Báo chí phải chuyển đổi số để thực hiện sứ mệnh vì một Việt Nam hùng cường

Thứ năm, 17/06/2021 11:04

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại, vươn lên phát triển mạnh mẽ. Trong xu thế tất yếu đó, báo chí - truyền thông cũng phải thực hiện chuyển đổi số để khẳng định vị trí, thương hiệu, đẩy mạnh nguồn thu nhập, tạo lập các giá trị mới

 Chuyển đổi số báo chí để tạo ra sức mạnh tinh thần mới

Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghệ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT)… - đây là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đang đứng trước cả thời cơ và thách thức: Hoặc vượt lên trong cuộc cách mạng này, hoặc tụt hậu, bị bỏ lại nếu không kịp thời nắm bắt và triển khai quá trình chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng CNTT và TT mà là việc ứng dụng các công nghệ số để thay đổi cách thức vận hành, thay đổi mô hình kinh doanh; là việc tư duy lại cách thức tổ chức, sử dụng dữ liệu và quy trình; là thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng việc áp dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT); điện toán đám mây (Cloud computing)… tất cả những điều đó đều dẫn đến mục tiêu là tạo ra những cơ hội mới, những giá trị mới.

20210617-pg09.png

Ảnh minh hoạ

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sớm có chiến lược và kế hoạch về chuyển đổi số. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTgphê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định rõ, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, trong tham luận "Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới", đã nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gianmạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó. Ngành TT&TT tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần.

Báo chí – truyền thông, ngoài vai trò tạo ra niềm tin, khát vọng, khơi dậy tinh thần nội lực dân tộc, góp phần nên sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia thì tự thân cũng là một đối tượng phải tiến hành quá trình chuyển đổi số của chính mình.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới. Cũng giống như công cuộc chuyển đổi số ở tất cả ngành nghề khác, công cuộc chuyển đổi số ngành báo chí - truyền thông không đơn giản là đưa lên mạng Internet một cách thuần vật lý, mà phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính đồng bộ, cả chiều sâu lẫn bề rộng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng và chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể của báo chí: "Nếu vẫn tiếp tục là đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào, thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm. Nhưng nếu báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan toả năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao, thì báo chí đã nhận về mình một sứ mệnh mới. Bất kỳ quốc gia nào đã hoá rồng hoá hổ đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn... Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước".

Vai trò của báo chí trong công cuộc chuyển đổi số

Theo các nghiên cứu, trong quá trình chuyển đổi số, ở nước ta xuất hiện nhiều vấn đề mới, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, giải đáp, như: Cơ hội và thách thức của Việt Nam; vấn đề chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội về tính cấp bách của chuyển đổi số; yêu cầu đổi mới và kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới; vấn đề phát triển hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; phát triển doanh nghiệp số; phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số; phát triển công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập hoặc quản trị xã hội; vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin…

Tất cả những vấn đề nêu trên, đòi hỏi báo chí - truyền thông phải là kênh thông tin hữu hiệu truyền tải đến toàn dân, toàn xã hội, mọi ngành nghề bức thông điệp chính xác, kịp thời, ý nghĩa… Từ đó, khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội... để cùng cả nước vươn tầm phát triển, khẳng định vị trí và uy tín trên trường quốc tế. Đây cũng chính là sứ mệnh vô cùng lớn lao của báo chí - truyền thông nhằm tạo lập và định hướng dư luận xã hội.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, với tư cách là một ngành, nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đồng thời là một thành phần, một nhân tố hữu cơ của xã hội, của đời sống con người, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Câu hỏi cần giải đáp là báo chí sẽ thực hiện chức năng "thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như thế nào? Số phận những tờ báo, những thông tin trên báo chí được sản xuất theo quy trình cũ sẽ ra sao nếu như luôn bị "chậm chân" so với các tin tức trên Internet, mạng xã hội, blog...?

