến theo nhu cầu.

Mặt khác, hiện nay hạ tầng viễn thông tại các khu vực thành thị, khu vực dân cư tập trung và khu vực có điều kiện kinh tế phát triển tương đối đầy đủ và ổn định. Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ TTTT đang tập trung nguồn lực triển khai phủ sóng băng rộng di động theo Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, Chương trình đã đặt ra mục tiêu 100% thôn, bản, làng, ấp, phum, sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

Bộ Thông tin và Truyền thông
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top