Thị trường sách nói chuyển động mạnh mẽ

Thứ năm, 21/10/2021 14:49

Trong xu thế phát triển xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện nay, thị trường sách nói ở nước ta đang chuyển động mạnh mẽ. Những hoạt động hợp tác, ra mắt sản phẩm sách nói chất lượng, chuyên nghiệp xuất hiện liên tục đang tạo sự sôi động và đa dạng trong đời sống xuất bản, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc cũng như kinh tế số ở lĩnh vực này.

Thuc-hien-thu-am-sach-noi-t.jpg

 

Thực hiện thu âm sách nói tại Công ty cổ phần Fonos phục vụ độc giả trên ứng dụng Fonos. Ảnh: Thụy Du

 

 

Thu hút hàng triệu người dùng

Trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết các nhà sách đều tạm dừng phục vụ, nên chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã tìm kiếm các xuất bản phẩm điện tử để thưởng thức. Sau khi cùng các con nghe sách trên ứng dụng sách nói Voiz FM, chị Ngọc chia sẻ: “Sách nói khá tiện lợi, vì có thể nghe mọi lúc, mọi nơi. Tôi rất thích nghe giọng đọc truyền cảm trên nền nhạc nhẹ nhàng, vừa thêm kiến thức, vừa được thư giãn”.

Là một trong những ứng dụng sách nói có bản quyền tiên phong ở Việt Nam, Voiz FM của Công ty cổ phần Công nghệ Wewe (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) ra mắt từ tháng 1-2020, đã có hơn 500.000 người dùng, gần 2.000 tựa sách với nhiều chủ đề. Doanh thu thời điểm này so với cùng kỳ năm trước gấp khoảng 20 lần. Công ty cổ phần Công nghệ Wewe cũng đã hợp tác bản quyền với các đơn vị xuất bản, như: Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Nhã Nam, Sài Gòn Books, Alpha Books… để đưa sách lên ứng dụng Voiz FM.

Trong khi đó, ra đời giữa năm 2020, hiện ứng dụng sách nói Fonos của Công ty cổ phần Fonos (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) có hơn 160 tựa sách có bản quyền từ các đơn vị xuất bản uy tín trên cả nước, với khoảng 100.000 người dùng. Ngày 20-9 vừa qua, Nhà Xuất bản Kim Đồng chính thức ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Fonos về việc phát hành sách nói trên nền tảng ứng dụng Fonos, đồng thời gửi tặng độc giả 5 tựa sách: “Truyện cổ Andersen”, “Quê nội”, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Tô Hoài”, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi - Nguyễn Kiên”, “Sử ta chuyện xưa kể lại” tập 1, 2.

Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết, thông qua ứng dụng sách nói Fonos với nhiều tính năng trải nghiệm sách mới mẻ, thú vị cho độc giả, những ấn phẩm phong phú và đặc sắc của Nhà Xuất bản Kim Đồng sẽ đến được với nhiều đối tượng hơn, nhất là độc giả nhỏ tuổi ở những miền xa xôi của Tổ quốc và người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng trong tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần Sách Thái Hà (quận Cầu Giấy) đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Fonos để phát triển thị trường sách nói và lần lượt đưa những ấn phẩm chất lượng, đặc biệt là sách lịch sử, kỹ năng sống… lên ứng dụng Fonos phục vụ người dùng.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước hiện có 11 nhà xuất bản và 4 đơn vị phát hành được cấp đăng ký hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, trong đó có 3 ứng dụng sách nói nổi bật là Voiz FM, Fonos và MyDio (của Công ty cổ phần Waka có trụ sở tại quận Cầu Giấy), thu hút hàng triệu người dùng.

Thúc đẩy thị trường phát triển

Ngoài việc tăng sự lựa chọn tiếp cận tri thức cho độc giả, sách nói còn ưu điểm là có thể thưởng thức ngay cả khi đang di chuyển, làm việc nhà, tập thể dục… Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số hơn 90 triệu người, trong đó số người sử dụng thiết bị điện tử thông minh rất lớn. Mặt khác, trong gần hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất bản sách in gặp khó khăn, vì vậy, phát triển xuất bản phẩm điện tử, trong đó có sách nói, là hướng đi đúng đắn, cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu độc giả, vừa góp phần phát triển kinh tế số trong lĩnh vực xuất bản.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Fonos Xuân Nguyễn, để sách nói thu hút người dùng phải đầu tư chu đáo, chuyên nghiệp cho mỗi cuốn sách, từ khâu chọn sách, mua bản quyền đến tìm giọng đọc, thu âm, biên tập, lồng nhạc nền, bảo mật tác phẩm… Tuy nhiên, xuất bản phẩm điện tử nói chung và sách nói nói riêng đang đối mặt với nạn vi phạm quyền tác giả trên nền tảng số.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wewe Lê Hoàng Thạch, thời gian qua, Voiz FM thường xuyên bị vi phạm quyền tác giả trên nền tảng YouTube, Spotify… Từ tháng 7-2020 đến nay, công ty đã phải làm việc với các bên liên quan để xóa hơn 30.000 nội dung vi phạm. Đồng thời, Voiz FM đưa ra mức phí hợp lý để người dùng tiếp cận kho sách, nhằm tạo thói quen nghe sách có bản quyền cho độc giả.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển xuất bản phẩm điện tử, trong đó có sách nói. Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đang tích cực tuyên truyền bảo vệ quyền tác giả và đề xuất xây dựng các chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý hành vi vi phạm, nhằm thúc đẩy thị trường sách nói phát triển.

 

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top