Hợp lực tạo ra Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia: Công nghệ là để phục vụ con người

Thứ năm, 30/09/2021 18:58

“Sự hợp lực về tri thức, con người sẽ tạo ra sự hợp lực về công nghệ, dữ liệu của các giải pháp được đồng bộ, kết nối vào một kho dữ liệu chung phục vụ công tác chống dịch của ngành Y tế. Kho dữ liệu này được xử lý Big Data và ứng dụng AI giúp cho các chuyên gia về dữ liệu, chuyên gia dịch tễ, xã hội học nghiên cứu, dự báo tình hình dịch bệnh”.

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Công Anh - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) về vai trò của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia trong công cuộc phòng, chống COVID của Chính phủ, của xã hội.

Công nghệ vị nhân sinh

PV: Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 769/QĐ-BTTTT thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia được đặt tại Cục Tin học hóa, vậy Cục trưởng có thể khái quát vai trò, vị trí của Trung tâm trong công cuộc phòng, chống COVID của Chính phủ, của xã hội?

Ông Đỗ Công Anh: Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia (TTCOVID-19) được thành lập đã tạo ra được sự hợp lực mạnh mẽ giữa ngành y tế và ngành TT&TT để cùng hướng tới một mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh. Công nghệ vị nhân sinh – công nghệ được sáng tạo ra để phục vụ con người. Khi xã hội có dịch bệnh thì sứ mệnh quan trọng nhất của công nghệ chính là để phục vụ, hỗ trợ ngành y tế chống dịch. Có thể nói, TTCOVID-19 là cầu nối quan trọng giữa 2 ngành, tạo nên một mối quan hệ hữu cơ giữa một bên đặt đề bài là ngành y tế và một bên hiện thực hóa bằng công nghệ là ngành TT&TT. Sự liên kết chặt chẽ này được thiết lập vào đúng thời điểm mà xã hội, người dân cần nhất. TTCOVID-19 được thành lập cũng chính là cơ hội để tập hợp được các lực lượng công nghệ, tri thức nhiệt huyết nhất trong cộng đồng ICT và hợp nhất được sức mạnh của các lực lượng này để chung tay tạo ra các giải pháp công nghệ giúp ngành y tế thực hiện được sứ mệnh cứu chữa và bảo vệ được người dân.

Thành viên của TTCOVID-19 còn là hàng trăm, hàng ngàn chuyên gia công nghệ, cán bộ kỹ thuật của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đang ngày đêm xây dựng, phát triển các giải pháp công nghệ mới để đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID của Chính phủ, của xã hội. Cùng với sự hợp lực về tri thức, con người, nhiệm vụ đầu tiên của TTCOVID-19 sau khi được thành lập và vận hành tiếp tục tạo ra sự hợp lực về công nghệ. Trước đây, do nhu cầu cấp bách của công tác chống dịch, rất nhiều giải pháp công nghệ đã được phát triển và ra mắt trong thời gian rất ngắn, và lại đi theo những con đường khác nhau, chưa có sự hợp tác, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Khi được tập hợp dưới ngọn cờ duy nhất do TTCOVID-19 dựng lên, thì không còn khái niệm "giải pháp của tôi" hay "ứng dụng của anh nữa", mà chỉ còn "giải pháp của chúng ta".

Nhờ đó, dữ liệu của các giải pháp được đồng bộ, kết nối vào một kho dữ liệu chung phục vụ công tác chống dịch của ngành y tế. Kho dữ liệu này được xử lý Big Data và ứng dụng AI sẽ giúp ích rất nhiều các chuyên gia về dữ liệu, chuyên gia dịch tễ, xã hội học nghiên cứu, dự báo tình hình dịch bệnh. Các ứng dụng công nghệ đơn lẻ trước đây được tập hợp và phát triển, nâng cấp trở thành các nền tảng công nghệ dùng chung có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

5 giải pháp công nghệ quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19

PV: Ông có thể chia sẻ kỹ hơn cách thức tổ chức xây dựng, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên 05 giải pháp cụ thể. Trước hết, về giải pháp thứ nhất là quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch COVID-19?

Ông Đỗ Công Anh: Việc có rất nhiều giải pháp công nghệ chống dịch của Việt Nam được phát triển và ra mắt trong thời gian ngắn vừa là một tín hiệu tích cực nhưng cũng có những mặt trái khi mỗi giải pháp lại phát triển theo một con đường riêng, thiếu sự nhất quán với các định hướng chung về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, dữ liệu bị phân mảnh khiến cho việc hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ dịch tễ của ngành y tế trên quy mô toàn quốc không được hiệu quả. Điều này vừa gây khó khăn trong công tác triển khai của cơ quan quản lý, vừa dẫn đến sự bất tiện, khó tiếp cận đối với người dùng.

