Năm 2022: Chuyển đổi số là khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh Yên Bái

Thứ bảy, 12/03/2022 06:38

Sáng ngày 11/3/2022, tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 180 điểm cầu.

20220311-pg3-BThu.jpg

 Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, từ góc độ Ủy ban chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT nhất trí cao với Nghị quyết chuyển đổi số của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Trong năm 2022, định hướng trọng tâm của Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh: “Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia quá trình chuyển đổi số”.

Để triển khai định hướng này, ngay từ đầu tháng 3, Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 797/BTTTT-THH hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Văn bản cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng ưu tiên triển khai trong năm 2022 để thực hiện các định hướng trên.

Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh rà soát để không bỏ sót nhiệm vụ nào trong số 22 nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số.

Khi thực hiện chuyển đổi số, cần thực hiện quản lý rủi ro sao cho chuyển đổi số hiệu quả, bền vững. Trong số các nguy cơ, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đặc biệt lưu ý nguy cơ mất an toàn an ninh mạng.Trong năm 2020, 2021 ở một số Bộ, ngành đã xảy ra sự cố mất an toàn, làm chậm tiến trình chuyển đổi số trong vài năm. Cách phòng ngừa rủi ro tốt nhất là an toàn ngay từ khi thiết kế, ngay từ khi lập dự án về CNTT. An toàn trước khi sử dụng, kiểm tra đánh giá trong đó có mã nguồn. An toàn sau khi sử dụng thông qua đảm bảo an toàn theo mô hình 4 lớp

Chuyển đổi số phải thực sự mang lại hiệu quả, hiệu quả phải lớn hơn kinh phí bỏ ra. Chọn đúng sản phẩm tốt, doanh nghiệp tốt, mua đúng giá. Triển khai chuyển đổi số chúng ta làm nhanh nhưng phải làm bền vững.

20220312-pg1-TT.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đặc biệt lưu ý: mô hình chuyển đổi số không thể thành công nếu người đứng đầu không vào cuộc, người dân không sử dụng

Chuyển đổi số là một chặng đường dài, nhưng không có nghĩa là chúng ta đi lâu. Bộ TT&TT đề nghị đo lường kết quả theo tháng, mỗi tháng có kết quả nhỏ, mỗi quý có kết quả trung bình, để cuối năm có được kết quả đột phá.

Thứ trưởng Bộ TT&TT đề xuất: Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Giám đốc Sở TT&TT hàng tháng phải có một báo cáo về kết quả chuyển đổi số trong tháng, phải là kết quả cuối cùng, không phải kết quả trung gian. Chuyển đổi số làm được gì để cấp ủy đảng, chính quyền điều hành công việc hiệu quả hơn, ra chính sách tốt hơn. Chuyển đổi số làm được gì để người dân giàu hơn, doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận cao hơn. Chuyển đổi số làm được gì để người dân hạnh phúc hơn. Chuyển đổi số làm được gì để mỗi em học sinh có thể học tốt hơn môn toán, ngoại ngữ, mỗi người dân ở tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chuyển đổi số đưa ra lời giải cho những câu hỏi này chính là chuyển đổi số thành công, mang lại kết quả cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Quan điểm 3T, mô hình chuyển đổi số 4G, cách làm 5L: công thức chuyển đổi số của Yên Bái

Chuyển đổi số đã được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh. Từ góc nhìn của Sở TT&TT, cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu về chuyển đổi số cho Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh, ông Hoàng Minh Tiến đã đưa ra quan điểm triển khai chuyển đổi số của Yên Bái theo công thức 3T – 4G – 5L.

Theo đó, quan điểm 3T về chuyển đổi số có nghĩa là: Nhận thức phải Thống nhất, Hành động phải Trọng tâm, Nguồn lực phải Thỏa đáng. Chuyển đổi số là xu hướng, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Chuyển đổi số là chủ yếu là về thể chế, về thay đổi cách nghĩ, cách làm, không phải về công nghệ. Trong tiến trình triển khai chuyển đổi số, lựa chọn việc dễ làm trước, làm ngay và dứt điểm. Việc khó làm thí điểm, vừa làm vừa điều chỉnh. Ưu tiêu lựa chọn việc khi chuyển đổi số có phạm vi ảnh hưởng, mang lại thay đổi tới toàn cơ quan. Muốn thực hiện chuyển đổi số, phải có nguồn lực về tài chính, về con người. Cần tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo nâng cao về kỹ năng, nhận thức về chuyển đổi số cho từng cán bộ. Thúc đẩy hợp tác công tư theo hướng lấy nguồn lực đầu tư của ngân sách để dẫn dắt đầu tư, kích hoạt các nguồn lực trong xã hội.

