Tiêm vắc xin mũi nhắc lại để tăng cường miễn dịch

Thứ năm, 13/10/2022 21:10

Những ngày gần đây, số các ca mắc COVID-19 trên cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng bắt đầu có sự gia tăng trở lại. Cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron như BA.4, BA.5 khiến dịch bệnh COVID-19 có khả năng lây lan nhanh hơn, làm giảm miễn dịch và dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất để tăng cường miễn dịch.

20221027-m11.jpg

Nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm chưa cao

Lũy tích toàn tỉnh đến ngày 3/10, đã có 992.793 người trên 18 tuổi tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19 (đạt 99,9%); 220.206 người đã tiêm mũi bổ sung (đạt 98,5%); 696.099 người tiêm đã mũi nhắc lại tức mũi ba (đạt 86,7%); 175.021 người đã tiêm mũi nhắc lại lần hai tức mũi bốn (đạt 68,9%). Đối với trẻ em từ 12 - 17 tuổi, đã có 134.467 trẻ tiêm đủ hai mũi vắc xin (đạt 100%); 80.477 trẻ tiêm mũi nhắc lại lần một tức mũi ba (đạt 61,2%). Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 154.440 trẻ đã tiêm một mũi vắc xin (đạt 78,1%); 99.548 trẻ được tiêm đủ hai mũi vắc xin (đạt 50,3%).

Tuy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song tại một số địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin mũi hai cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt thấp như: Thanh Sơn 38,8%; TP Việt Trì 42,9%; Tam Nông 43,8%... Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi ba cho trẻ em từ 12-17 tuổi thấp như: Thanh Sơn 40,1%; Thanh Thủy 41,6%; Cẩm Khê 47,6%;… Huyện Thanh Ba có tỷ lệ tiêm mũi bốn cho người trên 18 tuổi rất thấp, chỉ đạt 29,7%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân việc tiêm vắc xin bị chậm so với tiến độ là do một bộ phận người dân chủ quan, không tuân thủ các nguyên tắc về phòng, chống dịch COVID-19, không đồng ý tham gia tiêm chủng mũi 3 và không cho con em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm chủng dẫn đến nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai tiêm chủng, không đảm bảo hoàn thành tỷ lệ đề ra.

Bên cạnh đó, một lượng lớn người dân tham gia lao động, học tập ngoài tỉnh đã tiêm vắc xin tại tỉnh đó nên việc thống kê, cập nhật dữ liệu tiêm chủng còn thiếu, sót đối tượng. Một số địa phương tuyến cơ sở, bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chủ quan, buông lỏng vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, công tác vận động người dân tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) đang gặp khó khăn do tâm lý chủ quan của người dân khi cho rằng mình đã nhiễm COVID-19 hoặc đã tiêm 2 mũi nên cơ thể đã sản sinh kháng thể.

Về ý kiến cho rằng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vắc xin mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Chuẩn hóa hơn nữa vẫn là tiêm vắc xin mũi nhắc lại, tức là tiêm mũi 3, mũi 4. Người bị mắc COVID-19 khi đã tiêm mũi mũi 3, mũi 4 có miễn dịch lâu dài hơn, cao hơn những không tiêm. Đặc biệt, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ có hiệu lực bảo vệ cao hơn trước các biến thể mới!

Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tránh bệnh chuyển biến nặng dẫn tới tử vong do COVID-19 trong điều kiện ngày càng xuất hiện các biến chủng mới.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin

Theo thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022 kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với các địa phương được tổ chức vào ngày 13/9/2022. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề ra, hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục. Bộ Y tế tiếp tục bảo đảm cung ứng phân bổ đầy đủ, kịp thời vắc xin phòng COVID-19 theo nhu cầu của địa phương, không để thiếu vắc xin; rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp đẩy nhanh việc tiêm vắc xin.

Đồng thời cùng với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa số liệu tiêm chủng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vắc xin để hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.

Theo TS Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1709/QĐ-UBND, ngày 12/07/2021 về việc Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành các Kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, cụ thể là: Kế hoạch số 695/KH-UBND, ngày 07/3/2022 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2022-2023 trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 của ngành, thành lập Đoàn Điều tra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong thời gian tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Xây dựng kế hoạch và tổ chức phân bổ vắc xin phòng COVID-19 cho các huyện, thị, thành và các cơ sở tiêm chủng theo quy định.

Cùng với đó, bố trí 245 điểm tiêm chủng cố định đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh (20 điểm tiêm tại bệnh viện, trung tâm y tế hai chức năng; 225 điểm tiêm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn), ngoài ra trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ toàn tỉnh, có thể bố trí bổ sung hàng trăm điểm tiêm chủng lưu động (tại các trường học, khu/cụm công nghiệp, khu dân cư,…).

“Trước nguy cơ các chủng mới xâm nhập vào nước ta làm số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại thì vai trò của vắc xin trong công cuộc phòng, chống dịch là điều không cần phải nhắc lại. Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn)+ vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân thì chúng ta mới có thể giữ được thành quả chống dịch trong thời gian qua” - ông Thọ nhấn mạnh.

Để đảm bảo tiến độ, tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Sở Y tế đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị, thành khẩn trương phối hợp với phòng y tế, phòng giáo dục để tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt là nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn huyện. Nêu cao vai trò phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm y tế và các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn để rà soát, lập danh sách và tổ chức điểm tiêm chủng lưu động ngay tại trường học. Đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đầu mối, phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị, thành khẩn trương rà soát nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 để đạt mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh./.

Hoàng Qúy (Báo Phú Thọ)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top