Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý II/2021

Chủ nhật, 13/06/2021 17:24

Công nghệ thì nhiều nhưng không được gây rối cho người dân, công nghệ phải mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng và giá trị mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Đặc biệt, công nghệ không phải một khoản đầu tư để lợi dụng, không phải một khoản chi phí tăng thêm cho ngân sách, cho doanh nghiệp hay tổ chức, mà công nghệ phải tạo ra giá trị tăng thêm. Công nghệ số phải làm cho người dân làm chủ dữ liệu của mình, tất cả ngành chúng ta phải nhận thức sâu sắc việc này và lấy đây làm kim chỉ nam để phát triển. Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban TGTW tại Hội nghị trực tuyến Giao ban QLNN Quý II/2021 diễn ra sáng ngày 11/6/2021.

20210611-TA6.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Sáng ngày 11/6/2021, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Giao ban QLNN Quý II/2021 của Bộ TT&TT với sự tham dự của lãnh đạo các Sở TT&TT trên toàn quốc và đại diện các cơ quan chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Thay đổi cách làm mới

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ TT&TT phải tìm cách tiếp cận mới để việc khó sẽ dễ đi, dễ làm và hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ mới để giải quyết những vấn đề của đơn vị mình.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ, làm tường minh các mục tiêu, hạ tầng, nền tảng, ứng dụng của Chính phủ điện tử (CPĐT) và Chính phủ số (CPS); các Sở TT&TT và các Cục CNTT các Bộ/ngành theo đây để làm, nhằm đạt được mục tiêu, thống nhất cách hiểu về CPĐT và CPS đã được tường minh hóa thành những việc rất cụ thể, những chỉ tiêu rất dễ đo lường, dễ hiểu, dễ làm theo kế hoạch đề ra. Bộ TT&TT giao đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tổ chức một hội nghị quán triệt, trao đổi, giải thích và làm rõ thêm để thống nhất nhận thức các việc phải làm và cách làm CPĐT và CPS trong thời gian tới.

Nhấn mạnh đến mục tiêu 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, Bộ trưởng nêu rõ: phải thúc đẩy và triển khai 100% DVC trực tuyến mức độ 4 có đủ điều kiện và các DVC trực tuyến này nếu có phát sinh hồ sơ offline thì phải có hồ sơ online tức là dịch vụ công trực tuyến lên phải có người dùng, phải xem lại quy trình có phù hợp không và sau 1 năm sau lên online thì ít nhất phải đạt tỷ lệ 30% người dùng, có hồ sơ phát sinh. 

Các Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ/ngành phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, vì khi hoàn thành mục tiêu này thì coi như hoàn thành nhiệm vụ CPĐT để chúng ta bắt tay vào triển khai mạnh mẽ CPS. Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cần có đánh giá về mối quan hệ giữa Cổng DVC trực tuyến và Trung tâm một cửa trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; tháng 6 này tổ chức đánh giá, có kết luận để xem hướng phát triển tiếp theo như thế nào.

20210611-TA5.jpg

Toàn cảnh Hội nghị.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn cho chuyển đổi số quốc gia

Về CPS, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến làm việc dựa trên dữ liệu, đây là vấn đề quan trọng nhất của CPS. Mỗi Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng dữ liệu lớn về kinh tế - xã hội của mình. Data lake là một trong những nền tảng của CPS, chúng ta coi đây là hạ tầng dữ liệu quan trọng và sẽ thay đổi cách vận hành của hệ thống khi có cấp trên có nhu cầu phân tích hoặc báo cáo thì có thể tự làm mà không cần đến cấp dưới báo cáo. Dữ liệu lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều loại dữ liệu khác nhau, giúp chúng ta thêm tri thức để ra các quyết định của chính quyền chính xác hơn, dựa trên dữ liệu và tri thức nhiều hơn vì vậy nó kỹ trị hơn. Đó là điều mong muốn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT đã nhận trách nhiệm với Thủ tướng, cam kết trong năm nay Bộ TT&TT cơ bản sẽ xây dựng Data lake này; Cách thức ở đây chính là các platform làm việc trên môi trường số.

Trong các nền tảng của CPĐT, CPS có Data lake này và trong hướng dẫn tới đây ký ban hành, Data lake được coi là nền tảng của CPS. Cần đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương đổ dữ liệu vào đây như thế nào.

