Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bắt đầu từ tư duy của người dân

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất nông nghiệp góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi… Tuy nhiên, để ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp và đưa việc áp dụng CNTT trở thành hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thì còn cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành cũng như việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất của người dân…

201689-u6.jpg

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững.

Công nghệ thông tin góp phần tăng năng suất
 
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, việc áp dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp người dân giảm chi phí, nhân công mà còn nâng cao năng suất cây trồng. Tại Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp mới đang ở giai đoạn chập chững. Trong đó, CNTT và truyền thông mới được ứng dụng trong việc sản xuất cây trồng các mô hình nhà màng, bao gồm hệ thống tự động hóa điều khiển, hệ thống điều khiển tưới kết hợp với bón phân, hệ thống điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ…Nó xuất hiện nhiều trong hệ thống quản lý theo chuỗi mà các tập đoàn, công ty lớn đang đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Tại hội thảo “Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn”- ông Ngô Văn Hùng (Tổng thư ký Hội đồng khoa học, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng, hiện nay, việc kết hợp CNTT và sản xuất nông nghiệp, sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng theo dõi tiến độ mùa vụ, xác định giai đoạn sinh sản của cây trồng để tính đúng, tính đủ nhu cầu nước, phân bón, đồng thời đánh giá được mức độ nhạy cảm của cây trồng với các loại sâu bệnh… “CNTT là cơ hội để cho người nông dân trở thành doanh nghiệp số, góp phần đưa năng suất cây trồng tăng lên, để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp tại Việt Nam “chỉ mới bắt đầu”, chủ yếu ứng dụng trong các cơ quan quản lý ngành. Một số năm trở lại đây đã có vài doanh nghiệp lớn đã ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp như: Vinamilk, TH True Milk, VinEco... Còn đối với đa số nông dân, việc ứng dụng CNTT vẫn là câu chuyện của tương lai” - ông Hùng cho hay.
 
Tạo sự liên kết để đột phá
 
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, cũng như các chuyên gia trong ngành CNTT, Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ người dân sử dụng internet phát triển nhanh nhất thế giới. Việc kết nối internet cáp quang đã được kéo đến tận các huyện, xã vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cũng gia tăng nhanh chóng, đây là một trong những thuận lợi rất lớn để người dân ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay đó là dân trí ở nông thôn còn thấp, số người truy cập mạng internet và sử dụng điện thoại di động rất lớn, nhưng lại chưa xử dụng hết tính năng của loại công nghệ này vào sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn vốn hạn chế cũng là một trong những khó khăn ngăn chặn sự tiếp cận CNTT của người dân, doanh nghiệp đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
 
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Hằng cho hay, hiện việc ứng dụng CNTT vào phát triển nông nghiệp công nghiệp cao là một trong những hướng đi giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT như thế nào cho hiệu quả là bài toán hết sức nan giải. “Để người dân có thể áp dụng tốt CNTT vào sản xuất nông nghiệp, trước hết cần phải có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo về CNTT cho đội ngũ kỹ sư nông nghiệp. Không ai khác, chính đội ngũ này sẽ đưa kiến thức CNTT đến đông đảo nông dân. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giới thiệu mô hình, công nghệ để người dân áp dụng. Đồng thời quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, loại bỏ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún” - bà Hằng nói.
 
Cũng theo bà Hằng, việc ứng dụng công nghệ cao đang là nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Song hiện nay, việc áp dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang phát triển theo hướng mạnh ai nấy làm, mạnh đâu phát triển đó. Vì thế, để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, hơn lúc nào hết các cấp, các ngành cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc giải bài toán liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.