Như đã nói ở trên, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất sau khi TTCOVID-19 được thành lập chính là kết nối và tạo ra sự hợp lực về mặt công nghệ giữa rất nhiều doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp phòng, chống COVID. Dữ liệu của các nền tảng sau khi được quy tụ về TTCOVID-19 đã nhanh chóng được đồng bộ, liên thông, đặc biệt đối với các nền tảng mang tính cốt lõi về chống dịch như khai báo y tế, kiểm soát ra vào bằng mã QR, hay hỗ trợ truy vết lây nhiễm… Nhờ dữ liệu được liên thông và đồng bộ về một kho chung, mà cơ quan quản lý hiện đã có một kho dữ liệu đủ lớn trên quy mô cả nước để có thể thực hiện giải pháp phân tích, dự báo tình hình dịch một cách chính xác. Người dân cũng sẽ không còn băn khoăn về việc nhiều ứng dụng thế này thì nên cài đặt và sử dụng ứng dụng nào. Giải quyết được bài toán đồng bộ dữ liệu chính là lời giải căn cơ nhất để triển khai được các nền tảng công nghệ chống dịch một cách hiệu quả.

PV: Vậy giải pháp thứ hai, giải pháp phát triển hoặc nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới trong phòng, chống dịch COVID-19, thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Sau gần 2 tháng hoạt động, TTCOVID-19 đã xây dựng, triển khai và đang vận hành 6 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch chủ chốt được dùng chung trên toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế, Nền tảng quản lý các điểm ra vào bằng mã QR, Nền tảng truy vết lây nhiễm, Nền tảng quản lý cách ly, Nền tảng quản lý xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng. Các nền tảng này đang được triển khai trên quy mô toàn quốc theo sự điều phối chung của Bộ TT&TT và Bộ Y tế, và đang ngày càng tiến hoá, thông minh và hoàn thiện hơn nhờ lượng dữ liệu ngày một lớn. 

Bên cạnh các nền tảng công nghệ đang triển khai, TTCOVID-19 cũng đã tiếp nhận rất nhiều đề nghị của các doanh nghiệp công nghệ cả trong và ngoài nước muốn tham gia đóng góp các giải pháp, nền tảng công nghệ mới để hỗ trợ công tác chống dịch của Chính phủ. Chủ trương chung của TTCOVID-19 là rất hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp với các giải pháp mới tham gia vào lực lượng chống dịch của TTCOVID-19 để cùng hoàn thiện, phát triển các giải pháp thực sự hữu ích để hướng tới triển khai rộng rãi khắp cả nước. Đến nay, TTCOVID-19 cũng đã thành lập rất nhiều nhóm nghiên cứu riêng với các doanh nghiệp này để thẩm định, đánh giá và đưa ra định hướng phát triển cho các giải pháp công nghệ đó. Thông qua việc này, đội ngũ TTCOVID-19 cũng nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam, dù có thể là những doanh nghiệp nhỏ hoặc rất nhỏ nhưng rất sáng tạo và giàu tâm huyết muốn chung tay đóng góp cho đất nước để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

20210902-pg1.jpg

“Người dân cũng sẽ không còn băn khoăn về việc nhiều ứng dụng thế này thì nên cài đặt và sử dụng ứng dụng nào. Giải quyết được bài toán đồng bộ dữ liệu chính là lời giải căn cơ nhất để triển khai được các nền tảng công nghệ chống dịch một cách hiệu quả” - ông Đỗ Công Anh

PV: Giải pháp hỗ trợ các yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp công nghệ cho Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ông có thể cho biết kết quả đạt được của sự phối kết hợp này?

Ông Đỗ Công Anh: Việc thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia chính là tiền đề để tạo nên sự phối hợp vô cùng chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ TT&TT trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo mô hình hoạt động của TTCOVID-19, các thành viên Bộ Y tế sẽ căn cứ thực tiễn chống dịch để đề xuất các vấn đề, yêu cầu cụ thể (đầu bài) cần có công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ để Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc tổ chức xây dựng giải pháp công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu đề ra. Các giải pháp trong quá trình hoàn thiện và triển khai sẽ luôn nhận được sự góp ý, phản biện trực tiếp từ Bộ Y tế để đảm bảo giải pháp này đáp ứng đúng các mục tiêu và yêu cầu của công tác chống dịch. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, bên cạnh ngành y tế thì các địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các nền tảng chống dịch.

