Các mô hình chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái

Thứ ba, 21/02/2023 12:03

Để chuyển đổi số thành công, bài bản và vững chắc, việc xây dựng các mô hình điểm đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các bước cụ thể, ứng dụng vào thực tế, từ đó có sự nghiên cứu, so sánh để triển khai trên diện rộng. Xác định được điều đó, năm 2022, tỉnh Yên Bái đã triển khai hiệu quả việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi số: đơn vị hành chính huyện, xã; cơ quan nhà nước; trường học; công dân số; tổ chuyển đổi số cộng đồng; nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử.

yb4.jpg

Hội nghị sơ kết triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn

Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành một số mục tiêu quan trọng như: 100% cấp xã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 1.744 thành viên, 100% cấp thôn thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 9.107 thành viên; 100% thủ 2 tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng; 70% người dân sử dụng dịch vụ di động bằng thiết bị thông minh, 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, 30% người dân dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh, 70% người lao động tại các khu công nghiệp sử dụng ứng dụng di động cung cấp dịch vụ số…

Khái quát chung về tỉnh Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn). Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,68 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai. Có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, người Kinh chiếm 42,71%, còn lại là các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông, Mường… chiếm 57,29%.

Tỉnh Yên Bái với xuất phát điểm thấp, còn nhiều khó khăn, thách thức nên tỉnh sớm xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đề ra. Với kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, để nâng cao thứ hạng của tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và cả nước, tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh uỷ và Chương trình hành động số 15/CTr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đây được coi là kim chỉ nam để Yên Bái thực hiện đồng bộ, bài bản các bước trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn.

yb3.jpg

Hội nghị tập huấn hướng dẫn chuyển đổi số do Sở TT&TT tỉnh Yên Bái chủ trì

Cùng với đó, năm 2022, lần đầu tiên UBND tỉnh Yên Bái đã đưa mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn nhằm hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết số 51 đã đề ra. Đó là: (1) Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Yên Bái cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản của một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; (2) Phấn đấu thứ hạng của tỉnh Yên Bái vào nhóm 30/63 địa phương của cả nước về chuyển đổi số”.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Yên Bái thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đồng thời tiếp tục nâng thứ hạng trên bảng xếp hạng đánh giá chuyển đổi số hàng năm.

Sau khi xác định rõ hướng đi với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho tỉnh triển khai các mô hình chuyển đổi số. 

Hoàn thành triển khai thí điểm và nhân rộng 7 mô hình chuyển đổi số

(1) Tổ chuyển đổi số cộng đồng: Xác định chuyển đổi số cần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số của Yên Bái trong năm 2022 đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Một trong những giải pháp then chốt thực hiện mục tiêu này là việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Tổ chuyển đổi số cộng đồng tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, huyện hoặc xã. Khi người dân nhận thức được chuyển đổi số tạo giá trị tốt hơn thì sẽ hưởng ứng, sử dụng, thậm chí tiên phong sử dụng, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Hết năm 2022, các địa phương hoàn thành tới 100% cấp xã (173/173) với 1.744 thành viên và 100% cấp thôn (1356/1356) đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 9.107 thành viên. Với kết quả này, tỉnh Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

(2) Mô hình chuyển đổi số cấp xã: UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 01/6/2022 triển khai thực hiện chuyển đổi số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022, toàn tỉnh có 73/173 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số (chiếm tỷ lệ 42,2%), trong đó 03/73 xã, phường, thị trấn chuyển đổi số nâng cao. Đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số cấp xã có: (1) Thành phố Yên Bái lựa chọn triển khai tại 05 xã, phường chuyển đổi số, trong đó 01 đã đạt 17/17 mục tiêu, 04 phường đã cơ bản hoàn thành 16/17 mục tiêu; (2) Huyện Văn Yên ước tính có 18 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã chuyển đổi số, trong đó 2 địa phương (thị trấn Mậu A, xã Đông Cuông) đạt tiêu chuẩn xã chuyển đổi số nâng cao. Hết năm 2022, có 30% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện chuyển đổi số hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chuyển đổi số tại cấp xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Bộ chỉ tiêu tạm thời đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn chuyển đổi số/chuyển đổi số nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, làm căn cứ để các địa phương đăng ký thực hiện trong những năm tiếp theo (Quyết định 2015/QĐ-UBND ngày 01/11/2022 UBND tỉnh).

yb2.jpg

Thực địa chuyển đổi số tỉnh Yên Bái

(3) Mô hình chuyển đổi số tại trường học: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thí điểm chuyển đổi số trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THCS Quang Trung (thành phố Yên Bái) với 10 chỉ tiêu chuyển đổi số, 13 nhiệm vụ và giải pháp, 8 điều kiện cần, 12 nền tảng, ứng dụng dùng chung. Đến hết thời gian thí điểm, các nhà trường đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra, 100% nhiệm vụ, giải pháp và triển khai 12/12 nền tảng, ứng dụng dùng phục phục vụ chuyển đổi số, đạt 100% so với kế hoạch. Sau khi thí điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 09/8/2022 triển khai chuyển đổi số trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022, nhân rộng tới 123 trường trên địa bàn tỉnh.

