Bắc Giang: Ứng dụng công nghệ số nhằm hướng đến nền kinh tế số, xã hội số

Thứ năm, 15/10/2020 15:50

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Tỉnh Bắc Giang đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của Chính quyền điện tử là ứng dụng CNTT, đưa tất cả hoạt động của chính quyền lên môi trường số; sử dụng công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tạo ra các giá trị mới, từ đó thay đổi thói quen, cách thức sản xuất làm việc và điều hành quản trị, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương…

20201015-l1.jpg

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Cuộc cách mạng 4.0 ra đời đã làm thay đổi cán cân của sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội loài người. Đảng và Nhà nước định hướng:“Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và các địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ Chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số” với 3 trụ cột then chốt: (1) Hạ tầng và dịch vụ số, (2) Tài nguyên số, (3) Chính sách chuyển đổi số. Cuộc cách mạng này tạo ra một thế giới mới mà trong đó các hệ thống ảo và vật lý có thể trao đổi, tương tác với nhau thông qua trí thông minh nhân tạo, quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất thay đổi, đặc biệt là dữ liệu đã trở thành tư liệu sản xuất tạo ra lợi ích to lớn cho xã hội, con người được hưởng lợi nhiều hơn, các sản phẩn được tạo ra nhanh chóng hơn, phù hợp hơn với người sử dụng, tác động toàn diện, sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bắc Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng Chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Hạ tầng kỹ thuật CNTT được chú trọng đầu tư, có nhiều cải thiện. Ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) trong hoạt động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân được tăng cường, ngày càng đồng bộ và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhân lực CNTT tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. CNTT đã trở thành công cụ không thể thiếu trong hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương; góp phần quan trọng đổi mới lề lối, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, phục vụ của các cấp chính quyền; là nền tảng để tăng năng suất lao động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công. Về phát triển công nghiệp CNTT, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 440 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đang hoạt động, doanh thu năm 2019 đạt gần 125 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 830 tỷ đồng, đóng góp quan trọng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Giang.
 
Đặc biệt, đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, với 3 nhiệm vụ chính: (1) Phát triển kết cấu hạ tầng CNTT; (2) Xây dựng các hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT đồng bộ; (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Đây là giải pháp quan trọng của tỉnh để ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh còn những hạn chế, khó khăn như: Hạ tầng CNTT thiếu tính đồng bộ; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh quy mô nhỏ, nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin cao; hệ thống giám sát, điều hành thông minh và Trung tâm giám sát an toàn thông tin của tỉnh chưa được xây dựng. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ thấp; giải pháp thanh toán số triển khai chậm; chất lượng nguồn nhân lực CNTT dù từng bước được nâng lên, nhưng còn hạn chế, nhất là ở cơ sở; kinh phí đầu tư cho phát triển CNTT còn khó khăn…
 
Mặt khác, hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, tỷ lệ dùng chung hạ tầng ngầm hóa thấp, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn an ninh thông tin; SIM rác, tin nhắn rác tuy được khắc phục nhưng vẫn còn tồn tại; tình trạng quảng cáo sai, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản còn phức tạp trên môi trường mạng làm ảnh hưởng phát triển kinh tế- xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh…
 
Việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, phát triển kinh tế số phải gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng CNTT, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.
 
Với quyết tâm chính trị cao, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Sở TT&TT Bắc Giang xác định một số giải pháp cơ bản về chuyển đổi số để xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như sau:
 
Một là, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và ban hành chính sách của địa phương để tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số của tỉnh. Ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chọn công nghệ là điểm đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới, nhất là công nghệ số, từ đó thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh và đưa mô hình công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống.
 
Hai là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 91-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh để xây dựng thành công Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh.
 
Ba là, xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng truyền thông để truyền dẫn, kết nối, triển khai, vận hành tốt hoạt động của Chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đích đến là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tương tác với người dân nhiều hơn, triển khai Chính quyền số từ cấp xã, phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang internet, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Hoàn thiện hạ tầng 4G, chuẩn bị phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh nhằm đón các làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.
 
Bốn là, xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu tỉnh. Xây dựng các nền tảng dữ liệu, công nghệ mới để triển khai đô thị thông minh toàn diện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xây dựng kho dữ liệu mở (Open Data), kết nối dữ liệu của các cấp, các ngành tổ chức thành một kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, tận dụng tối đa công nghệ số để phát triển nền kinh tế số hội nhập và hiện đại; mở rộng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ở các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
 
Năm là, rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực về con người và tài chính. Cần tập trung bố trí kinh phí (dành ít nhất 1% ngân sách hàng năm của tỉnh chi cho CNTT) để đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính quyền điện tử. Chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Ban hành cơ chế khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.
 
Với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Chính quyền điện tử; đồng thời phát triển mạnh nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành TT&TT Bắc Giang quyết tâm vững về lập trường chính trị, nghiệp vụ chuyên môn; mạnh về tiềm lực kinh tế và cao về công nghệ… ngành TT&TT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trong việc phát triển lĩnh vực CNTT và truyền thông. 
Trần Minh Chiêu (Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top