Phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Thứ ba, 30/08/2022 06:58

Với sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) hay công nghiệp ICT được hiểu là công nghiệp công nghệ số. Nhằm tận dụng và khai thác tiềm năng ngành công nghiệp này, nhiều quốc gia đã đã ban hành các chiến lược, chính sách, đạo luật để thúc đẩy phát triển công nghệ số. Bởi phát triển và làm chủ được công nghệ số sẽ đóng vai trò then chốt trong quyết định vị thế, sức mạnh của các quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng…

 Việt Nam đã có nhiều chủ trương, định hướng lớn về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số (CĐS) toàn diện quốc gia. Tuy nhiên, để đề ra được đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đúng đắn, là cơ sở để xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch và những trọng tâm cần tập trung thực hiện phát triển công nghiệp công nghệ số thì việc đánh giá, xác định đúng cơ hội và thách thức là rất cần thiết.

Bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình trong nước

 20221104-ta20.jpg

Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp và khó đoán định. Toàn cầu hóa, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo cùng với sự xuất hiện của cuộc CMCN 4.0 đem lại nhiều cơ hội, song cũng có nhiều nhân tố bất ổn nổi lên như: sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới cục diện kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, khu vực và sự phát triển của các quốc gia.

Khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CMCN 4.0 đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. KHCN, ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số và các doanh nghiệp (DN) công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Những công nghệ số mới của CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và tác động, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), điện toán đám mây....

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển công nghệ số trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quyết tâm phát triển công nghiệp công nghệ số. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII). Nghị quyết đã chỉ rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Chủ trương đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: CNTT và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong phát triển công nghiệp công nghệ số?

Công nghiệp công nghệ số đang và sẽ được tích hợp vào tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác ngoài việc tự thân nó là một ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt trong giai đoạn tới, để thực hiện thành công CĐS toàn diện quốc gia đã được định hướng trong các Nghị quyết, chương trình của Đảng [1] và Nhà nước [2] công nghiệp công nghệ số cần phát triển nhanh, phải đi trước một bước. Nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước thành các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, cần phải nhận diện rõ những cơ hội đối với ngành công nghiệp này.

20220705-pg12.jpg

Thứ nhất, Việt Nam có tiềm năng bùng nổ thị trường ứng dụng công nghệ số nội địa: Với gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ và số người dùng di động thông minh chiếm tỷ lệ cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc gắn với ứng dụng công nghệ số trong xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), CĐS quốc gia lấy người dân là trung tâm, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, hình thành Chính phủ số, xã hội số. Nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có kiến thức tốt về công nghệ. Ở Việt Nam, hàng năm có gần 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT hoặc liên quan đến lĩnh vực CNTT.

Đồng thời, Việt Nam cũng có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao với thị trường nội địa đủ lớn và đa dạng, có số lượng người tiêu dùng am hiểu công nghệ, kỹ thuật số và quan tâm đến việc thử nghiệm các sản phẩm mới, có tiềm năng thu hút đầu tư vào ứng dụng và phát triển sản phẩm công nghệ số. Việt Nam được đánh giá là môi trường an toàn để các DN đầu tư dài hạn vào công nghệ bởi đây là quốc gia được đánh giá có chế độ chính trị và chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, điều này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư để phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Với quyết tâm định hướng chính sách phát triển công nghệ số, Việt Nam đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số dưới nhiều hình thức. Chính phủ đã ban hành các chính sách về cách CMCN 4.0, về phát triển DN công nghệ số, coi công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế: Đề án CĐS quốc gia hướng đến một không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, CPĐT, mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá. Các Đề án kinh tế chia sẻ, Nghị định về hỗ trợ DN vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho DN công nghệ khởi nghiệp [3].

Hiện Việt Nam đã có trên 64.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (công nghiệp phần cứng, điện tử; công nghiệp phần mềm; công nghiệp nội dung số; dịch vụ CNTT) [4]. Cộng đồng cũng đã hình thành được một số DN đầu tàu, có chiến lược phát triển phù hợp với CMCN 4.0 như VNPT với Chiến lược VNPT 4.0, Viettel có chiến lược xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Đặc tính của các DN trong lĩnh vực công nghệ cao là khả năng phát triển sản phẩm nhanh. Đặc tính này đã được phát huy trong giai đoạn của đại dịch COVID-19, nhiều sản phẩm công nghệ số như khai báo, theo dõi, đánh giá tụ tập đông người và phạm vi di chuyển, học và làm việc từ xa đã được triển khai trong thời gian ngắn giúp giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh, sớm đưa nền kinh tế vào trạng thái hồi phục phát triển. Tuy nhiên, để có thể khai thác được hết tiềm năng của thị trường nội địa, các quy định đối với các công nghệ mới nổi cần sớm được thiết lập để sự sáng tạo của DN công nghệ số trong việc phát triển các giải pháp mới được đưa vào cuộc sống một cách thuận lợi.

