Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động bưu chính

Thứ năm, 21/04/2022 14:47

Sáng ngày 21/4/2022, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Sở TT&TT, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính.

2022421-u1.jpg

Toàn cảnh hội nghị 

Niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính

Tại hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, hiện nay đang diễn ra tình trạng cạnh tranh giảm giá nhằm giành thị phần gây nên hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động bưu chính. Do đó,việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động bưu chính cạnh tranh lành mạnh là việc làm hết sức cần thiết.

Theo đó, một trong những nội dung mới được sửa đổi bổ sung đối với lĩnh vực Bưu chính trong Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản là việc niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động bưu chính của các doanh nghiệp..

Đại diện Thanh tra Bộ cũng lưu ý các doanh nghiệp bưu chính về hình thức xử phạt mới của Nghị định số 14/2022 NĐ-CP đó là: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi một trong các nội dung đã thông báo hoạt động bưu chính.

Nghị định số 14 cũng nêu rõ: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính giá cước các dịch vụ bưu chính. Việc áp dụng giá cước không đúng với giá cước các dịch vụ bưu chính như đã đăng ký hoặc kê khai hoặc thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Sự phát triển của nền tảng xuyên biên giới gây khó khăn cho quản lý nhà nước

Đại diện Vụ Bưu chính cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường bưu chính Việt Nam có trên 700 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh đang rất phức tạp.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp bưu chính phải thực hiện quyền kiểm tra bưu gửi đã quy định trong Điều 29 Luật Bưu chính. Tuy nhiên, khi thương mại điện tử bùng nổ, với hàng tỉ gói kiện cần được chuyển phát nhanh thì việc kiểm tra “chấp nhận” hàng hóa gửi đối với các nhân viên tại bưu cục là không khả thi. Chỉ có vài doanh nghiệp lớn mới có các hệ thống chia chọn, hệ thống soi chiếu còn đa số các doanh nghiệp kiểm đếm bằng mắt, bằng tay. Nếu như yêu cầu các nhân viên bưu chính phân biệt hàng giả, hàng cấm thì thực sự không thể.

Bên cạnh đó, thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với sự xuất hiện ngày càng nhiều nền tảng kỹ thuật số và mô hình kinh doanh mới. Hoạt động của các tập đoàn thương mại nước ngoài cung cấp các hoạt động thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Song song với sự phát triển đó là sự xuất hiện của nhiều hành vi vi phạm trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới. Với xu thế bùng nổ của thương mại số hiện nay, bưu chính trở thành nền tảng hậu cần cho thương mại số, là công cụ thực thi cho thương mại điện tử, vì vậy các doanh nghiệp bưu chính lại là đối tượng liên đới, thực hiện các “hành vi” vi phạm, gây mất an ninh, an toàn và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Giải pháp xử lý vi phạm

Thời gian qua,nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến vấn đề này, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ... Gần đây, một số văn bản đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số và hoạt động kinh doanh trực tuyến... Những văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thị trường thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới phát triển an toàn, lành mạnh hơn trong thực tiễn.

Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính, sẽ có hiệu lực từ 01/06/2022.  Nghị định có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh và sử dụng dịch vụ bưu chính, cấp phép và thu hồi giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, công khai giá cước, quy định khuyến mãi, quy định về dịch vụ bưu chính, về người gửi, người nhận và liên quan đến bưu gửi. 

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định của pháp luật, đại diện Vụ Bưu chính cho rằng: cần cải thiện việc thu thập dữ liệu, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ban, ngành, đồng thời khẳng định việc công bố đánh giá sẽ không xâm phạm đến bí mật kinh doanh và quyền riêng tư của cá nhân; Hoàn thiện Hệ thống mã địa chỉ số cho bưu chính. Hệ thống này có thể coi là hệ thống mã số định vị các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh và tất cả các điểm phát sinh dữ liệu giao dịch; Các bộ, ngành cần phối hợp để xây dựng một hệ thống đường trục vận tải đa phương thức, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, toàn quốc. Điều này vừa có thể giảm chi phí logistics, vừa tập trung được các hàng hóa vận chuyển trên toàn quốc, qua đó xây dựng hệ thống điều hành thông minh cho hàng hóa vận chuyển và giám sát dòng chảy hàng hóa quốc gia hoặc xuyên biên giới.

Không chỉ có ngành Công an, mà ngành Thông tin Truyền thông cũng như các bộ ,ngành khác cần chuẩn bị để thực hiện “thanh tra số”, phát hiện những dấu hiệu vi phạm trên không gian số. Một mặt có thể nghiên cứu, yêu cầu các doanh nghiệp  hoạt động kinh doanh xuyên biên giới phải để lại những điểm “check point” để cơ quan chức năng giám sát, mặt khác Bộ Công an, Bộ TT&TT và các bộ, ngành cùng nhau phối hợp xây dựng hệ thống lắng nghe, giám sát mạng xã hội và không gian mạng, thu thập những “chứng cứ”, dấu hiệu hành vi vi phạm - đại diện Vụ Bưu chính cho biết thêm.

 

Thu Hương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top