Thực tiễn sinh động và không kém phần phức tạp trên đòi hỏi báo chí cần tham gia tích cực, chủ động vào quá trình này nếu không muốn bị loại bỏ hay trở thành "anh hề đồng" chạy theo cuộc sống hiện đại đang vận hành theo những quy luật của chuyển đổi số. Trước những vấn đề mới nảy sinh, phải chăng báo chí cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các vấn đề một cách đúng đắn, phân tích có lý, có tình, có giá trị định hướng dư luận và nhất là phải kịp thời, đúng lúc, không rơi vào thế bị động trước tốc độ của Internet. "Tiếng nói" đó phải trở thành chủ đạo, có sức thuyết phục cao, đủ sức đẩy lùi, lật tẩy những tiếng nói sai trái, lệch lạc, phản động, cơ hội, vô trách nhiệm đã và đangphát tán, tương tác trên Internet, mạng xã hội... Qua đó, báo chí mới có thể tiếp tục là người bạn đồng hành, vừa góp phần định vị (định hướng) cho cuộc hành trình của cuộc sống và con người đương đại trước tác động của chuyển đổi số.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng chỉ ra, trước tác động của chuyển đổi số, báo chí cần đặc biệt coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; mỗi tờ báo nên hướng tới phục vụ tốt nhất đối tượng công, trúng đích, chuyên biệt của mình, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, tránh pha loãng hay trùng lắp thông tin. Những vấn đề cấp bách của xã hội được đề cập, phản ánh, giải đáp trên các loại hình báo chí phải tạo được sức thuyết phục, hấp dẫn, niềm tin ở người đọc. Đó là thông tin được viết bởi những nhà báo chân chính, trung thực, gắn bó với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Báo chí với sứ mệnh cao cả của mình cần có nhiều phương thức thông tin mới giúp cho công chúng báo chí được củng cốniềm tin, tăng cường bản lĩnh, sự tỉnh táo và sức tự đề kháng trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đặt ra trong cuộc sống và trước những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt.

Với tình hình và xu thế thực tế, những yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đòi hỏi báo chí - truyền thông cũng phải tiến hành chuyển đổi số. Đây là sự chuyển đổi mang tính nội hàm (ngay trong chính đơn vị mình) - đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí… Hơn thế nữa cần có chiến lược chuyển đổi số của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí.

Hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số

Phải khẳng định rằng, hiện nay các cơ quan báo chí Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc chuyển đổi số. Trước hết đó là có được sự nhất quán chung và cơ sở pháp lý. "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là cơ sở pháp lý để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, trong đó có các doanh nghiệp, kể cả cơ quan báo chí… thực hiện chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác quản trị, đẩy mạnh phát triển, tạo ra giá trị to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Theo nhận định của Bộ TT&TT, ba vấn đề lớn đối với hoạt động chuyển đổi số của các cơ quan báo chí hiện nay, đó là: Nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, có thể tổn hại lớn. Báo chí cũng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Đó còn là xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã khẳng định: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả" và để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, đầu năm 2021, Bộ TT&TT đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Cụ thể, với nền tảng quản lý tòa soạn điện tử sẽ cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác 2 chiều với bạn đọc, đo lường số lượng người đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần. Bộ TT&TT đã đánh giá, lựa chọn ra nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí năm đầu tiên cho tất cả module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng bao gồm: Máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.

Trong khi đó, nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội sẽ giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Mỗi cơ quan báo chí sẽ được Bộ cung cấp một tài khoản để khai thác nền tảng phân tích thông tin này.

Cùng với đó là nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nền tảng này nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.

Bộ TT&TT đặt mục tiêu trong năm 2021, tỉ lệ chuyển đổi số cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.

Có thể khẳng định, những nền tảng cơ bản nhất có tính quyết định đến sự thành công của công cuộc chuyển đổi số đối với báo chí - truyền thông đã được xây dựng và xác lập. Điều còn lại là mỗi cơ quan báo chí, căn cứ vào điều kiện thực tế ở đơn vị để tiến hành triển khai chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển, khẳng định vị trí, thương hiệu, uy tín cũng như nguồn thu nhập và tạo lập các giá trị mới của riêng mình.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top