(4) Mô hình cơ quan nhà nước: Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ban, ngành. Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số sở với 24 mục tiêu, 34 nhiệm vụ và lựa chọn 17 phần mềm, nền tảng để triển khai. Kết quả, đã có 34/34 nhiệm vụ hoàn thành, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại Sở Thông tin và Truyền thông, để nhân rộng mô hình tại các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, ngày 09/8/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số tại 10 sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022.

(5) Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái: Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 61- KH/TU ngày 22/12/2022 triển khai thí điểm sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”; theo đó thí điểm sử dụng nền tảng số là 11 đơn vị (đại diện cho các tổ chức đảng trong cơ quan hành chính, sự nghiệp; doanh nghiệp; xã, phường), với tổng số 61 chi bộ và 1.999 đảng viên tham gia. Yên Bái là tỉnh thứ 3 trên toàn quốc triển khai sau Thái Bình, Thái Nguyên. Kết thúc thí điểm, tỉnh tiếp tục triển khai mở rộng thêm 1.106 chi bộ với 23.453 đảng viên sử dụng nền tảng. Tính đến hết tháng 11/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai tổng số 1.276/2.910 chi bộ (tương đương 43,8%), trong đó có 1.196 chi bộ trực thuộc, 80 chi bộ cơ sở; số tài khoản đã tạo là 27.455/60.126 tài khoản. Từ kết quả đó, ngày 28/10/2022, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Đề án số 11-ĐA/TU sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

(6) Mô hình chuyển đổi số cấp huyện: Tỉnh Yên Bái đã lựa chọn huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên để triển khai mô hình cơ quan chuyển đổi số tới các phòng, ban, đơn vị và Ủy ban nhân dân cấp xã. Có thể nói, qua thời gian triển khai thí điểm đến nay, huyện Văn Yên là huyện đi đầu trong công tác thực hiện chuyển đổi số khi xung phong thực hiện đồng thời 9 mô hình, nền tảng số để hình thành mô hình về huyện chuyển đổi số. Huyện Trấn Yên thì triển khai 13 cơ quan thuộc UBND huyện và 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

(7) Mô hình công dân số: Thực hiện nhiệm vụ Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao cho tỉnh Yên Bái tại Quyết định 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, thử nghiệm nền tảng (app) công dân số của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, cập nhật thông tin chính thống, kịp thời về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Để đảm bảo nhiệm vụ, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố vận dụng tốt nguồn lực Tổ chuyển đổi số cộng đồng kết hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn để triển khai các nền tảng số, năm 2022 đã đạt được một số kết quả nhất định như sau: Công dân được cài đặt và sử dụng Nền tảng thanh toán trực tuyến đạt 45%; số hộ sản xuất nông nghiệp được cài đặt và sử dụng Nền tảng mua sắm trực tuyến (Voso, Postmart) 16.569 tài khoản; có 52.959 tài khoản đã được tạo trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bài học kinh nghiệm

Từ việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số ở tỉnh Yên Bái: Mô hình đơn vị hành chính huyện, xã; Cơ quan nhà nước; Trường học số; Công dân số, Tổ chuyển đổi số cộng đồng; nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử với phương châm thực hiện toàn dân, toàn diện “không để ai ngoài cuộc trong công cuộc chuyển đổi số”, tỉnh Yên Bái rút ra được một số bài học sau:

(1) Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ công chức, viên chức về chuyển đổi số cần thay đổi nhận thức và chủ động đi trước, dẫn dắt (100% các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số); thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, thôn, tổ dân phố; thành lập Câu lạc bộ chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; tổ chức các chương trình, hội nghị về chuyển đổi số và sẵn sàng đưa vào thử nghiệm, ứng dụng những công nghệ số, nền tảng số mới.

(2) Triển khai nhiều giải pháp nhận thức số, truyền thông lan tỏa kiến thức, cách làm mới, cách làm hay và các nhân vật điển hình, tiêu biểu trong chuyển đổi số trên tất cả các nền tảng như: Báo in, báo điện tử; đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh, huyện; hệ thống đài truyền thanh cơ sở; trang/cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtobe…); hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương…

yb1.jpg

Hội thảo Chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái

(3) Lựa chọn cách thức thực hiện chuyển đổi số phù hợp, toàn diện và thực hiện đồng thời, đó chính là thí điểm để nhân rộng - thực thi chiến lược “đầu tàu”, chiến lược “vệt dầu loang”. Thí điểm ai, ở đâu thì lựa chọn những nhân tố tích cực, hội tụ các yếu tố về sự quyết tâm người đứng đầu, nhận thức và hạ tầng kỹ thuật.

(4) Lấy người dân dẫn dắt cơ quan nhà nước: Nếu nhu cầu chuyển đổi số xuất phát từ trong dân, nghĩa là người dân thấy cần thiết, cần được sử dụng, trải nghiệm công nghệ số, hạ tầng số để cuộc sống tiện lợi hơn, thì lúc đó người dân sẽ dẫn dắt chuyển đổi số. Do vậy, thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng là cần thiết, lực lượng nòng cốt này sẽ phổ biến, nâng cao nhận thức số, triển khai dịch vụ số, nền tảng số, kỹ năng số đến từng người dân và mọi ngóc ngách của cuộc sống.

(5) Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, nhiều cái chưa có trong tiền lệ. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực doanh nghiệp công nghệ số vào cuộc bởi doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi và đông hơn nhiều so với cơ quan nhà nước và đây chính là lực lượng nòng cốt, là điều kiện cần để chuyển đổi số thành công./.

Hoàng Minh Tiến (Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top