Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2023

Thứ ba, 10/10/2023 12:01

Sáng ngày 09/10/2023, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý quý III/2023.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. 

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long và Nguyễn Thanh Lâm; đại diện lãnh đạo Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viettel, VNPT…, Công đoàn TT&TT Việt Nam, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số; đại diện các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, công ty in; phóng viên của một số cơ quan thông tấn, báo chí chuyên trách theo dõi các hoạt động của Bộ TT&TT.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

* Tài liệu Hội nghị trực tuyến Giao ban công tác quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý Quý III/2023

20230910-ta50.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Hiển)

Tại Hội nghị, đại diện Văn phòng Bộ đã thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành trong Quý III/2023; báo cáo về một số hoạt động nổi bật của Bộ trong Quý III/2023 và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong Quý IV/2023; báo cáo tình hình xử lý kiến nghị của các đối tượng quản lý gửi đến Bộ.

Công bố Bản đồ công nghệ ngành TT&TT

Một điểm nhấn trong Hội nghị hôm nay chính là Bộ TT&TT công bố các bản đồ công nghệ của Ngành. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bản đồ công nghệ là cố gắng của Bộ TT&TT trong nhiều năm qua. Các doanh nghiêp trong Ngành cũng chưa xây dựng được bản đồ công nghệ vì còn bận bịu việc kinh doanh. Bộ trưởng chỉ đạo gửi trực tiếp bản đồ công nghệ Bộ vừa công bố cho một số đơn vị lớn trong ngành, các đơn vị này áp dụng vào hoạt động của mình, trên cơ sở đó đánh giá mình đang ở đâu. Sau đó, gửi lại kết quả về cho Vụ Khoa học công nghệ để tổng hợp, đánh giá và tư vấn.

Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Không gian mạng Viettel đã có bài tham luận về xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và ứng dụng Trợ lý ảo cho công chức Việt Nam. Trợ lý ảo là công cụ phần mềm hỗ trợ cho cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, tra cứu thông tin nhanh chóng từ văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý, từ đó tăng năng suất, hiệu quả công việc.

20230910-ta51.jpg

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Minh Hiển)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp kiểm tra năng lực của Trợ lý ảo do Viettel xây dựng bằng việc mời các đại biểu tham dự hội nghị đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các Bộ, ban ngành, địa phương cử khoảng 3 nghìn người tham gia xây dựng triển khai hệ thống này. Những người tham gia sẽ thường xuyên hỏi trợ lý ảo những vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật Việt Nam, liên quan đến công việc của mình. Trợ lý ảo càng có nhiều người dùng thì càng trở nên thông minh hơn.

Bộ trưởng lấy ví dụ về Trợ lý ảo ngành Toà án, theo đánh giá của Toà án Nhân dân tối cao, từ khi sử dụng trợ lý ảo, thời gian xử lý công việc của thẩm phán giảm 30% so với trước, đặc biệt các thẩm phán cấp huyện hoạt động hiệu quả và tốt hơn rất nhiều so với trước đây.

Bộ trưởng cũng lưu ý Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, hiện có một số doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp startup nhỏ, xuất sắc về công nghệ nhưng hiểu biết về thị trường kém, do đó, cần lên ngay kế hoạch, tổ chức coaching cho những công ty này. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ số lớn cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp công nghệ số phải nhận lấy trách nhiệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thế giới đang thay đổi. Trước đây, mỗi lần ra quyết định nào đó, còn phải đắn đo xem có nguồn lực không. Tuy nhiên, khi thay đổi theo góc nhìn mới, lại xuất hiện nguồn lực. Nguồn lực không hạn chế quyết định mà quyết định sinh ra nguồn lực mới. Các lãnh đạo nên lưu ý về điều này khi phát triển tổ chức của mình.

Một lưu ý thứ hai là muốn phát triển bền vững phải luôn nghĩ đến hai vế, thậm chí ba vế như: Nhà nước, Doanh nghiệp và Người dân. Doanh nghiệp lớn thường đi tiên phong, thí điểm công nghệ mới nhưng lại không phổ cập được, dẫn đến lụi tàn. Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp lớn thì nghiên cứu tốt, thử nghiệm tốt nhưng phổ cập để kiếm tiền lại thất bại. Đó là trường hợp của Nokia, Kodak, IBM.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 6 đã nêu rõ: Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, góp phần rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hóa chính là chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, hiện đại hóa là chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, môi trường. Điều đó nghĩa là các doanh nghiệp công nghệ số phải nhận lấy trách nhiệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ trưởng cũng nêu rõ tầm quan trọng của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số vì chuyển đổi số là phải phát triển nền tảng số. Theo Bộ trưởng, người nắm nền tảng số chính là người duy nhất nắm giữ dữ liệu và trở thành người giàu có nhất. Nền tảng số do Việt Nam xây dựng và làm chủ sở hữu thì dữ liệu, sự giàu có thuộc về Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng.