Vì vậy, từ trước khi TTCOVID-19 được thành lập thì Cục Tin học hóa đã chủ động thiết lập các kênh trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật đến đầu mối là các Sở TT&TT của 63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Sau khi TTCOVID-19 được thành lập, Cục tiếp tục hướng dẫn các tỉnh thành lập các trung tâm hoặc các tổ công nghệ phòng, chống COVID-19 tại địa phương, lấy Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia làm hạt nhân để hình thành một mạng lưới công nghệ chống dịch đồng bộ và mạnh mẽ trên khắp địa bàn cả nước. Thông qua mạng lưới này, việc hỗ trợ kỹ thuật tiếp tục được mở rộng cả về chiều sâu và quy mô. TTCOVID-19 đã liên tục cử các đoàn cán bộ biệt phái trực tiếp xuống tận địa bàn để hướng dẫn đội ngũ kỹ thuật địa phương triển khai các nền tảng. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi mà dịch đang bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Nam thì gần như toàn bộ thành viên nòng cốt của TTCOVID-19 cùng với các chuyên gia kỹ thuật của các doanh nghiệp đều đang có mặt tại tâm dịch để trực tiếp cùng địa phương triển khai các nền tảng quan trọng, phục vụ trực tiếp cho ngành y tế như nền tảng quản lý tiêm chủng, quản lý xét nghiệm…

PV: Theo ông, các hoạt động đôn đốc việc triển khai, ứng dụng các hệ thống, nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 có vai trò thế nào?

Ông Đỗ Công Anh: Đôn đốc các địa phương triển khai các nền tảng phòng chống COVID-19 là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia. Các nền tảng công nghệ chống dịch thường mang tính chất "phòng bệnh hơn chữa bệnh", tức là thời điểm lý tưởng nhất đối với một địa bàn để triển khai các nền tảng là khi tình hình dịch đang được kiểm soát ổn định. Nếu các nền tảng được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp trên địa bàn trong giai đoạn ổn định thì khi dịch bùng phát, việc kiểm soát khoanh vùng dịch sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc đôn đốc các địa phương đặc biệt là các địa phương chưa có dịch triển khai quyết liệt các nền tảng công nghệ chống dịch là nhiệm vụ rất được chú trọng. Căn cứ trên dữ liệu các nền tảng thu thập được, Trung tâm có thể quan sát và đo lường được các địa phương nào đang triển khai tích cực và các địa phương nào đang triển khai chưa tốt để có các biện pháp đôn đốc phù hợp.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Bí thư và Chủ tịch của 63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước đề nghị chỉ đạo các sở ban ngành tại địa phương mình quyết liệt triển khai 3 nền tảng chống dịch dùng chung toàn quốclà Nền tảng kiểm soát ra vào bằng mã QR, Nền tảng quản lý xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Cùng với đó trong văn bản Bộ TT&TT cũng đề nghị các tỉnh thành lập Tổ công nghệ phòng chống COVID-19 của địa phương để chủ trì, điều phối việc triển khai các nền tảng trên địa bàn của mình. Để hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung trong văn bản đề ra, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia cũng đã trực tiếp làm việc với từng địa phương để tư vấn, bàn giao và hướng dẫn sử dụng các nền tảng công nghệ tại từng cơ quan, ban ngành của địa phương.

PV: Dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Tin học hóa có thêm những giải pháp hoặc đề xuất gì mới cho Bộ TT&TT trong đợt cao điểm này, thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Bên cạnh các nền tảng đang được triển khai và ngày càng hoàn thiện về tính năng, hiệu quả, Cục Tin học hóa trong vai trò thường trực Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia hiện vẫn hoan nghênh và tiếp nhận các đề xuất giải pháp công nghệ mới do các doanh nghiệp gửi đến và phối hợp với các doanh nghiệp hoàn thiện các giải pháp thực sự hiệu quả và hữu ích cho công tác chống dịch, hướng đến việc triển khai trên quy mô toàn quốc.

Bước tiếp theo sau khi các nền tảng đã được triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia sẽ hướng đến việc triển khai các công nghệ phân tích, mô hình hóa dữ liệu để đưa ra các thống kê dự báo về tình hình dịch từ đó làm cơ sở cho Bộ Y tế và Chính phủ có quyết sách phù hợp ứng phó với dịch trong giai đoạn tiếp theo. Ví dụ như căn cứ vào dữ liệu truy vết và dữ liệu các ca F1 chuyển biến sang F0, có thể xây dựng mô hình dự báo về tốc độ lây lan của biến chủng mới, dự báo về số lượng F0 trong tương lai trên từng địa bàn, so sánh tương quan với sức tải thực tế của hệ thống y tế trên địa bàn đó để từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp như có nên giãn cách xã hội cả tỉnh hay không, hoặc nên giãn cách ở mức độ nào để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nói chung…

PV: Xin cảm ơn ông!

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top