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển của thế giới với sự phát triển bùng nổ của công nghệ. Chưa từng có tiền lệ. Do đó, muốn triển khai chuyển đổi số, trước tiên phải triển khai thí điểm, thành công mới tiến hành toàn diện. Sở TT&TT Yên Bái đã tham mưu đề xuất và được UBND tỉnh giao triển khai 05 mô hình thí điểm về chuyển đổi số tại 8 cơ quan, đơn vị trong nửa đầu năm 2022. Đó là các mô hình chuyển đổi số: cấp xã/phường; cấp huyện; cơ quan nhà nước; doanh nghiệp; trường học và Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái.

20220312-pg1-GDYB.jpg

Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái trình bày tại Hội nghị

Ông Tiến cho rằng, với mỗi mô hình thí điểm cần trả lời được 4 câu hỏi Gì (4G): Mô hình chuyển đổi số này có mục tiêu là gì? Muốn đạt được mục tiêu này, cần phải làm gì? Điều kiện cần là gì? Và cuối cùng, phân công ai làm gì? Đây được gọi là mô hình 4G của chuyển đổi số.

Đã có quan điểm 3T, mô hình chuyển đổi số 4G, việc triển khai chuyển đổi số sẽ thực hiện theo cách làm 5L, Giám đốc Sở TT&TT Hoàng Minh Tiến nhấn mạnh. Cách làm 5L cụ thể gồm: Làm việc dễ đến khó, bé đến lớn; Lan dần: Thí điểm để nhân rộng – chiến lược “vệt dầu loang”; Lấy người dân dẫn dắt cơ quan nhà nước; Lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp công nghệ số; lập thói quen, kỹ năng chuyển đổi số.

Một ví dụ về việc triển khai chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cho xã hội chính là việc sử dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua của tỉnh Yên Bái. Đội ngũ cán bộ y tế đến cấp xã của Yên Bái rất thành thạo trong việc sử dụng các công nghệ, nền tảng khác nhau phục vụ công việc. Họ đã tạo lập thành thói quen, kỹ năng sử dụng công nghệ số từ vô số các lần triển khai các công nghệ khác nhau trong phòng, chống dịch. Ông Tiến ví von, “kỹ năng sử dụng công nghệ giống như việc biết đi xe ô tô, biết ở đây là hiểu biết về luật giao thông, biết cách điều khiển phương tiện, còn khi biết rồi thì đi xe gì cũng được, là Honda, Huyndai, BMW hay VinFast đều sẽ đi được”.

Với quyết tâm chính trị của người đứng đầu tỉnh, với điều kiện hạ tầng số đã sẵn sàng và sự đồng lòng, chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với 3T – 4G – 5L, Yên Bái sẽ có những bước đi dài, vững chắc trong tiến trình chuyển đổi số năm 2022, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái tin tưởng.

 Chuyển đổi số giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, vấn đề cơ bản quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.

 20220311-pg3-toancanh.jpg

Quang cảnh Hội nghị

Đồng chí Đỗ Đức Duy cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nội bật trong công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được trong thời qua. Với mong muốn tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, người dân Yên Bái cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng quá trình chuyển đổi số tại tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định, đó là: Trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phát triển mô hình đô thị thông minh. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh trật tự… còn triển khai đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi, yếu tố về công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thực sự.

*Cũng tại sự kiện, đã diễn ra Lễ khai trương cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ chuyển đổi số tỉnh Yên Bái.

Yên Bái chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái được ban hành thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã đạt được kết quả nhất định. 

Việc hoàn thành và bắt đầu đi vào khai thác sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); Hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã được triển khai tại 408 điểm; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Yên Bái triển khai 183 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số phục vụ hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet.

Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 425 dịch vụ đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

 Chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Tỉnh đã xây dựng và bước đầu đi vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP; hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Yên Bái. Đưa 607 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, 42 sản phẩm OCOP lên sàn postmart.vn, 72 sản phẩm OCOP lên sàn voso.vn  và đã bán ra trên 6.200 đơn hàng.

Đến nay, 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý giáo dục. 100% cấp huyện có hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) và là tỉnh thứ 6 trên cả nước triển khai thí điểm hệ thống telehealth đến cấp xã.

Triển khai một số nền tảng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xây dựng phần mềm Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 tỉnh Yên Bái nhằm cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp truy cập, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời…

 

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top