Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Thứ năm, 14/10/2021 13:49

Để chuyển đổi số thành công, vai trò dẫn dắt, thúc đẩy của Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng Chính phủ không thể triển khai chuyển đổi số một mình. Do vậy, đa số các quốc gia đều lựa chọn mô hình chuyển đổi số với sự tham gia của khu vực tư nhân, các nhà mạng, các hiệp hội, các trường đại học… Đây là quan điểm nhận được sự nhất trí của các Bộ trưởng Viễn thông, ICT tại Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng với chủ đề “Thúc đẩy phát triển hạ tầng: Nghĩ lại về vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số” ngày 13/10/2021. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới Houlin Zhao, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.

5G - cơ hội mở rộng vùng phủ sóng đến những khu vực, những người dân chưa được kết nối

Đại diện đến từ Việt Nam, Jordan, Brazil… đều chia sẻ lộ trình và kế hoạch triển khai 5G tại quốc gia của mình, coi 5G là hạ tầng quan trọng để mở rộng vùng phủ sóng, tăng cường kết nối, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa vùng thành thị và nông thôn, giữa vùng được kết nối và không được kết nối.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, 5G sẽ có ảnh hưởng mang tính đột phá đối với cơ sở hạ tầng số. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên của phát triển 5G. Ngay từ năm 2020, những cuộc cuộc thử nghiệm thương mại 5G đã được tiến hành với sự ủng hộ của Bộ TT&TT về tái phân bổ tần số, các tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức các đợt thử nghiệm. Việt Nam cũng gặp những khó khăn khi chuyển sang 5G như các nước khác. Đó là những khoản đầu tư lớn liên quan đến chi phí vốn (CAPEX), tần số được cấp phép và thiếu những ứng dụng cho 5G để tạo ra nguồn doanh thu. Nhằm thúc đẩy triển khai 5G, chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các nhà mạng về phí cấp phép tần số, chính sách chia sẻ mạng lưới, hỗ trợ tài chính của chính phủ để khuyến khích sử dụng 5G.   

20211014-pg2-BT.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tham dự Hội nghị (tại điểm cầu Hà Nội).

Chi phí vốn 5G là một mối quan tâm lớn đối với nhà mạng vì doanh thu trên một thuê bao di động ở Việt Nam (ARPU) khá là thấp (khoảng 3 USD) và sự gia tăng doanh thu từ 5G trong giai đoạn đầu tiên không đủ thu hồi chi phí vốn. Chia sẻ mạng lưới là một giải pháp tốt cho các nhà mạng trên toàn thế giới. Tại Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của chính phủ, ba nhà mạng đã đồng ý cùng đầu tư 22 tỷ USD vào mạng lưới dùng chung vào năm 2022. Tại Việt Nam, theo sáng kiến của Bộ TT&TT, việc chia sẻ mạng 5G dự kiến sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành từ 18 đến 35%.

Các nhà mạng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi triển khai cơ sở hạ tầng băng rộng tại vùng nông thôn, đặc biệt là nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai 5G. Vì vậy vai trò của chính phủ trong việc dẫn dắt hỗ trợ đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai, ông Huỳnh Quang Liêm khẳng định. 

Đại diện Oman, một quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông, chia sẻ chính phủ nước này đã và đang thúc đẩy việc ứng dụng 5G trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau  như giáo dục, du lịch,... Ngay trong tuần này, một dịch vụ hỗ trợ 5G thông minh mới đã được triển khai tại một tòa án. 

Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và Doanh nghiệp Jordan Ahmad Al Hanandeh cho biết, tại Jordan hiện nay 98% dân số sử dụng điện thoại thông minh truy cập Internet băng rộng, đồng thời Jordan cũng là nước có dân số trẻ với 70% dân số dưới 55 tuổi, ưa thích khám phá công nghệ. Do đó, chính phủ Jordan rất quyết liệt triển khai các giải pháp công nghệ mới như IoT, blockchain, 5G để đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nếu không đầu tư cho 5G, các quốc gia sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, người có kết nối cơ bản và người có kết nối nâng cao, đại diện đến từ Nokia chia sẻ. 

