Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trên quy mô toàn cầu

Thứ tư, 13/10/2021 06:36

Công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm và phải hướng tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng.

20211013-l0.jpg

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí với giá phù hợp có thể tăng tốc chuyển đổi số”

Đó là những thông điệp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí với giá phù hợp có thể tăng tốc chuyển đổi số” trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) diễn ra tối 12/10/2021, tại Hà Nội - Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Houlin Zhao; cùng Lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương. Đồng thời còn có sự tham dự của Bộ trưởng phụ trách Viễn thông và ICT của các nước: Mexico, Nigeria, Costa Rica, Lào, Cambodia, Azerbaijan, Myanmar, Chủ tịch Liên minh Internet.

Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào. Không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình chuyển đổi số của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, nhất là trong ITU phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ các nước cần phải định hướng, dẫn dắt quá trình này để chuyển đổi số có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt của đời sống xã hội. Đồng thời, sự dẫn dắt định hướng của nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Do đó, hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh. 

20211013-m01.JPG

Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí với giá phù hợp có thể tăng tốc chuyển đổi số”

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, người dân chính là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển của tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia, được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của an toàn an ninh mạng trong tiến trình thúc đẩy chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định, thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc trong việc định hình khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của Liên minh Viễn thông quốc tế; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao.

Tất cả mọi người được tiếp cận ICT với giá phải chăng - thước đo của sự thành công

Đó là khẳng định của ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU tại Hội nghị. Vẫn còn khoảng 50% người dân trên thế giới hiện nay vẫn chưa được kết nối với Internet. Để giải quyết được thách thức này, một trong những giải pháp là cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng ICT với những chính sách đúng đắn, phù hợp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Các quốc gia cần phải có những chính sách khuyến khích các mạng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ ICT đầu tư, cung cấp dịch vụ ở những nơi không phải lúc nào cũng có lãi. 

Tuy nhiên, thiếu cơ sở hạ tầng ICT không phải là trở ngại lớn nhất. Chi phí cao và các yếu tố khác như nội dung không thiết thực, hạn chế về kiến thức, kỹ năng số của người dân cũng là những yếu tố làm chậm lại tiến trình chuyển đổi số. 

20211013-l4.jpg

Ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí với giá phù hợp có thể tăng tốc chuyển đổi số”

Tiếp cận ICT với giá cả phải chăng là trách nhiệm của tất cả mọi người. Ngành ICT cần phải được hỗ trợ về tài chính cũng như có cách tiếp cận sáng tạo từ phía chính phủ nhằm khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy quan hệ đối tác trên toàn bộ hệ sinh thái số. Các Chính phủ cần ban hành những quy định,  chính sách mới, linh hoạt thúc đẩy sự tham gia hợp tác từ nhiều bên, đặc biệt trong việc kết nối nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Tổng Thư ký nhận định, “Việt Nam là một mô hình, một hình mẫu tốt để chúng ta học hỏi. Việt Nam đã cùng chung tay một cách thành công với các nước châu Á, các nước trong khu vực ASEAN, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh hợp tác các lĩnh vực ít mang lại lợi nhuận hoặc những nhà đầu tư khác có thể bỏ qua”. Tổng Thư ký bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm giá thành đầu tư và dịch vụ ICT và mong muốn Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình với những quốc gia khác. 

ICT đã trở nên vô cùng thiết yếu đối với mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy tận dụng tốt thời cơ này để cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một tương lai số tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, Tổng Thư ký kêu gọi.

Việt Nam coi chuyển đổi số là ưu tiên để phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số

Chia sẻ tại Hội nghị Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ sở hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Do đó, tăng cường vùng phủ sóng 5G rất quan trọng đối với các nước đang phát triển. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang áp dụng giải pháp sau: Trong giai đoạn đầu phát triển 5G, mỗi nhà mạng phủ sóng 25% diện tích đất nước và thực hiện roaming với nhau để giảm chi phí đầu tư.

20211013-l3.jpg

Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí với giá phù hợp có thể tăng tốc chuyển đổi số”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, nhằm thúc đẩy truy cập Internet, Việt Nam sẽ tắt sóng mạng 2G vào năm 2023. Chính phủ và các nhà mạng sẽ trợ cấp điện thoại di động 4G cho những người dân đang sử dụng điện thoại 2G, chỉ chiếm chưa đến 5%. Điều đó có nghĩa là đến năm 2023, 100% người sử dụng điện thoại di động sẽ sẵn sàng sử dụng Internet. 

Chính phủ đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam. Sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo ra một môi trường thuận lợi, góp phần huy động mọi nguồn lực để chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. 

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ITU tham dự đã có những đóng góp ý kiến, chia sẻ các kinh nghiệm của nước mình trong hoạch định chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, các giải pháp khuyến khích các nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ ICT xây dựng mạng lưới, cung cấp dịch vụ tại những vùng sâu, vùng xa, các biện pháp quản lý, các mô hình công tư thành công nhằm chi phí kết nối cho người dùng cuối..../. 

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top