Hoạt động Tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực Thông tin Truyền thông và sự tham gia của Việt Nam vào ITU

Thứ năm, 17/10/2013 09:06

Ngày 14 tháng 10 hàng năm là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn quốc tế tạo sự thay đổi tích cực”. Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay đã nhắc lại về vai trò, nguyên tắc hoạt động Tiêu chuẩn hóa và đặc biệt nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng của Tiêu chuẩn hóa, đó là “tạo sự thay đổi tích cực”.

img
Hoạt động tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
 
Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong nhiều năm qua đã rất nỗ lực trong việc tổ chức xây dựng, triển khai áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn trong lĩnh vực thuộc phân công quản lý chuyên ngành, đặc biệt là các lĩnh vực xuất bản, viễn thông, công nghệ thông tin và phát thanh truyền hình.
 
Triển khai Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật công tác tiêu chuẩn hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được triển khai mạnh, tập trung vào công tác chuyển đổi Tiêu chuẩn ngành sang Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN); xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin vô tuyến, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin, xuất bản....

Năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 03/2011/TT-BTTTT Quy định hoạt động xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Thông tư này quy định rõ về mục tiêu của hoạt động tiêu chuẩn hóa, về các đối tượng của QCVN, TCVN đặc thù trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đồng thời hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và yêu cầu trong xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia. Đây là văn bản pháp lý quan trọng trong hoạt động tiêu chuẩn hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo sát những đối tượng được quy định cụ thể tại Thông tư  03/2011/TT-BTTTT, tới nay  Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức xây dựng và ban hành 76 QCVN, đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ công bố 58 TCVN đáp ứng các mục tiêu quản lý của Bộ đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình và phù hợp với sự phát triển công nghệ, dịch vụ. 

Trong lĩnh vực Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, ban hành nhiều QCVN cho mục tiêu quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa chuyên ngành thông tin và truyên thông như các thiết bị vô tuyến, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện nằm trong “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ”.

Để quản lý chất lượng dịch vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, ban hành các QCVN về dịch vụ viễn thông cơ bản, có số lượng người sử dụng lớn như: Dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ điện thoại di động, dịch vụ truy nhập Internet ADSL. Các QCVN này đảm bảo mức chất lượng dịch vụ tối thiểu của doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng phục vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm công bố, kiểm tra, kiểm soát chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục mạng và dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Công tác tiêu chuẩn hóa cho các đối tượng là công trình, hạ tầng viễn thông thụ động đã được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, đẩy mạnh, thể hiện trong việc ban hành các QCVN như : QCVN 8:2010/BTTTT về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động; QCVN 33:2011/BTTTT về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông; Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT Quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu (trong đó có TCVN 9250:2012 về hạ tầng kỹ thuật viễn thông của trung tâm dữ liệu)... Theo đó, các Doanh nghiệp khi triển khai lắp đặt mạng viễn thông, xây dựng các trung tâm dữ liệu phải tuân thủ các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn nhằm bảo đảm an toàn người dân, công trình và quy hoạch đô thị. 
 
Trong lĩnh vực Truyền hình, triển khai Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nghiên cứu và xác định công nghệ truyền hình số mặt đất DVB-T2 được áp dụng cho triển khai tại Việt Nam. Cùng với đó, Bộ đã tổ chức nghiên cứu ban hành QCVN 63/2012/BTTTT (Thiết bị thu) và QCVN 64 /2012/BTTTT (Tín hiệu truyền hình) đây là 02 bộ QCVN về yêu cầu kỹ thuật nhằm định hướng và thống nhất từ phía phát đến phía thu truyền hình số mặt đất. Các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và các đài truyền hình, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị thu truyền hình số, thiết bị giải mã (Set-top-box) sẽ phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật trong đầu tư, mua sắm, sản xuất, nhập khẩu thiết bị khi mà Việt Nam ngừng phát truyền hình tương tự để chuyển sang truyền hình số.
 
Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Thông tư 01/2011/TT-BTTTT ngày 4/1/2011 công bố “Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước” nhằm: Bảo đảm kết nối thông suốt, đồng bộ và khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan nhà nước; Làm căn cứ để đầu tư và thiết kế thi công khi thực hiện đầu tư trong các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
 
Nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT quy định Danh mục tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ ICT dễ dàng sử dụng và thích ứng hơn với người khuyết tật.
 
Để các văn bản quản lý được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hàng năm Bộ Thông tin và Truyền thông đều tổ chức các hội nghị, hội thảo về công tác tiêu chuẩn, chất lượng chuyên ngành nhằm ngày càng hoàn thiện chính sách quản lý và đưa chính sách quản lý vào thực tiễn.
 