Bộ trưởng nêu rõ, CĐS có nhiều việc giống nhau, có thể copy từ nơi này sang nơi kia, nhất là khi chúng ta dùng nền tảng; xong ở tỉnh này sẽ chỉ cần khai báo cho tỉnh kia. Do vậy, Cục Tin học hóa nên giao cho mỗi Bộ, ngành, địa phương một việc thuộc nhóm việc sau này có thể mở rộng ra toàn quốc. Với cách này, nguồn lực của chúng ta có thể tăng lên hàng trăm lần, việc cũng nhanh lên hàng trăm lần và vai trò của người dẫn dắt chính là ở chỗ này. Bởi vậy mà việc của nhà quản lý là chia nó nhỏ đi, mỗi người làm một việc và làm song song, đồng thời, làm cho nó tường minh để mọi người biết mà làm và dễ làm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, CĐS liên quan đến thay đổi. Thay đổi là một việc rất khó, nhất là đối với những thói quen vốn đã tồn tại. Có một cách làm cho thay đổi dễ đi đó là đi tìm những khó khăn đã tồn tại lâu rồi – ai cũng thấy, ai cũng bị ảnh hưởng và mang nó ra giải quyết bằng công nghệ. Khi mà ai cũng thấy cần phải thay đổi, ai cũng được hưởng lợi từ thay đổi vì thế mọi người sẽ ủng hộ cái thay đổi này. Thay đổi một lần có hiệu quả thì mọi người sẽ thấy bớt sợ hơn và sẽ tự động thay đổi những cái khác. Và khi ấy một cỗ xe rất to bắt đầu lăn bánh.

Hoặc thay đổi cũng đến từ một góc khác, một cách khác: cái cũ cứ để nó như cũ, tìm một cái mới để làm, tạo động lực để thay đổi cái cũ. Cái mới này phải thú vị, gây cảm hứng, mang lại giá trị thiết thực, có lợi không chỉ cho cộng đồng, xã hội và có ích cho cả chính những người thực thi nó. Cái mới cần có sự dẫn dắt; cái cũ sau khi có cái mới được thử nghiệm thành công rồi thì để người trong cuộc tự nguyện sau khi họ đã quen với cái mới rồi. Tóm lại có hai cách để đổi mới: làm cái cũ trước rồi làm cái mới sau với điều kiện phải chọn ra được một cái cũ đã lộ ra vấn đề tồn tại nhiều năm và ai cũng thấy, ai cũng muốn thay đổi, khi đó thay đổi này diễn ra tự nhiên không có sự chống đối. Cách thứ hai là làm cái mới trước rồi làm cái cũ sau, với điều kiện cái mới phải dễ làm, nhanh, hiệu quả lớn, lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng và người thực thi, gây cảm hứng và sự tự tin cho mọi người đổi mới cái cũ.

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần lựa chọn nền tảng sạch 

Đối với vấn đề Không gian mạng (KGM), Bộ trưởng đặc biệt lưu ý các địa phương, các Bộ, ngành phải giám sát chặt chẽ, làm cho KGM ở địa phương mình, của ngành mình trong sạch và lành mạnh. Trong thế giới thực chúng ta đã và đang làm khá tốt, chúng ta phải làm điều tương tự trong thế giới số. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, trên thực tế nhiều Sở TT&TT đã vào cuộc khá mạnh mẽ, nhưng còn nhiều Bộ, ngành, địa phương và một số Sở chưa vào cuộc mạnh mẽ trong việc làm sạch KGM. KGM là không gian của tất cả các lĩnh vực, tất cả các Bộ, ngành và địa phương, nó không phải không gian của ngành TT&TT. Nhiều khoảng trống đang tồn tại trên KGM và đang bị lợi dụng. Rất nhiều cá nhân và tổ chức đang bị tổn thương trên KGM và “nỗi đau” này là trách nhiệm đầu tiên, trước hết thuộc về Bộ TT&TT, Bộ trưởng chỉ rõ.

Trách nhiệm của chúng ta là duy trì sự lành mạnh trên không gian mới này. Về vấn đề này, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng bàn bạc với nhau để trong tháng 7 này ra Chỉ thị hướng dẫn cách làm và các công cụ cần thiết để đảm bảo sự lành mạnh trên KGM của toàn bộ đất nước chúng ta, ban hành văn bản liên quan đến các Bộ, ngành khác, địa phương và các lĩnh vực khác. Chúng ta phải khởi xướng trước, là trách nhiệm của Bộ TT&TT chúng ta.

Bộ trường yêu cầu, một trong những việc cần làm ngay để đảm bảo sự lành mạnh của KGM là sự di chuyển của chính chúng ta (các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức) sang các nền tảng sạch. Bộ TT&TT phải làm nhiệm vụ đánh giá, công bố các nền tảng sạch. Các Cục, các Vụ phụ trách lĩnh vực nào thì ra tiêu chí đánh giá và công bố các nền tảng sạch thuộc lĩnh vực của mình.

