Nghiên cứu, phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm, 17/05/2018 14:16

Ngày 17/5/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ ngành TT&TT năm 2018. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tham dự và chủ trì Hội nghị.

20181705-ta3-3.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị Khoa học và Công nghệ (KHCN) ngành TT&TT là hội nghị thường niên được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (17/5). Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích định hướng chính sách của Bộ TT&TT để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 16 ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT luôn xác định rằng hoạt động KHCN là nền tảng để có thể sản xuất ra được những sản phẩm công nghệ hiện đại.
 
“Các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị của Ngành đã và đang nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, như Thiết bị báo hiệu cứu hộ trên biển được cấp chứng chỉ quốc tế của COSPAS-SARSAT; Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0 của Viettel; Sản phẩm thiết bị học tập và giải trí tập trung phục vụ nhu cầu gia đình SmartBox 2 của VNPT… Các sản phẩm, dịch vụ này sẽ góp phần giúp Việt Nam xây dựng hệ sinh thái số lớn mạnh, đủ khả năng bắt kịp “chuyến tàu” cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) của thế giới”,  Thứ trưởng chia sẻ.
 
Cũng theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ TT&TT cũng luôn khuyến khích các đơn vị nghiên cứu trong Ngành tham gia các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc các chương trình KHCN cũng như các nhiệm vụ độc lập. Đến nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ đang thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp các vấn đề về cơ sở lý luận phục vụ quản lý nhà nước, các vấn đề về phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực TT&TT.
 
Đối với các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ,  Bộ TT&TT luôn triển khai nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước dành cho KHCN. Các kết quả nghiên cứu đã giúp làm rõ những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn về phát triển ngành TT&TT; đề xuất hệ thống các giải pháp phát triển cho từng ngành, lĩnh vực; chủ động nghiên cứu đón đầu công nghệ mới nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp như nghiên cứu công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5; trí tuệ nhân tạo (AI); kinh tế số; blockchain.... Bộ cũng đã tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về CNTT-TT trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam vào đầu năm 2018. Bộ TT&TT cũng đã tổ chức nghiên cứu, định hướng thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam và đang tham gia cùng Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam.
 
Để hoạt động KHCN tiếp tục thực sự trở thành động lực phát triển ngành TT&TT gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới hướng đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành TT&TT triển khai một số nội dung sau:
 
Thứ nhất, tăng cường việc trao đổi thông tin về hoạt động KHCN giữa các đơn vị quản lý, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp để gắn kết các nội dung nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, người dân.
 
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp với nội dung tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông; phát triển các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, CNTT trọng điểm; xây dựng và phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam; nghiên cứu hướng tới làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng, công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
Thứ ba, chú trọng công tác thúc đẩy ứng dụng KHCN, định hướng, lựa chọn ứng dụng tiến bộ KHCN, hoạt động đổi mới công nghệ, mua bán, chuyển giao công nghệ và hoạt động đầu tư xây dựng, triển khai các dự án phát triển công nghệ, tạo lập thị trường KHCN.
 
20181705-ta1-1.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Liên quan đến  kết quả hoạt động  KHCN trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 2016 - 2018, ông Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ TT&TT cho hay, việc tổ chức triển khai các chính sách về KHCN trong lĩnh vực TT&TT luôn được củng cố, tăng cường theo đúng chức năng, nhiệm vụ; định hướng việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành; hình thành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành; tăng cường quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ mạng lưới hướng tới sự phát triển bền vững trong lĩnh vực TT&TT.
 
Đối với việc tham gia hoạt động nghiên cứu KHCN cấp quốc gia, ông Trung nêu rõ, từ năm 2016, các đơn vị nghiên cứu trong Bộ TT&TT đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đầu tư và tham gia triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia theo các chương trình, đề án quốc gia về KHCN; các chương trình KHCN trọng điểm quốc gia và các nhiệm vụ KHCN quốc gia độc lập.
 
Theo các quy định hiện hành, Bộ TT&TT đã rà soát, đánh giá và đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN và các chương trình KHCN trung bình mỗi năm từ 5 - 6 nội dung nghiên cứu. Hiện nay, các đơn vị như Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn VNPT… đang thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp các vấn đề cơ sở lý luận phục vụ quản lý nhà nước, các vấn đề về phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực TT&TT.
 
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ trong lĩnh  vực TT&TT theo quy định tại Thông tư 45 năm 2016 của Bộ TT&TT (trước đây là Thông tư 06/2012/TT-BTTTT), trong điều kiện nguồn kinh  phí cho hoạt động KHCN cấp Bộ còn hạn chế, việc triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ đã được tăng cường nhằm đáp ứng các nhiệm vụ quản lý thực tiễn của Bộ cũng như các vấn đề công nghệ mới. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ đã có sự thay đổi theo hướng đảm bảo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước dành cho KHCN.
 
Điểm lại một số kết quả nổi bật của hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực TT&TT thời gian  qua, đại diện Vụ KH&CN cho biết, bên cạnh việc đóng góp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và thực thi các Luật, Nghị định trong lĩnh vực TT&TT, các quy hoạch phát triển ngành..., ngành TT&TT cũng đã chú trọng triển khai các nghiên cứu mang tính đón đầu công nghệ mới nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp và kịp thời cũng như các vấn đề về công nghệ mới như: công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, blockchain…
 
Bộ TT&TT đã tổ chức nghiên cứu, định hướng xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Văn bản 58/BTTTT-KHCN vào đầu năm 2018 của Bộ TT&TT hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về CNTT-TT trong việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam đã được gửi tới tất cả các địa phương trên cả nước với mục đích thống nhất cách hiểu và thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung  và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững. Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số (KPI) về đô thị thông minh và hướng dẫn áp dụng thống nhất. Dự kiến bộ chỉ số này sẽ được công bố ngay trong năm nay.
 
Đặc biệt, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổ chức nghiên cứu, định hướng thích ứng với cách mạng 4.0 ở Việt Nam theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ TT&TT đã đặt hàng và chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu về đô thị thông minh, an toàn thông tin, công nghệ ICT mới, xu hướng tiếp cận công nghệ trong cách mạng 4.0… Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ tuyên truyền về cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam. Đồng  thời, Bộ TT&TT đang tham  gia cùng Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.../.
Thảo Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top