Thư viện nhỏ của cô giáo bản Hon

Thứ hai, 27/04/2020 11:04

45 tuổi, gia tài lớn nhất của cô Đặng Thị Thu Hương - giáo viên điểm trường khu Hon thuộc Trường Tiểu học Xuân An, huyện Yên Lập là một thư viện nhỏ với trên 4.000 đầu sách. Niềm vui lớn nhất của cô là được đọc sách mỗi ngày, được đi dạy học và truyền niềm đam mê đọc sách đến với mọi người.

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên nên ngay từ nhỏ, cô Đặng Thị Thu Hương đã sớm làm quen với nhiều sách báo, biết đọc từ trước khi vào tiểu học. Ngày nhỏ, mỗi khi dành dụm được một khoản tiền, cô lại đi mua sách báo và nâng niu, gìn giữ chúng như kho báu. Niềm đam mê đọc sách cứ lớn dần lên, nuôi dưỡng tâm hồn chị qua bao năm tháng học trò và cho đến sau này khi đã trở thành cô giáo đứng trên bục giảng.

20200427-l18.jpg

Cô giáo Đặng Thị Thu Hương với thư viện nhỏ của mình

Cô Hương tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo nên thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của người dân nơi đây, nhất là những em học sinh người Mường, người Dao ham đọc nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ít được mua sách. Với mong muốn giúp đỡ, khơi gợi và tiếp thêm ngọn lửa đam mê đọc sách trong các em, từ năm 2015, tôi mở một thư viện nhỏ tại nhà với ý tưởng ban đầu là động viên, khuyến khích các em học sinh đến đọc.
 
Vậy là từ đó, ngôi nhà mái bằng hơn 60m2 của cô Hương trở thành “thư viện” với hơn 400 đầu sách được chị gom góp, chắt lọc từ nhiều năm. Thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần, sẵn sàng chào đón những ai yêu sách, muốn khám phá và tìm hiểu tri thức. Thời gian đầu, học sinh ít tới thư viện bởi nhiều em chưa có thói quen đọc sách. Cô Hương đã mang những cuốn sách thiếu nhi mà mình sưu tầm được đến lớp để các em đọc vào giờ ra chơi. Lâu dần, học sinh mạnh dạn hơn, chủ động xin phép bố mẹ đến nhà cô để đọc và mượn sách. Giờ thì số lượng học sinh đến với thư viện ngày càng đông, nhất là trong những ngày hè. Để thuận lợi cho các em đến thư viện, cô Hương chuẩn bị sẵn những cuốn sổ tay, các em tự giác ghi vào đó họ tên, địa chỉ của mình, tên sách, thời gian đọc sách hoặc mượn sách. Đây cũng là cách để rèn luyện cho các em tính trung thực và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn sách vở.
 
Em Phùng Thị Bích Liên - học sinh lớp 12E Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Trước đây, em là học sinh lớp cô Hương chủ nhiệm. Cô đã dạy chúng em những điều hay lẽ phải, truyền cho chúng em niềm đam mê với sách và hướng dẫn chúng em cách đọc sách hiệu quả. Giờ đi học xa, mỗi khi về nhà em thường tranh thủ thời gian đến nhà cô để tìm mượn những cuốn sách phù hợp với mình và vận động bạn bè ủng hộ thêm sách cho thư viện của cô.
 
20200427-l19.jpg
 
Em Phùng Thị Bích Liên (người đứng bên trái) thường tranh thủ thời gian đến thư viện của cô Hương để mượn sách
 
Khi nhu cầu đọc sách của học sinh ngày càng lớn mà số lượng sách có hạn, cô Hương đã kêu gọi, vận động mọi người quyên góp sách cho thư viện của mình. Tiếng lành đồn xa, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và một số nhóm từ thiện trong nước đã chung tay ủng hộ hàng nghìn sách, báo, tạp chí. Đến nay, thư viện đã có hơn 4.000 đầu sách các loại từ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nông nghiệp, tôn giáo, tâm lý học đến khoa học thường thức, chăm sóc sức khỏe…, đáp ứng nhu cầu đọc, mượn sách của hàng chục nghìn lượt độc giả ở trong và ngoài xã với nhiều lứa tuổi khác nhau.
 
Trong thư viện của cô giáo Hương, chị Bùi Thị Tứ (37 tuổi) ở khu Đoàn Kết, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập chọn cho mình một góc nhỏ, ngồi chăm chú đọc sách. Chị Tứ cho biết: Trước đây vì công việc bận rộn, quanh năm chân lấm tay bùn nên tôi quan niệm đọc sách là việc làm rất xa xỉ. Một lần, khi nghe xã bên có một cô giáo mở thư viện miễn phí cho mọi người, tôi tò mò đến tìm hiểu, đọc và mượn một vài cuốn sách. Từ đó, tôi dần hình thành thói quen đọc sách. Bây giờ, cứ mỗi tháng tôi và các con lại đến đây 1 - 2 lần để mượn sách.
 
Đối với nhiều người ở xa, không có điều kiện đến mượn sách như chị Tứ, cô Hương trực tiếp mang sách đến tận nhà để tặng họ. Những cuốn sách ở thư viện của cô cứ thế âm thầm, lặng lẽ trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người dân nơi đây.
 
Nói về việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của cô giáo Đặng Thị Thu Hương, ông Phùng Duy Nam - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Lập cho biết: Địa phương rất đồng tình ủng hộ và khuyến khích những việc làm tốt đẹp của cô giáo Hương. Việc làm đó đã giúp cho các em học sinh, nhất là học sinh ở những bản làng xa xôi có điều kiện để tiếp cận thông tin; khơi dậy ý thức đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân xã Xuân An nói riêng và toàn huyện nói chung.
 
“Sách là nguồn động lực tinh thần rất lớn trong cuộc sống của tôi. Bởi vậy, khi được giúp đỡ mọi người, chia sẻ tình yêu sách với mọi người và nhìn thấy niềm vui của các cô, cậu học trò khi đến thư viện, tôi thấy mình thực sự hạnh phúc. Nếu được quay lại thuở bé thơ, tôi vẫn lựa chọn sách là người bạn tri kỉ, đồng hành với mình. Tôi mong muốn sẽ có thêm thật nhiều tấm lòng hảo tâm chung tay ủng hộ sách cho thư viện, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào đọc sách và văn hóa đọc ở địa phương” - Cô Hương chia sẻ thêm.
Thanh Hòa (phutho.gov.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top