Hà Giang: Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới người dân và doanh nghiệp

Thứ bảy, 25/07/2020 15:02

Hà Giang là tỉnh nghèo, vùng cao biên giới với địa hình phức tạp, đường giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, khoảng cách từ tỉnh đến các huyện và từ các huyện đến các xã, thị trấn rất lớn, có thể đi mất từ nửa ngày đến một ngày đường. Do xác định rõ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, với quyết tâm “Biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, tỉnh Hà Giang đã quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử một cách thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động.

Xây dựng chính quyền điện tử là khâu đột phá

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT tại tỉnh Hà Giang (gồm: Bưu chính, Viễn thông, Ứng dụng CNTT, An toàn - an ninh mạng, công nghiệp ICT, Báo chí - tuyên truyền) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
 
Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và bùng nổ thông tin như hiện nay, CNTT ngày càng được ứng dụng rộng rãi và khẳng định vai trò và tính hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội. Theo đó, Hà Giang xác định đưa CNTT đã trở thành nền tảng kinh tế, phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, là nhân tố có tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương.
 
20200814-l7.jpg
 
Trung tâm điều hành Thành phố thông minh của Thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) vừa đi vào hoạt động
phục vụ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
 
Sở TT&TT đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang phiên bản 1.0; Đã ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ; Ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh; Quy định đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh đang dự thảo Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang phiên bản 2.0 (theo Văn bản số 2015/BTTTT-THH ngày 02/6/2020 của Bộ TT&TT); Thử nghiệm nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh; và đang làm thủ tục triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng; Hệ thống phòng chống mã độc (SOC) của tỉnh; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng (QLVBĐH,  đã cài đặt, đưa vào sử dụng cho 100% các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các cơ quan nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, có tích hợp chữ ký số (phần mềm này đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia và thực hiện gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp, đảm bảm việc liên thông theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc). Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử đạt 100%.
 
Mặt khác, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hà Giang đã đầu tư triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh được xây dựng đáp ứng 100% các TTHC không có hiện vận được thực hiện ở mức độ 4. Hiện nay, các sở ngành của tỉnh đã niêm yết tổng số 1.947 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có: 418 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm tỷ lệ 21,47%); 266 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm tỷ lệ 13,66%), tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 3,4 đạt 35,13%. Đến ngày 30/6/2020, tỉnh Hà Giang đã cung cấp trên 16.319 tài khoản thư cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% cán bộ công chức có hộp thư tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc.
 
Đối với việc ứng dụng chữ ký số: Hiện tổng số chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan trên địa bàn tỉnh là: 5.866 chứng thư số, trong đó: Khối cơ quan hành chính nhà nước 4.499 chứng thư số; Khối Đảng 937 chứng thư số; Khối HĐND 430 chứng thư số. Đạt tỷ lệ 100% lãnh đạo có thẩm quyền ký các cấp trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng. Tỉnh đã thống nhất ủy quyền cho Giám đốc Sở TT&TT quản lý, triển khai chữ ký số chuyên dùng trên toàn tỉnh.
 
Ngoài ra, Hà Giang là địa phương thuộc top đầu về triển khai hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến với quy mô 241 điểm cầu từ tỉnh xuống xã, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Trong 06 tháng đầu năm 2020, Hệ thống giao ban trực tuyến tỉnh hoạt động thường xuyên, liên tục với trên 157 cuộc họp ở các quy mô khác nhau. Đặc biệt, trong đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19, các cuộc họp trong nội bộ các Sở, ngành, các phiên họp UBND tỉnh thường kỳ, đại hội đảng bộ một số xã, huyện và Đại hội Đảng bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã được thực hiện trực tuyến. Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, điện lực đã được đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từ tỉnh đến xã và tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, mở rộng và hiện nay đã có nhiều mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực này đi vào hoạt động có hiệu quả. Một số ngành đã chủ động xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
 