Sự tham gia của Việt Nam vào ITU
 
ITU viết tắt của International Telecommunication Union - Liên minh Viễn thông Quốc tế. Ngày 17/5/1865 Công ước Điện tín Thế giới đầu tiên được ký kết giữa 20 nước. Liên minh Điện tín Quốc tế (International Telegraph Union) đã được thành lập với 20 thành viên ban đầu có công ước và thể lệ điện tín đầu tiên. Ngày 01/01/1934, Liên minh Điện tín Quốc tế quyết định đổi tên thành Liên minh Viễn thông Quốc tế và tới nay ITU đã có 192 quốc gia thành viên và hơn 700 thành viên lĩnh vực.
 
Trong những năm tới, ITU đặt mục tiêu đi đầu trong các lĩnh vực sau: Đảm bảo an ninh không gian mạng, sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến và quỹ đạo vệ tinh, xúc tiến các chiến lược và chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng để thu hẹp khoảng cách số hóa và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giảm nhẹ sự thay đổi khí hậu. ITU sẽ là điểm đầu và điểm cuối cho việc thiết lập các tiêu chuẩn khả thi để cung cấp viễn thông toàn cầu cho mọi người, bao gồm cả những người khuyết tật. 
 
Ngành Thông tin - Truyền thông Việt Nam đã tham gia vào ITU từ rất sớm, trong cả ba lĩnh vực của ITU với mục tiêu cụ thể như sau:
 
- Lĩnh vực thông tin vô tuyến (ITU-R): Đảm bảo chủ quyền và sự bình đẳng trong việc sử dụng các tần số trên lãnh thổ của Việt Nam và trong khu vực, việc sử dụng các quỹ đạo vệ tinh theo các quy định quốc tế.
 
- Lĩnh vực tiêu chuẩn hóa (ITU-T): Theo dõi quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế, thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa giữa các nước phát triển và đang phát triển, mở rộng và tạo điều kiện hợp tác quốc tế với các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực.
 
- Lĩnh vực phát triển viễn thông (ITU-D): Thu hẹp khoảng cách số và tăng cường lợi ích của xã hội thông tin (WSIS).
 
Trong lĩnh vực Tiêu chuẩn hóa, Việt Nam đã chủ động tham gia một số hoạt động trọng tâm của ITU-T sau:
 
- Tham gia đóng góp nội dung cho nhóm Tư vấn Tiêu chuẩn hóa Viễn thông (TSAG), và các nhóm nghiên cứu SG3 về giá cước và khuyến mại, SG12 về đo lường, chất lượng và định kỳ tham gia cuộc họp của nhóm SG13 về NGN và SG2 về đánh số.
 
- Là điều phối của Nhóm biên tập cuốn sổ tay về mạng viễn thông thụ động trong các khu vực thường xảy ra thiên tai thuộc Nhóm nghiên cứu SG2.
 
- Đề xuất chương trình “Thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa” với nhiều hoạt động thiết thực và hữu ích cho các nước đang phát triển trong nỗ lực theo kịp các nước phát triển về vấn đề Tiêu chuẩn hóa. Chương trình này đã được các Hội nghị Tiêu chuẩn hóa thế giới (WTSA) đưa thành nghị quyết và triển khai quyết liệt. Hàng năm ITU đều tổ chức hội thảo về “Thu hẹp khoảng cách Tiêu chuẩn hóa” tại các khu vực gồm các nước đang phát triển, trong đó năm 2008 Hội thảo này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đăng cai được tổ chức thành công.
 
- Chủ trì Hội thảo chuyên đề về tiêu chuẩn hóa toàn cầu (GSS) trong khuôn khổ hoạt động bên lề của Hội nghị Tiêu chuẩn hóa thế giới WTSA 2008.
 
- Năm 2012 đã điều phối và hỗ trợ Tập đoàn Viettel tổ chức thành công khóa đào tạo về các ứng dụng trên nền mạng điện toán đám mây tại Việt Nam.
 
Có thể thấy Việt Nam đã chủ động tham gia vào mọi mặt hoạt động của ITU thông qua việc cử các cán bộ Việt Nam vào làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, chương trình, các nhóm nghiên cứu, công tác... để một mặt thu thập kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho các hoạt động trong nước, mặt khác là tạo điều kiện để nâng cao trình độ cán bộ, nâng cao vị thế, uy tín, quyền lợi của thông tin, truyền thông Việt Nam, tận dụng các tiềm năng, lợi thế của các tổ chức quốc tế phục vụ cho việc phát triển Ngành, đào tạo cán bộ thuộc các lĩnh vực…
 
Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm 2013 đã truyền đạt quan điểm về nguyên tắc đồng thuận trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế; tiêu chuẩn hóa nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích công, gỡ bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế, hướng tới người tiêu dùng, trợ giúp người khuyết tật.
 
Là một Bộ quản lý chuyên ngành, với kinh nghiệm quản lý nhiều năm trong công tác tiêu chuẩn hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt và triển khai tốt hoạt động Tiêu chuẩn hóa và hợp tác quốc tế về Tiêu chuẩn hóa trong thời gian vừa qua. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng tinh thần của Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn hóa Thế giới năm 2014 sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho các hoạt động Tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam và giúp hoạt động này ngày càng được phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả trong thời gian tới.
Phi Hổ
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top