Thứ hai, đặc sắc của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển công nghệ mới

Hệ thống chính trị của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Đảng cầm quyền, một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, sáng suốt, gắn bó mật thiết và hành động vì lợi ích của nhân dân, từ Trung ương đến cơ sở. Do vậy, khi triển khai một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cụ thể là phát triển công nghiệp số thì hệ thống truyền thông từ Trung ương đến cơ sở góp phần quan trọng trong nhận thức, tư tưởng và hành động. Đây là một trong những đặc sắc của Việt Nam để phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ số đến tận ngõ ngách cuộc sống.

20220705-pg13.jpg

Đồng thời, hiện nay để triển khai quá trình CĐS quốc gia, đầu mối về công nghệ số đã bố trí đến tận cấp xã hỗ trợ việc phổ biến, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, hội nhập kinh tế mở ra thị trường sản phẩm công nghệ quốc tế: Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mở ra thị trường cho sản phẩm công nghệ số Việt Nam.

Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế đang dần được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến đổi.

Việt Nam cũng là một trong các nước tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển khối ASEAN, cả về chính trị và kinh tế. Hợp tác của Việt Nam mở rộng với các quốc gia, khối các quốc gia trên thế giới như APEC, CPTPP và gần đây là EVFTA. Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nền kinh tế (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 FTA, bao gồm cả các FTA thế hệ mới, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) [5]. Vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam giúp các DN Việt Nam tiếp cận nhanh hơn thị trường khu vực và quốc tế.

Bốn là, cơ hội hợp tác công nghệ cho DN Việt Nam trong cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc: Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có bản chất công nghệ, quyền lực. Do đó, việc bảo vệ thị trường cho các DN công nghệ số không chỉ còn là vấn đề thương mại mà là lợi ích chiến lược, điều này dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia hợp tác công nghệ lõi để lôi kéo đồng minh. Vì vậy, cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc tạo cơ hội hợp tác công nghệ cho DN công nghệ số Việt Nam.

Hiện đang có xu thế hình thành sự dịch chuyển hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ từ một số nước không được tin cậy, có tình trạng bất ổn, sang Việt Nam. Tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam [6]. FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị DN và góp phần đưa Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Như vậy, nếu nắm bắt được cơ hội này Việt Nam sẽ tăng được đầu tư của DN FDI công nghệ quốc tế.

Với nhiều DN công nghệ lớn vào Việt Nam, cơ hội hợp tác phát triển của các DN công nghệ Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng DN FDI không thể là câu trả lời hoàn chỉnh cho câu hỏi làm sao DN công nghệ số Việt Nam có thể hấp thụ được công nghệ của các DN FDI. Đây vẫn là câu hỏi ngỏ cho các nhà hoạch định chính sách.

Năm là, dân số Việt Nam là dân số trẻ sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới:

Một yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới năng động của Việt Nam là dân số trẻ và có trình độ. Tính đến năm 2021, dân số trung bình của Việt Nam là 98,51 triệu người tăng 0,95% so với năm 2020. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm, tỉ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng [7]. Tuổi thọ trung bình đến năm 2020 ước đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi) [8].

20220705-pg14.jpg

Theo UNFPA, Việt Nam đang hưởng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2040, nhóm dân số trong độ tuổi từ 15-24 tuổi chiếm đa số đến tới 70% tổng dân số [9]. Năm 2019, Việt Nam có 55,77 triệu người đang trong độ tuổi lao động [10]. Tỉ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, ước đạt 64,5% năm 2020, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5 [11].

Dân số ở trong độ tuổi lao động đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc, cung cấp một nhóm lớn các tài năng công nghệ cao, chi phí thấp. Đây chính là cơ hội tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành công nghiệp công nghệ số.

Sáu là, xuất hiện xu thế chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang công nghệ số:

Sự quan tâm đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang dần tăng lên. Một số DN dịch vụ nội địa có nguồn vốn đã chủ động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số. DN công nghệ lớn nước ngoài cũng đang quan tâm mua cổ phần của các DN công nghệ Việt Nam. Các nhà đầu tư khởi nghiệp trên thế giới cũng hướng sự quan tâm đến DN khởi nghiệp Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư đến từ các quốc gia lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Năm 2021, đầu tư trong hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam có sự tăng trưởng so với các nước trong khu vực. Đầu tư cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Việt Nam từ 287 triệu USD năm 2018 lên đến 1,3 tỷ USD năm 2021. Điều này chỉ ra một tín hiệu tốt khi thị trường sản phẩm và cơ hội kinh doanh công nghệ số đã thu hút nguồn đầu tư đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước như trước đây.