Hệ thống báo chí, truyền thông của cả đất nước phải tích cực tuyên truyền, hàng ngày tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp di chuyển sang môi trường có không khí lành mạnh hơn. Đồng thời xử lý mạnh tay hơn đối với nền tảng không lành mạnh. Dù chúng ta đã muộn rồi nhưng chúng ta phải mạnh mẽ làm sạch môi trường sống trên KGM và đừng để quá muộn.

20210611-TA4.jpg

Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước Quý II/2021.

Công nghệ sinh ra phải mang lại lợi ích cho cho cộng đồng 

Về chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có những yêu cầu về cách tiếp cận mới về chống dịch chuyển từ phòng ngự là chính sang tấn công là chính. Và tấn công ở cả 3 mũi: (1) Xét nghiệm chủ động ngay cả khi chưa có dịch và xét nghiệm nhanh; (2) sử dụng công nghệ từ khuyến khích sử dụng sang bắt buộc đối với một số công nghệ chủ chốt; (3) Vắc xin là đòn tấn công mang tính quyết định. Phương châm hành động từ 5K + Vắc xin thành 5K + Vắc xin + Công nghệ.

Bộ trưởng lưu ý về công nghệ phải dễ dùng, thuận tiện, bảo vệ dữ liệu của người dùng. Dữ liệu phải tập trung và liên thông, phân tích dữ liệu lớn, một đầu mối chỉ đạo, hỗ trợ thiết thực cho các địa phương. Tăng cường thuyết phục cho người dân hiểu và tự giác làm, tự giác dùng, không lạm dụng các biện pháp hành chính. Công nghệ quan trọng là phải ứng dụng trước khi có dịch, vì nó như là người gác đêm để bảo vệ chúng ta, nhất là khi dịch đã lắng xuống thì chúng ta dễ chủ quan. Khi dịch bùng phát chúng ta đã có dữ liệu ngay để phát hiện nhanh những người tiếp xúc gần, không phải cách ly diện rộng, không phải quá vất vả như vừa qua và cuộc sống vẫn có thể tiếp diễn.

Bộ trưởng chỉ đạo: Công nghệ phải hướng vào các khâu phòng chống dịch, sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ TT&TT hướng vào người dân sẽ là yếu tố đảm bảo thành công. Công nghệ phải đi suốt từ khâu khai báo y tế, nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly, tiêm vắc xin. Thậm chí là các giải pháp công nghệ đo lường, cảnh báo về môi trường làm việc thông thoáng, giảm nguy cơ lây nhiễm. Công nghệ chỉ có thể hoàn thiện khi được đưa vào sử dụng, càng dùng nhiều thì càng thông minh, càng hiệu quả. Càng dùng nhiều thì càng quen và càng không quan ngại, bởi vậy việc dùng công nghệ, sử dụng công nghệ thì quan trọng hơn việc làm ra công nghệ. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 và các Sở TT&TT phải lấy việc ứng dụng là quan trọng. Đây là câu chuyện lâu dài, nhưng đại dịch Covid-19 là cú huých mạnh mẽ để đẩy nhanh. Ví dụ: kết hợp việc tiêm vắc xin vào hồ sơ sức khỏe điện tử, chúng ta nhanh chóng có được hồ sơ sức khỏe toàn dân, đây là cơ sở dữ liệu gốc về y tế toàn dân.

Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ thì nhiều nhưng không được gây rối cho người dân, tức là phải tích hợp lại qua một cổng duy nhất, dù là sức khỏe nói chung hay chống dịch; dù là khai báo y tế ở cửa khẩu hay khai báo y tế khi đi từ nơi khác về, chỉ phải làm một lần. Việc thành lập Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cũng nhằm mục đích đó. Công nghệ không phải vì công nghệ, vị công nghệ, mà công nghệ phải mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng và giá trị mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Công nghệ không phải một khoản đầu tư để lợi dụng, không phải một khoản chi phí tăng thêm cho ngân sách, cho doanh nghiệp hay tổ chức, mà công nghệ phải tạo ra giá trị tăng thêm. Công nghệ số phải làm cho người dân làm chủ dữ liệu của mình, tất cả ngành chúng ta phải nhận thức sâu sắc việc này và lấy đây làm kim chỉ nam để phát triển.

Đối với vấn đề rác viễn thông, Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng Phan Tâm có những biện pháp mạnh mẽ nhất để xử lý triệt để trong năm 2021 đối với vấn đề SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác… Số điện thoại di động sẽ được sử dụng làm định danh số, định danh người dùng trên các nền tảng xã hội, thanh toán mobile money, bởi vậy số điện thoại phải được xác định chính xác, Bộ trưởng chỉ đạo./.

 

Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top