Bộ Thông tin và Truyền thông cùng UBND tỉnh Hậu Giang ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2023

Thứ năm, 05/05/2022 21:48

Chiều ngày 5/5/2022, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), do ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang về chuyển đổi số. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh.

202255-h10.jpg

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT và ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ký kết Biên bản ghi nhớ.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, về hạ tầng công nghệ thông tin: 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN); hệ thống phòng họp trực tuyến sử dụng thiết bị họp phần cứng chuyên dụng đồng bộ, từ cấp tỉnh đến 8 UBND cấp huyện (100%) và 75 UBND cấp xã (100%) và một số sở, ngành tỉnh (98 điểm cầu trên toàn tỉnh). Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, phục vụ cung cấp một số dịch vụ như: hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi... Khoảng 98% tổ chức, lãnh đạo đã được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, với tổng số chứng thư số được cấp đến nay là khoảng 2.300, cho phép ký số trên thiết bị di động.

Đến nay, Hậu Giang đã triển khai phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức cho 703 cơ quan, đơn vị sử dụng với gần 16.000 hồ sơ trong đó, có khoảng 7.000 hồ sơ hoàn chỉnh. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đang cung cấp 1.860 dịch vụ công trực tuyến trong đó bao gồm 1.219 dịch vụ công trực tuyến mức 4, đã tích hợp 910 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2021, các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh đã tiếp nhận 3.159 phản ánh hiện trường. Toàn tỉnh có 625 cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin trong đó, có 125 người làm việc tại các sở, ban, ngành tỉnh và các UBND cấp huyện, cấp xã; hơn 500 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện, trung tâm sự nghiệp).

Tỉnh hiện có 40 doanh nghiệp công nghệ thông tin, chủ yếu là kinh doanh, phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, doanh thu năm 2021, của các doanh nghiệp công nghệ thông tin là khoảng 300 tỉ đồng. Tổng số nhân lực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin là hơn 500 người. Năm 2021, Hậu Giang xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. Xét theo 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số năm 2021: Chính quyền số của Hậu Giang xếp thứ 26/63; Kinh tế số của Hậu Giang xếp thứ 18/63; Xã hội số của Hậu Giang xếp thứ 35/63.

202255-h12.jpg

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, chia sẻ với tỉnh Hậu Giang về những khó khăn trong phát triển TT&TT thời gian qua và tới đây.

Hậu Giang cần phối hợp với các doanh nghiệp tập trung phát triển hạ tầng số

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với các doanh nghiệp tập trung phát triển hạ tầng số; các nhà mạng cần có các chính sách, chương trình khuyến khích người dân sử dụng smartphone; phải có tính toán về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số. Về chuyển đổi số ở từng ngành, từng lĩnh vực cần phải có thời gian, kế hoạch cụ thể. Về kinh tế số với mục tiêu đã được đề ra, tỉnh cần có chương trình xây dựng phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở địa phương. Về nông nghiệp thông minh, Bộ TT&TT cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nên có một chuyên đề để có xem xét lại cụ thể đối tượng, quy mô khi thực hiện nông nghiệp thông minh...

202255-h13.jpg 

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, mong muốn Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ Hậu Giang thực hiện chuyển đổi số. Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Bộ TT&TT có thể hỗ trợ ngành nông nghiệp Hậu Giang thực hiện các mô hình nông nghiệp chuyển đổi số; hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, phổ biến các mô hình hay, các cách làm hiệu quả, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số xuất sắc trong từng lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, y tế...

Bộ TT&TT cùng UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển TT&TT giai đoạn 2022 – 2023. Hai bên cam kết cùng phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc triển khai các hoạt động hợp tác chung như: hội nghị, hội thảo; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về TT&TT; triển khai các chương trình, đề án, dự án về TT&TT tại địa phương...

Trước đó, kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Hậu Giang về hợp tác phát triển TT&TT giai đoạn 2020-2021 đã đạt một số kết quả nổi bật: Biên bản ghi nhớ có tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành TT&TT: bưu chính; viễn thông; an toàn, an ninh mạng; ứng dụng công nghệ thông tin; báo chí, truyền thông...

Theo baohaugiang.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top