Nguy cơ và thách thức trong phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam

Hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang suy giảm, lĩnh vực công nghiệp ICT tiếp tục giữ vững được sự tăng trưởng dù chưa đạt được mức tăng trưởng như các năm trước. Tổng doanh thu công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136 tỷ USD, gấp 22 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD) và gấp hơn 2 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh CĐS toàn diện đất nước, công nghiệp ICT được coi là "lõi" của nền kinh tế số thì cũng đang đối mặt với các nguy cơ và thách thức cần giải quyết.

Thứ nhất, sự cạnh tranh từ các DN công nghệ số trong khu vực ASEAN:

Trong thời gian tới, sự cạnh tranh của các DN công nghệ từ các nước trong khu vực láng giềng là một nguy cơ đối với DN công nghệ của Việt Nam. Cạnh tranh của các DN từ các nước ASEAN không chỉ bằng nhân công giá rẻ (Myanmar) mà còn bằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước trong một hệ sinh thái năng động cho phát triển DN công nghệ (Singapore) hoặc sự bảo hộ thị trường của một số quốc gia.

Ngoài ra, trên thị trường quốc tế, các quốc gia lớn cũng có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ DN công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại như Mỹ, Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ về kinh phí cho các DN công nghệ nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ lõi nước ngoài, đặt mục tiêu biến Trung Quốc trở thành công xưởng công nghệ toàn cầu.

Để có thể đối mặt với cạnh tranh của DN công nghệ nước ngoài có sự hỗ trợ của chính phủ quốc gia đó, các DN công nghệ số Việt Nam ngoài việc chủ động giải quyết những hạn chế còn tồn đọng như: giá trị gia tăng của sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số của các DN vẫn còn ở mức thấp; thiếu năng lực sáng tạo, thiết kế và công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ khai thác dữ liệu, AI, các dịch vụ tư vấn cao cấp, dịch vụ tư vấn CĐS,….; năng lực ĐMST, nghiên cứu - phát triển làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ số mới còn ở mức hạn chế…

Các DN công nghệ cũng rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ để có được điều kiện cạnh tranh bình đẳng. Do đó, nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng hỗ trợ cho các DN công nghệ Việt Nam phát triển.

Thứ hai, mất cân đối do phụ thuộc vào thị trường quốc tế:

Hiện nay đầu ra của ngành công nghiệp công nghệ số vẫn còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số, chủ yếu cho xuất khẩu. Nhưng các DN công nghệ số chưa thực sự chú trọng chiến lược phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, các vấn đề rủi ro toàn cầu (như dịch bệnh, chiến tranh thương mại) dẫn đến sự suy thoái kinh tế, phá vỡ các chuỗi sản xuất có DN công nghệ số Việt Nam tham gia, thu hẹp các thị trường xuất khẩu truyền thống, ảnh hưởng đến nguồn cung tư liệu sản xuất của DN công nghệ số Việt Nam.

Những vấn đề có tính chất rủi ro toàn cầu không phải là vấn đề chỉ riêng đối với Việt Nam nhưng nếu Việt Nam không tự chủ trong sản xuất, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bất ổn sẽ trở nên trầm trọng hơn. Hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Trong khi đó do năng lực công nghệ, DN thiếu khả năng khai thác các cơ hội kinh doanh mới xuất hiện trong bối cảnh bất ổn này. Những vấn đề phát sinh về thị trường đầu ra dẫn đến sự cần thiết phải cân đối giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Thị trường nội địa cần được khai thác để đảm bảo sự ổn định trong các tình huống có sự biến động trên thị trường quốc tế như hiện nay.

Thứ ba, nguy cơ bị thâu tóm khi phụ thuộc về đầu tư nước ngoài:

Hơn 90% DN công nghệ số tại Việt Nam vẫn là DN vừa và nhỏ, tiềm lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới còn hạn chế.

Với tiềm lực tài chính không lớn (chưa có nhiều DN có giá trị lớn - thường được tính ở mức 01 tỷ USD), các DN công nghệ Việt Nam có nguy cơ bị lũng đoạn, chi phối bởi các nguồn đầu tư không bền vững, dễ bị tác động bởi yếu tố chính trị. Việc mua bán, sáp nhập là một phần của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, khi bị phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến trường hợp DN Việt Nam rơi vào hoàn cảnh thua thiệt khi bị thâu tóm, tác động đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam.

