Khai mạc Hội nghị Toàn quốc Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020

Sáng ngày 26/03/2013, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính Phủ; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các đài truyền hình trung ương và địa phương…

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng. Đề án số hóa cũng nhằm mục tiêu từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như HDTV, 3DTV,…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp.
 
img
 
Mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo (tiêu chuẩn truyền hình số Châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4. Khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự, các máy thu hình tương tự hiện nay sẽ không thu được tín hiệu truyền hình số mặt đất và phải lắp thêm đầu thu hình số mặt đất. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách mua đầu thu truyền hình số mặt đất đồng thời quy định việc các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình theo lộ trình với từng chủng loại.
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết ngành Thông tin và Truyền thông trong thời gian quan là ngành đi đầu trong các ngành dịch vụ và mang lại những giá trị cao về kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước. Chúng ta đã chứng kiến những tác động và hiệu quả to lớn của số hóa trong lĩnh vực viễn thông đầu những năm đầu thập kỷ 1990 thế kỷ trước. Và giờ đây chúng ta bắt đầu việc số hóa truyền dẫn số hóa truyền hình mặt đất theo xu thế chung của thế giới. Truyền hình là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội và được nhân dân sử dụng một cách phổ biến. Số lượng người sử dụng còn nhiều hơn cả viễn thông. Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng số hóa và số lượng dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong toàn xã hội. Xét về khía cạnh công nghệ kỹ thuật, thì truyền hình có các khâu chính là sản xuất truyền hình, truyền dẫn và phát sóng. Sản xuất chương trình thì đã được số hóa từ lâu nên chất lượng ngày càng cao, trong khi đó việc phát sóng vẫn sử dụng công nghệ tương tự. Xu hướng số hóa khâu truyền dẫn phát sóng là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và là xu hướng không thể đảo ngược trong tình hình CNTT đang ngày càng phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu cụ thể từ nay đến tháng 6/2013, các đài địa phương có báo cáo với lãnh đạo tỉnh mình tham gia Đề án như thế nào. Sau đó các UBND tỉnh, Sở TT&TT, Đài PTTH các tỉnh nên có phiên họp phiên chuyên đề bàn về những khó khăn, giải pháp, hợp tác tham gia Đề án để trình Bộ TT&TT. Tháng 6 đến tháng 9/2013, Ban chỉ đạo đề án số hóa rà soát các đăng ký của các địa phương để cuối năm trình quy hoạch đơn vị nào có thể thực hiện truyền dẫn phát sóng truyền dẫn để kết thúc năm 2013 Đề án đạt được một bước tiến quan trọng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng vì một số đơn vị đã tích cực triển khai và sớm có kế hoạch hợp tác truyền dẫn phát sóng theo vùng như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, Công ty Hanel.
 
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2013: Sớm triển khai đề án về thông tin tuyên truyền Đề án; UBND các tỉnh tập trung xây dựng phương án đổi mới sản xuất kinh doanh của các đài cũng như sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn phát sóng của các Đài PTTH trong cả nước và khu vực và báo cáo Bộ TT&TT; Thực hiện xem xét cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng PTTH trên cả nước và khu vực trên cơ sở các phương án, đề án của các tỉnh đã báo cáo; Các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ TT&TT để tiếp tục xây dựng cơ chế tài chính, chính sách, các giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu tư, thiết bị truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất. Đối với các doanh nghiệp hạ tầng truyền dẫn phát sóng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị, đặc biệt 3 đơn vị lớn là VTV, VTC, AVG đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, hiện đại, trước mắt ở 5 thành phố lớn, tiếp theo là triển khai ở các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết trước mắt tập trung trước mặt thực hiện số hóa truyền hình ở một số địa phương trong 5 tỉnh trung ương và một số tỉnh thực hiện trước để rút kinh nghiệm, để triển khai các tỉnh khác. Đề nghị các tỉnh trong điều kiện của mình có thể đăng ký tham gia vào kế hoạch số hóa có thể trước thời điểm trong Quy hoạch đã đề xuất...