Về an toàn an ninh mạng, Bộ trưởng lưu ý, hiện nay các nhà mạng gần như chỉ chú trọng doanh thu, chưa nghĩ đến chuyện bảo vệ khách hàng. Hiện tại, vai trò của điện thoại ngày càng quan trọng vì nhiều thứ trong cuộc sống đều nằm trên đó. Vì thế, nhà mạng viễn thông phải nhận lấy trách nhiệm bảo vệ an toàn an ninh mạng cho khách hàng ở mức cơ bản, từ đó nâng cao thương hiệu nhà mạng và đất nước.

Về viễn thông, theo Bộ trưởng, mấy năm gần đây, hạ tầng viễn thông được đầu tư rất ít, do đó chất lượng mạng Việt Nam hiện nay xuống, tốc độ không còn như trước. Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Phạm Đức Long ra hướng dẫn (guideline) đầu tư cho mạng viễn thông và giám sát việc đầu tư này hàng năm. Trên thế giới, chưa có một doanh nghiệp hạ tầng viễn thông lớn nào đầu tư dưới 15% doanh thu/năm cho hạ tầng. Việc đầu tư hạ tầng viễn thông mang lại lợi ích dài hạn cho nhà mạng

Về trợ lý ảo, Bộ trưởng cho biết, hiện đang xây dựng và triển khai bốn trợ lý ảo: Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, Trợ lý ảo cho ngành tư pháp, Trợ lý ảo cho lập pháp nhằm phát hiện ra mâu thuẫn khi xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; Trợ lý ảo tương tác với người dân. Trong đó, trợ lý ảo cho thẩm phán đã làm xong và đang được Viettel hoàn thiện, nâng cấp. Đây là trợ lý hoạt động hiệu quả, đem lại thành công lớn, giúp giảm 30% thời gian xử lý công việc của thẩm phán. Bốn trợ lý ảo này sẽ làm thay đổi căn bản các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việt Nam là nước đầu tiên tiếp cận theo hướng này. Dự kiến các trợ lý ảo sẽ được demo vào tháng 11 và tháng 12/2023 và sang năm 2024 sẽ sử dụng được.

Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định lại quan điểm: Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, các nền tảng xuyên biên giới đến làm ăn phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16), trong Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2035 về Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã đề xuất cần phải yêu cầu các nền tảng, mạng xã hội có nhiều người dùng phải có trách nhiệm xã hội, nhất là trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin hữu ích, góp phần nâng cao tri thức, hiểu biết. Đề xuất này đã được các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đồng ý thông qua.

Cũng liên quan đến lĩnh vực báo chí truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo cần sớm công bố chỉ số đánh giá chuyển đổi số cơ quan báo chí. Cục Báo chí đánh giá và công bố hàng năm, các cơ quan báo chí sẽ dựa vào đó để phát triển, tiến lên. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết cuối năm nay là có thể công bố được bộ chỉ số này. Hiện tại, các tiêu chí đã gửi cho các nơi để tự chấm điểm, báo cáo, thống kê và rà soát lại.

Lĩnh vực Viễn thông:

Đến tháng 9/2023:

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,76%, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022.

- Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,6 triệu thuê bao, tăng 4,25 % so với cùng kỳ năm 2022, tăng 4,1 triệu thuê bao.

- Số thuê bao sử dụng điện thoại Feature phone 22,3 triệu thuê bao, giảm 12,1 % so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 3,4 triệu thuê bao.

- Số thuê bao BRDĐ đạt 85,6 triệu thuê bao (tương ứng với 86,06 thuê bao/100 dân), tăng 3,9 % so với cùng kỳ năm 2022.

Mobile Money: Tính đến 31/8/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 5,16 triệu khách hàng. Trong đó số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 3,5 triệu khách hàng, chiếm 68% số khách hàng sử dụng dịch vụ.

* Tốc độ truy nhập Internet (theo speedtest): Tốc độ băng rộng cố định 93,11 Mbps (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn trung bình thế giới là 82,77 Mbps.