Thứ tư, phụ thuộc về tài nguyên dữ liệu, công nghệ khai thác dữ liệu:

Dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất trong nền kinh tế số, trên đó các hoạt động sản xuất, thương mại được tập trung triển khai. Hiện dữ liệu tại các bộ ngành ở Việt Nam chưa được chia sẻ và mở theo đúng nghĩa mặc dù chúng ta đã có Luật Tiếp cận thông tin (Luật số 104/2016/QH13), Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các CQNN (Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020). Tài nguyên dữ liệu dùng chung của quốc gia chưa được hình thành, chuẩn hóa và chia sẻ. DN tư nhân chưa được tiếp cận dữ liệu của Chính phủ để phát triển các sản phẩm, dịch vụ. Việc thiếu tư liệu sản xuất đặc biệt là dữ liệu đã làm cho các DN công nghệ số gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, bởi vì các công nghệ tiên tiến như AI, phân tích dữ liệu lớn, ĐMST,… đều dựa trên khai thác dữ liệu.

Bên cạnh đó, việc dựa vào công nghệ lõi của nước ngoài, sự tụt hậu của Việt Nam về công nghệ khai thác dữ liệu không dễ có thể thu hẹp. Các nền tảng thuộc các quốc gia lớn (Facebook, Tik tok…), mô hình kinh doanh mới, dịch vụ dựa trên công nghệ số xuyên biên giới đang xâm nhập và gia tăng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Dữ liệu kinh tế - xã hội và đời sống của Việt Nam đang bị các DN nước ngoài khai thác để tạo ra lợi thế cạnh tranh trước các DN công nghệ số nội địa. Điều này dẫn đến các rủi ro lớn về an ninh quốc gia, an toàn thông tin, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh dựa trên sáng tạo và hầu như bỏ ngỏ lĩnh vực kinh doanh dựa trên dữ liệu của DN trong nước.

Thứ năm, bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám:

Các công nghệ thông minh và tự động hóa cao thay thế được nhân lực phổ thông trong nhiều lĩnh vực. Các hãng công nghệ lớn trên thế giới (như Microsoft) cũng đã bắt đầu có hoạt động sa thải nhân công và thay thế bằng ứng dụng AI.

DN Việt Nam mất lợi thế về nhân lực giá rẻ, trong khi nhân lực chất lượng cao còn chưa được hình thành. Sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng dẫn đến nguy cơ bị thu hút mất lao động chất lượng cao của Việt Nam vào tay các đối tác công nghệ nước ngoài, đặc biệt là nhân lực tài năng cần thiết cho các hoạt động triển khai CMCN 4.0. Đối với nhân lực mà sản phẩm lao động là tri thức, do phạm vi làm việc toàn cầu nhờ môi trường kết nối mạng, các biện pháp quản lý và thúc đẩy truyền thống thông qua sự hiện diện không còn hiệu quả.

Bàn luận

Để công nghiệp công nghệ số thực sự là ngành công nghiệp chủ đạo của nền công nghiệp hiện đại đất nước, tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực toàn diện về CĐS hình thành quốc gia số; đóng góp cao cho nền kinh tế đất nước, việc soi chiếu các cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp này là thực sự cần thiết. Các nhà hoạch định xây dựng chính sách cần xem xét, đánh giá đầy đủ để từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm và khả thi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 

[1] - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đặt ra phương hướng, nhiệm vụ giải pháp: “Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”; “nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số”.
[2]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
[3]. Hoa Nguyễn, Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/vi-the-viet-nam-trong-cuc-dien-moi-cua-khu-vuc#
[4]. Lê Nguyễn (2022), Nhìn lại nền kinh tế năm 2021 hướng tới năm 2022, https://dangcongsan.vn/mung-dat-nuoc-doi-moi-mung-dang-quang-vinh-mung-xuan-nham-dan-2022/dang-dan-toc-va-mua-xuan/nhin-lai-nen-kinh-te-nam-2021-huong-toi-nam-2022-602831.html.
[5]. Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương (2021), Toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan---thuc-tien/toan-canh-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-nam-2021.html.
[6]. Lê Nguyễn (2022), Nhìn lại nền kinh tế năm 2021 hướng tới năm 2022, https://dangcongsan.vn/mung-dat-nuoc-doi-moi-mung-dang-quang-vinh-mung-xuan-nham-dan-2022/dang-dan-toc-va-mua-xuan/nhin-lai-nen-kinh-te-nam-2021-huong-toi-nam-2022-602831.html.
[7]. Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương (2021), Toàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan---thuc-tien/toan-canh-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-nam-2021.html.
[8]. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-3737.
[9]. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển Việt Nam 2016, “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến nền kinh tế Việt Nam và đề xuất chính sách”, truy cập ngày 1-3-2022.
[10]. Dân số và tổng điều tra dân số, https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/vietnams-population-and-census/#ref-3074446-11.
[11]. Báo Điện tử Chính Phủ (2011), Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, https://baochinhphu.vn/print/toan-van-cac-van-kien-dai-hoi-xi-cua-dang-10267243.htm.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top