V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV

Thứ hai, 01/11/2021 15:55

 Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 333/BDN ngày 22/9/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh: Đề nghị quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ viễn thông, nhằm đảm bảo việc triển khai các hình thức học trực tuyến hiệu quả hơn.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Việc đầu tư hạ tầng công nghệ viễn thông nhằm đảm bảo việc triển khai các hình thức học trực tuyến được thực hiện thông qua các hình thức sau:

1.Triển khai cáp quang đến thôn bản

Tính đến nay, qua rà soát báo cáo của địa phương, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai cáp quang tới 100% xã, phường, thị trấn; tới trên 91% số thôn bản trên toàn quốc. 100% các trường học trên toàn quốc đã được kết nối mạng băng rộng tốc độ cao.

2. Phủ sóng di động tại các vùng lõm sóng

- Mạng di động băng rộng (3G, 4G) của Việt Nam có vùng phủ rộng trên 99,7% dân số, thuộc loại tiên tiến trên thế giới. Chỉ còn một số (khoảng 1900) khu vực mức thôn bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc địa hình hiểm trở chưa có sóng di động.

- Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 2617/BTTTT-CVT ngày 19/7/2021 yêu cầu các doanh nghiệp thống kê, rà soát cơ sở hạ tầng viễn thông, lập danh sách xác định các thôn, bản chưa có sóng di động băng rộng để lên kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư phủ sóng di động băng rộng cho các thôn, bản này theo nguyên tắc tiết kiệm, tối ưu chi phí, tránh chồng chéo, tận dụng hạ tầng sẵn có của doanh nghiệp.

- Ngày 31/8/2021, Bộ TTTT đã chỉ đạo Cục Viễn thông ban hành văn bản số 3596/CVT-PTHT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tiến độ triển khai phủ sóng di động tại các thôn, bản chưa có sóng di động trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, chủ quyền biên giới và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

- Triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động (ngày 12/9/2021), Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tập trung phủ sóng ứng cứu ngay trong tháng 9/2021 cho 283 điểm lõm sóng là các thôn thuộc các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa). Tại các điểm lõm sau khi được phủ sóng, việc dạy và học trực tuyến đã diễn ra bình thường với chất lượng ổn định.

- Hiện nay, Bộ TTTT đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tiến độ triển khai các điểm thôn trong kế hoạch chủ động thực hiện bằng nguồn lực của doanh nghiệp (khoảng 600 thôn/bản), hoàn thành trong quý IV/2021. Đối với các điểm còn lại (khoảng gần 1000 thôn/bản) đã đưa vào chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến trong năm 2021), sẽ triển khai nhanh chóng nhất để đảm bảo phục vụ học trực tuyến trên phạm vi toàn quốc.

3. Chất lượng dịch vụ:

- Chất lượng mạng lưới viễn thông (cố định, di động, kết nối quốc tế) trong thời gian qua được các doanh nghiệp viễn thông hết sức nỗ lực đảm bảo liên tục cải thiện và nâng cao, ngay cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và có các sự cố cáp quang biển đồng thời trên nhiều tuyến. Tốc độ mạng cố định tăng 28,7%, tốc độ mạng di dộng tăng 25% so với cuối năm 2020, xếp hạng thế giới tăng 3 bậc. Với yêu cầu băng thông của các ứng dụng học trực tuyến thấp hơn nhiều so với năng lực của mạng viễn thông, kết nối băng rộng di động trung bình đủ đáp ứng cho 3 - 4 học sinh, băng rộng di động đủ cho 6 - 8 học sinh cùng học trên một kết nối. Tổng lưu lượng của các ứng dụng học trực tuyến phổ biến chỉ chiếm khoảng 7% tổng lưu lượng dịch vụ Internet, do đó có thể nói chất lượng dịch vụ của mạng viễn thông hoàn toàn đủ để đảm bảo chất lượng học trực tuyến, kể cả trong thời gian có sự cố đồng thời trên 2 tuyến cáp quang biển.

- Thời gian qua, có hiện tượng một số nền tảng học trực tuyến nước ngoài như Zoom hoạt động không ổn định chủ yếu là do các nền tảng đó không có máy chủ tại Việt Nam, các hệ thống kỹ thuật, máy chủ không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến từ Việt Nam. Do đó hiện nay có xu hướng người dùng chuyển sang sử dụng các nền tảng của Việt Nam hoặc các nền tảng khác có năng lực cao hơn.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp để trả lời cử tri./.

* Xem nội dung công văn trả lời cử tri tỉnh Đồng Tháp tại đây.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top