Song song với thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, cung cấp DVCTT, Hà Giang đang triển khai phát triển đô thị thông minh. Hà Giang đã triển khai lắp đặt hoàn chỉnh hạ tầng máy móc, trang thiết bị Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Các dịch vụ kết nối đến Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh gồm: Kết nối 98 Camera giao thông, trường học, bệnh viện; cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid; thu thập thông tin, mạng xã hội; triển khai ứng dụng họp không giấy tờ; kết nối phần mềm Quản lý văn bản và điều hành công việc; hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hệ thống tổng hợp báo cáo của Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của tỉnh….
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ nêu trên, Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử như: Điều kiện kinh tế của tỉnh khó khăn, quá trình triển khai CNTT thường kéo dài qua nhiều năm, dẫn tới tình trạng thiếu đồng bộ; Nguồn nhân lực thiếu và yếu, trình độ dân trí chưa cao, mức độ tiếp cận công nghệ của người dân còn chậm; Một số ứng dụng CNTT tự phát theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị, khó khăn trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; vẫn còn một số các cơ quan, đơn vị chưa khai thác hiệu quả hạ tầng ứng dụng CNTT, viễn thông hiện có; một số quy định về văn bản điện tử, hồ sơ điện tử, tiêu chuẩn kỹ thuật còn chưa đầy đủ và chặt chẽ…
 
Xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp
 
 Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang chia sẻ: Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã xác định việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT là khâu đột phá của tỉnh. Do vậy, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp cùng các Sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh triển khai các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử.
 
Ông Hòa cho biết, cách đây 3 - 4 năm Hà Giang đã bắt tay vào triển khai đồng bộ hệ thống truyền hình trực tuyến. Hà Giang cũng là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến liên thông 3 cấp từ tỉnh - huyện -xã; hệ thống quản lý văn bản, hệ thống quản lý hồ sơ công việc một cửa, hồ sơ dịch vụ công cũng liên thông 3 cấp; Triển khai hệ thống chữ ký số… đã tạo nên nền tảng thống nhất trong toàn bộ tỉnh để từ đó xây dựng lên các dịch vụ, các ứng dụng khác để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
Hà Giang xác định do điều kiện khó khăn về kinh tế, về tự nhiên nên tỉnh chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các Sở, ban, ngành, địa phương, coi đây là giải pháp, công cụ cốt lõi để khắc phục những khó khăn về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế để bứt phá vươn lên trong giai đoạn tới. Đối với Sở TT&TT, từ lãnh đạo đến chuyên viên đã thực hiện chuyển đổi số, xử lý công việc toàn bộ trên môi trường mạng; sử dụng chữ ký số đối với 100% cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị ngay từ những công việc đơn thuần. Đồng thời, Sở đã rà soát và trình Chủ tịch UBND tỉnh 100% các văn bản, thủ tục của Sở thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Để làm được việc đó, chúng tôi đã công bố tiêu chuẩn hồ sơ của đơn vị mình và Sở TT&TT phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn do Sở đưa ra, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang khẳng định.
 
Cũng theo ông Đỗ Thái Hòa, việc ứng dụng CNTT đã làm thay đổi tư duy và phương thức làm việc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, làm đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả giải quyết công việc, là cầu nối tương tác quan trọng giữa Chính quyền với người dân và doanh nghiệp làm cho Chính quyền gần dân hơn, minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả và được dân tin cậy hơn.
 
Để thu hút được người dân sử dụng các hệ thống thông tin và tham gia xây dựng chính quyền điện tử, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp như: Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu ứng dụng CNTT làm việc trên môi trường mạng; Triển khai ứng dụng CNTT nhanh, đúng nguyên tắc “lấy người dân làm trung tâm”, và đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
 
Đồng thời, tận dụng và khai thác tối đa hệ thống hạ tầng và ứng dụng CNTT, viễn thông… để thực hiện truyền thông số, thu hút người dân sử dụng các hệ thống thông tin và tham gia xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. Huy động các lực lượng đoàn viên, giáo viên cùng tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gắn với chính sách hỗ trợ, khuyến khích giảm giá... giúp người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích từ việc ứng dụng CNTT.
 
Đặc biệt, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng thông tin công cộng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời thường xuyên có chính sách miễn, giảm giá cước, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ viễn thông, tạo nền tảng kết nối để sử dụng hệ thống thông tin của chính quyền điện tử.
 
 
Đăng Quý
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top