Tốc độ truy nhập Internet băng rông di động 47,08 Mbps (tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 49 và cao hơn trung bình thế giới là 43,2 Mbps).

Lĩnh vực Chính phủ số:

Đến hết tháng 9/2023, Tỷ lệ DVCTT toàn trình/tổng số DVC đủ điều kiện cung cấp toàn trình của cả nước đã đạt 100% hoàn thành kế hoạch đặt ra của năm 2023.

- Về Dịch vụ công trực tuyến:

Tỷ lệ DVCTT toàn trình/tổng số DVC đủ điều kiện cung cấp toàn trình: 100% (tháng 9/2023)

Tỷ lệ DVCTT có phát sinh HSTT: 56,01%

Tỷ lệ hồ sơ DVCTT toàn trình: 53,5%

- Về kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP):

+ Số cơ quan kết nối: 98 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

+ Tổng số CSDL/HTTT/Nền tảng số đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trên NDXP: 23

+ Tổng số giao dịch năm 2023 (tính đến ngày 21/9/2023): 406.620.795; hàng ngày có trung bình khoảng 1,55 triệu giao dịch. (Kế hoạch năm 2023: 860 triệu giao dịch).

+ Tổng số giao dịch kể từ khi đưa vào sử dụng đến 21/9/2023: 1,48 tỷ giao dịch chính thức.

Lĩnh vực an toàn thông tin mạng:

- Doanh thu Quý III/2023 đạt 1.232 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ Quý 3/2022 (896 tỷ đồng)

- Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài trong Quý III/2023 đạt 45,5% (giảm 1,9% so với Quý 3/2022)

- Lợi nhuận: 123,2 tỷ đồng (tăng 37,5 % so với cùng kỳ năm 2022)

- Tấn công mạng Quý III/2023 là 3.141 cuộc, tăng 9,1% so với cùng kỳ Quý 3/2022 (2.878 cuộc).

- IP botnet tháng 9/2023 là 436.063 địa chỉ, giảm 17,9% so với cùng kỳ tháng 9/2022 (530.870 địa chỉ).

- Tổng Số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 9/2023: 6,530,932 chứng thư số tăng 18,32% so với cùng kỳ năm 2022 (là 5.519.548 chứng thư số);

- Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 9/2023: 2.246.112 chứng thư số tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022 (là 1.853.161 chứng thư số);

Lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số:

- Tỷ trọng kinh tế số/GDP Quý 2 năm 2023 ước tính đạt 15,26%, tỷ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%.

- Tổng số lượt tải mới ứng dụng di động trong tháng 8/2023 là 323 triệu lượt. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 9 toàn cầu và thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động. Top các ứng dụng Việt Nam được tải về thiết bị nhiều nhất tính đến tháng 8/2023 là mạng xã hội Zalo, nền tảng VNEID và các ứng dụng thanh toán số (MB Bank, Viettel Pay, Ví MoMo, Vietcombank.

Có 7 ứng dụng có số lượng tài khoản hoạt động trong tháng 8/2023 đạt trên 10 triệu gồm: Zalo, Zing Mp3, VNEID, Báo Mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel. Mạng xã hội Zalo tiếp tục ghi nhận gia tăng gần 500 nghìn tài khoản hoạt động.

Lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ số:

Tổng doanh thu công nghiệp CNTT 09 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng (~ 100 tỷ USD), giảm 1,2 % so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 09 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (~95,8 tỷ USD) giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 85,4 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 09 năm 2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 41,3 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ và giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt trên 39,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Lĩnh vực Báo chí – Truyền thông:

Truyền hình trả tiền:

- Thuê bao truyền hình trả tiền: Tính đến Quý III/2023, thuê bao ước tính 18.6 triệu thuê bao (Tăng 12.3% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16.57 triệu thuê bao)

- Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền: Tính đến Quý III/2023 có 35 doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

- Doanh thu truyền hình trả tiền: Tính đến hết Quý III/2023, doanh thu dịch vụ (bao gồm VAT) ước tính đạt 7.500 tỷ đồng (Tăng 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tính đến hết Quý 3/2022 đạt 7.394 tỷ đồng)

- Tỷ lệ ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới trong Quý III/2023 ước đạt khoảng 92%

- Doanh thu lĩnh vực xuất bản: 500 tỷ đồng

- Doanh thu lĩnh vực in: 25.617 tỷ đồng

- Doanh thu lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: 1.150 tỷ đồng

 

Giang Phạm - Ảnh: Minh Hiển
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top