Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2023

Thứ hai, 06/03/2023 17:26

Sáng ngày 06/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2023. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT; Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng uỷ, Giám đốc và đại diện các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành, đại diện lãnh đạo 63 Sở TT&TT; đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam; phóng viên của 10 cơ quan thông tấn, báo chí chuyên trách theo dõi các hoạt động của Bộ TT&TT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

20230306-Pg2-BT2.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Văn phòng Bộ TT&TT thông báo tóm tắt về công tác quản lý nhà nước Quý I/2023, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2023 và tình hình xử lý kiến nghị của các Sở TT&TT.

Những khó khăn, vướng mắc của các Sở, đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ ngành đều được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp trả lời, giải quyết tại Hội nghị. Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ trả lời, giải đáp khó khăn vướng mắc tại chỗ.

Đô thị thông minh cần chú trọng yếu tố con người hơn là công nghệ

Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu (Sở mới được tái lập sau 3 năm sáp nhập vào Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch) cho biết, tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng Đề án đô thị thông minh, mong muốn được sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của Bộ. 

20230306-pg1-TT-Tam2.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đô thị thông minh là một việc mới, sử dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam chúng ta mới triển khai các Đề án đô thị thông minh được khoảng 3 năm nay. Tuy nhiên, kinh nghiệm của một số nước đã triển khai đô thị thông minh cho thấy: “Trong 10 năm qua, khi làm đô thị thông minh, thế giới đã quá chú trọng vào chữ smart (tức là công nghệ), trong khi lẽ ra phải chú trọng vào chữ city (tức là con người). Do đó, giá trị mang lại không lớn”.

Từ kinh nghiệm quốc tế đó, Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẩn trương chỉ đạo Cục Chuyển đổi số tổng hợp thông tin về tất cả các dự án đô thị thông minh mà các tỉnh đang làm, từ đó phác thảo ra quy hoạch tương đối tổng thể về đô thị thông minh để các tỉnh khi làm việc nhỏ vẫn nhìn được vào bức tranh lớn.

20230306-pg2-TT-Dung.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng

Để giải quyết tình trạng chưa chủ động của các ban ngành tại địa phương trong triển khai chuyển đổi số, ngại đầu tư dự án tại các địa phương, Bộ trưởng lưu ý, Sở TT&TT cần phải đứng ra chủ trì làm một số nền tảng dùng chung cho tất cả các Sở ban ngành trong tỉnh mình. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cần khẩn trương công bố một số ứng dụng mà các Sở TT&TT phải chủ trì làm để dùng chung cho các ban, ngành trong tỉnh và đưa ra hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi về kết nối, nền tảng dùng chung của Bộ Y tế, Bộ trưởng cho biết, ngành Y tế nên tập trung đầu tư cho nền các nền tảng dùng chung của toàn ngành. Như vậy vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa quản lý được toàn bộ dữ liệu trên các nền tảng đó, từ khám chữa bệnh từ xa cho đến hồ sơ, bệnh án điện tử. 

20230306-pg1-TT-Long.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long

Các địa phương cần khẩn trương ban hành và triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Cũng tại Hội nghị, các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm đều có những chỉ đạo, lưu ý trong lĩnh vực mình phụ trách.

TT-Lâm-3.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đến nay đã có 51/63 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đề nghị các địa phương còn lại khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn. Đối với các địa phương đã ban hành rồi thì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Phải có doanh nghiệp công nghệ số mới làm được chuyển đổi số cho địa phương. Thứ trưởng cũng đề nghị làm rõ việc hướng dẫn quy hoạch triển khai hạ tầng viễn thông thụ động, triển khai quy hoạch giúp chia sẻ dùng chung hạ tầng, tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp.

20230306-pg1-Tc.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Về lĩnh vực báo chí, truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Ban Bí thư vừa ban hành Quyết định 101 thay thế Quyết định 75 (năm 2007) về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng kỷ luật lãnh đạo các cơ quan báo chí. Theo đó, quy định mới sẽ siết chặt kỷ cương, quy trách nhiệm rõ thêm về cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, người đứng đầu các cơ quan báo chí đối với các sai phạm trong hoạt động báo chí. Khi để xảy ra vi phạm, sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, kể cả tổ chức Đảng của cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản. Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị để phổ biến quyết định này tại 3 miền. Các Sở TT&TT cần nghiên cứu Quyết định để triển khai thực hiện.

