Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2022

Thứ ba, 12/07/2022 09:45

Sáng ngày 11/7/2022, tại Hà Nội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 6/2022 với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long cùng lãnh đạo cấp trưởng/cấp phó các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, Công đoàn ngành TT&TT.

2022711-u2.png

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban tháng 6/2022

Những hoạt động nổi bật trong công tác QLNN tháng 6/2022

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong tháng 6/2022, về quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định, Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét ban hành 04 thông tư. Đáng chú ý nhất là Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, thay thế Nghị định 43/2011/NĐ-CP.

Trong tháng 6/2022,  các lĩnh vực ngành của Bộ quản lý có nhiều hoạt động nổi bật:

Lĩnh vực Bưu chính: Tổ chức thành công Triển lãm tem bưu chính quốc gia - Vietstampex 2020, đây là triển lãm tem lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam; Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Lĩnh vực Viễn thông: Tổ chức thành công Hội thảo chuyên sâu về Internet với chủ đề “Tương lai của Internet” (The Future of Internet) nhằm đánh giá 25 năm Internet Việt Nam, thảo luận về tương lai của Internet Việt Nam, các thách thức trong quá trình hội nhập xu thế phát triển chung, công nghệ Internet tương lai trên thế giới, qua đó cùng đưa ra các giải pháp cho các “bài toán khó” của Internet Việt Nam.

Lĩnh vực Ứng dụng CNTT:  Số lượng dịch vụ công trực tuyến tính đến tháng 6/2022 đạt 45,78%, tăng khoảng 1.6 lần so với cùng kỳ 2021. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tính đến tháng 6/2022 đạt 36,91%, tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Trong tháng tới, lĩnh vực Ứng dụng CNTT sẽ tiếp tục triển khai thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia và tổ chức các hoạt động huấn luyện thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.

Lĩnh vực An toàn thông tin mạng: Bộ đã tổ chức thành công hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2022, đây là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất về an toàn thông tin tại Việt Nam; Trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị camera giám sát. Ngoài ra, Bộ cũng đã thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ để đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Lĩnh vực Kinh tế số: Ban hành Quyết định số 1316/QĐ-BTTTT ngày 30/6/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2022, Bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số; Tổ chức đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc tham gia vào Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số…

Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Trong tháng 6/2022, Lĩnh vực Công nghiệp ICT có doanh thu tăng trưởng 30% (ước đạt 12,2 tỷ USD) và kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử tăng trưởng lên tới 28% so với cùng kỳ 2021 (ước đạt 9,5 tỷ USD). Bên cạnh đó, trong tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2022.

Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Báo Pháp luật Việt Nam về 13 lỗi vi phạm, trong đó xử phạt cảnh cáo đối với 2 hành vi vi phạm, xử phạt bằng tiền 11 hành vi vi phạm với tổng số tiền 325.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.

Đồng thời, nhằm hạn chế “báo hóa trang tin và mạng xã hội”, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử và các Sở TT&TT đã phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tình trạng này, theo đó, số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép đã giảm đáng kể…

2022711-u1.png

Toàn cảnh hội nghị giao ban 

Cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp cận cách quản lý mới

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước có vai trò quyết định cho sự phát triển của đất nước, dẫn dắt quốc gia ở những lĩnh vực cụ thể nên các công việc phải được đặt mục tiêu cao, tiếp cận cách quản lý mới, tạo động lực cho lĩnh vực phát triển.

Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu,  hàng năm Bộ trưởng sẽ có buổi nói chuyện với cán bộ, CCVC một lần, còn Lãnh đạo Bộ hàng quý sẽ có buổi nói chuyện với lãnh đạo cấp phòng và các chuyên viên chính của các đơn vị nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức.

Năm nay sẽ đánh dấu 30 năm tái lập Tổng cục Bưu điện, 20 năm thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông, 15 năm thành lập Bộ TT&TT …, các hoạt động kỷ niệm những dấu mốc ý nghĩa này nên hướng tới việc tri ân, trong đó điểm nhấn là khai trương Bảo tàng số. Do đó, phải nhanh chóng hoàn thiện Bảo tàng để tri ân những người đã có đóng góp với Ngành qua các thời kỳ. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chỉ đạo chung công tác này.

Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng chỉ đạo một số công tác trọng tâm. Liên quan tới việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo sớm công bố chính thức việc tắt sóng 2G để người dân, doanh nghiệp được biết. Đồng thời, tập trung triển khai đấu giá tần số trong sáu tháng cuối năm.

Về chuyển đổi số nội bộ của Bộ TT&TT, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xem xét, hoàn chỉnh hệ thống CNTT phục vụ các công tác của Bộ, công cụ đo đạc dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, rà soát lại các thủ tục hành chính, trợ lý ảo và hệ thống chuyển đổi số.

Về công tác tổ chức của Bộ, Bộ trưởng cho biết, sắp tới Thủ tướng sẽ ký ban hành Nghị định chức năng nhiệm vụ của Bộ, trong đó có nhiều nhiệm vụ mới nên Vụ Tổ chức cán bộ cần thực hiện các công tác tổ chức phù hợp, sẵn sàng chuẩn bị nhân lực mới cho chuyển giao cán bộ đứng đầu một số đơn vị chuẩn bị nghỉ chế độ.

Đối với công tác xây dựng văn bản, thể chế, Bộ trưởng cho biết, song song với việc hoàn thiện các nội dung của các luật như: Luật giao dịch điện tử, Luật công nghiệp công nghệ số, Luật Viễn thông, dự thảo Quyết định về mạng truyền số liệu chuyên dùng để trình Thủ tướng chính phủ, thì cần phải xây dựng các hướng dẫn đối với chiến lược phát triển một số lĩnh vực như bưu chính, chính phủ số, kinh tế số… để các địa phương, Bộ, Ngành thực hiện đúng chủ trương, chính sách.

Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục làm việc với tinh thần là làm nghiêm, đảm bảo sự lành mạnh của môi trường CNTT và Truyền thông. “Gần đây, xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, Thanh tra đã thực hiện tốt. Đề nghị Thanh tra Bộ tiếp tục thanh kiểm tra với tinh thần là làm nghiêm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

Thu Hương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top