Từ góc nhìn của Bộ trưởng Bộ Truyền thông Brazil Fabio Fabria, ông cho biết, ngày 4/11 tới đây. Brazil sẽ tiến hành đấu giá phổ tần 5G theo phương thức đấu giá cạnh tranh, với sự tham gia của các nhà mạng toàn quốc, nhà mạng khu vực. Mục đích lớn nhất của chính phủ Brazil khi triển khai đấu giá phổ tần số là mở rộng vùng phủ sóng, ít nhất là của dịch vụ 4G đến những khu vực chưa được kết nối và phủ sóng đường cao tốc liên bang 

Sử dụng các giải pháp công nghệ lai ghép để giải quyết bài toán kết nối chất lượng cao với giá hợp lý

Hiện nay, có nhiều công nghệ và giải pháp kỹ thuật có thể trả lời cho câu hỏi trên, đó là  cáp quang đến vệ tinh, mạng di động, cố định, 5G, chia sẻ cơ sở hạ tầng và các vấn đề pháp lý mới. 

20211014-pg7.jpg

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông Brazil cho biết, Brazil cũng đầu tư lớn triển khai cáp quang đáp ứng truyền tải và truy cập. Về kết nối băng rộng quốc tế, Brazil sẽ mở rộng các điểm trung chuyển Internet. Thành phố Fort Alyssa, phía Bắc Brazil đã trở thành trung tâm lớn về cáp quang biển với các trạm truy cập và trung tâm dữ liệu cho 14 tuyến kết nối trực tuyến đến Bắc, Nam Mỹ, kết nối trực tiếp tới châu Âu.

Brazil cũng có chương trình triển khai kết nối băng rộng tốc độ cao đến các trường học công trên toàn quốc. Hiện đã có gần 93% trường học ở các thành phố và 45% trường học ở nông thôn được kết nối băng rộng và sẽ kết nối tất cả các trường học trong năm tới. Brazil cũng có chương trình WiFi Brazil để đáp ứng truy cập Internet ở vùng chưa có dịch vụ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu.

Chia sẻ phát triển hạ tầng số tại Jordan, ông Ahmad Al Hanandeh, Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và doanh nghiệp cho biết 90% dân số Jordan đã được phủ sóng 4G, sóng 3G và Internet di động đã phủ tới 98% dân số. Tỷ lệ người dân sử dụng smartphone đạt hơn 95%. Tỷ lệ truy cập Internet cao nhất trong khu vực, 98% người dân Jordan có thể truy cập băng rộng di động nhờ smartphone.

Ông Ahmad Al Hanandeh cho biết thêm, Jordan đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong năm 2021, nội dung chiến lược này do cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân cùng xây dựng nên. Chính phủ Jordan xác định rõ: Chuyển đổi số không thể do một mình Chính phủ thực hiện, cần có sự tham gia của nhiều bên, trong đó có khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. Chính phủ Jordan sẵn sàng giúp các doanh nghiệp ngành ICT giải quyết những khó khăn, vướng mắc như: tiền thuế, giá điện cao, phí tần số, cấp đủ tần số cũng như băng tần phù hợp liên quan đến 4G, 5G cho các nhà mạng viễn thông… Với những biện pháp, chính sách quyết liệt như vậy, Chính phủ Jordan kỳ vọng triển khai chuyển đổi số trên toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia.

Đại diện cho châu Phi, ông Lacina Kone, Tổng Giám đốc Smart Africa, Rwanda, cho biết, trong một vài năm qua, tiến trình chuyển đổi số ở châu Phi đã có những tiến triển nhất định, đại dịch Covid 19 cũng là một cú huých thúc đẩy tiến trình này. Một khó khăn của châu Phi trong chuyển đổi số là một số lượng lớn dân số hiện đang sống ở khu vực nông thôn, riêng ở Tiểu vùng sa mạc Sahara, người dân nông thôn chiếm khoảng 60%. Tại châu Phi, những mô hình phát triển kinh tế hay chuyển đổi số của các nước khác không áp dụng được ở đây vì thu nhập người dân thấp, mật độ dân cư cũng thấp, người dân sống xa các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Do đó, cần một mô hình mới, sáng tạo để thu hút những giải pháp kỹ thuật phù hợp, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Cải tổ Quỹ Dịch vụ công ích để hướng tới có thể hỗ trợ kết nối cho người dân với giá cả phải chăng cũng là một tư duy mới, một cách tiếp cận mới, đại diện Smart Africa đề xuất. 

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top