Thanh tra Bộ TT&TT đã nhận thí điểm hình thức làm việc trực tuyến với đối tượng có những dấu hiệu về vi phạm hành chính khi có đơn thư. Trung tâm Thông tin - Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ Thanh tra Bộ về giải pháp phần mềm để hai bên có thể ký số về biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của một số đối tượng quản lý và tăng hiệu lực xử phạt.

Đối với việc triển khai chuyển đổi số, Chính phủ số, Xã hội số, An toàn thông tin mạng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, sau 3 năm triển khai, có phát sinh nhiều vấn đề cụ thể ở tầm thực thi. Sắp tới Bộ sẽ làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp theo chuyên đề với lãnh đạo các Sở để lắng nghe các vấn đề thực tiễn, từ đó có những kiến nghị về chính sách để tổ chức tháo gỡ các vấn đề một cách kịp thời.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý, hiện nay Bộ Kế hoạch Đầu tư đang tổ chức triển khai các quy hoạch vùng, trong đó có hợp phần TT&TT. Do đó, Viện Chiến lược TT&TT cần chuẩn bị sẵn sàng để có văn bản hướng dẫn các Sở TT&TT thu thập số liệu, có các đề xuất liên quan đến hợp phần TT&TT trong quy hoạch vùng sắp tới.

 

Một số kết quả nổi bật về TT&TT trong quý I/2023

Về bưu chính: Tháng 02/2023 thị trường ổn định, tăng trưởng nhẹ so với tháng 01/2023, ước đạt 176 triệu bưu gửi, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 8% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.358 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 5% so với tháng trước.

Về viễn thông: Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam đạt Top 50 thế giới về CNTT-TT, các chỉ tiêu phát triển hiện đang đồng bộ với công tác chỉ đạo điều hành của Bộ. Cụ thể:

Thuê bao băng rộng cố định ước đạt 21,78 triệu thuê bao, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 1,98 triệu thuê bao.

Thuê bao băng rộng di động ước đạt 85,79 triệu, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP ước đạt 99,6 triệu thuê bao tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 50%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 2,3 lần trung bình khối ASEAN.

Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực ASEAN và thứ 15 toàn cầu.

Về chuyển đổi số và Chính phủ số:

Tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập 69.345 Tổ Công nghệ số cộng đồng và 323.802 thành viên tham gia Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố; 48/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) được khai trương từ đầu tháng 4/2022, đến 21/02/2023 đã có hơn 17,5 triệu lượt truy cập.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đủ điều kiện là 74,72%, tăng 4,36% so với tháng 01/2023; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 48,74%, tăng 2,62% so với tháng 01/2023.

Về An toàn thông tin: Tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 02/2023 là 5.869.305, tăng 23,18% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 02/2023 là 1.992.024, tăng 17,89% so với cùng kỳ năm 2022.

Về Kinh tế số: Số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp là 732.163 doanh nghiệp, tăng trưởng 3,9% so với tháng 01/2023; số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 90.088 doanh nghiệp, tăng trưởng 13,7% so với tháng 01/2023.

Về Xã hội số: Từ đầu năm 2023 đến ngày 31/01/2023, Việt Nam có khoảng hơn 310 triệu lượt tải mới trên thiết bị di động, tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19% so với tháng trước.

Về Công nghiệp ICT: Ước tính đến hết tháng 02/2023, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 239.992 tỷ đồng, tăng trưởng 10,43% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt khoảng 8,2 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động ước đạt 70.800, tăng 300 doanh nghiệp so với tháng 01/2023, đạt tỷ lệ 0,71 doanh nghiệp/1.000 dân…

Về Báo chí, truyền thông: Tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trên không gian mạng giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Về lĩnh vực Xuất bản: Số đầu xuất bản phẩm in trong tháng 02/2023 là 2.000 đầu xuất bản phẩm, tương đương so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu lĩnh vực in trong tháng 02 đạt 5.606 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm trong tháng 02 đạt 430 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. 

 

  

Giang Phạm, Ảnh: Đức Huy
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top