Thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu đưa dịch vụ IPv6 tới người sử dụng

Vừa qua, từ ngày 19 đến ngày 27/10/2016, Ban công tác thúc đẩy IPv6 Việt Nam đã có các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp viễn thông và một số cơ quan báo chí tiêu biểu để nắm bắt thông tin, ghi nhận kịp thời các hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị phục vụ cho mục tiêu chung của công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia. Ban công tác thúc đẩy IPv6 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm làm trưởng Ban công tác.

20161027-u1.jpg

Thứ trưởng Phan Tâm, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Tập đoàn Viettel và các thành viên Ban công tác

Năm 2016 là năm bắt đầu Giai đoạn 3 - Giai đoạn Chuyển đổi trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đây được xem là giai đoạn quan trọng và kéo dài. Giai đoạn này sẽ hoàn tất mục tiêu mạng Internet Việt Nam an toàn, ổn định. Việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 sẽ giải quyết được bài toán không gian, an toàn mạng, đáp ứng người sử dụng trải nghiệm các dịch vụ tiên tiến, tốc độ truy cập nhanh hơn nhiều lần…

Với mục tiêu cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, việc nắm bắt hiện trạng triển khai IPv6 tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. IPv6 (Internet Protocol version 6) là “Giao thức liên mạng thế hệ 6″, một phiên bản của giao thức liên mạng (IP) nhằm mục đích nâng cấp giao thức liên mạng phiên bản 4 (IPv4) hiện đang truyền dẫn cho hầu hết lưu lượng truy cập Internet nhưng đã hết địa chỉ. IPv6 được thiết kế với hi vọng khắc phục những hạn chế vốn có của địa chỉ IPv4 như hạn chế về không gian địa chỉ, cấu trúc định tuyến và bảo mật, đồng thời đem lại những đặc tính mới thỏa mãn các nhu cầu dịch vụ của thế hệ mạng mới.
 
Tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT, đại diện lãnh đạo VNPT cho biết, năm 2017, VNPT chính thức cung cấp IPv6 cho khách hàng 4G LTE. Hiện VNPT có 7,7 triệu địa chỉ IPv4, đã sử dụng hết khoảng 4,5 triệu địa chỉ. VNPT hiện được cấp 1 dải địa chỉ IPv6/32. Đã triển khai quy hoạch cấp các giải pháp IPv6 cho các dịch vụ cố định, di động, IDC. Từ cuối năm 2016, VNPT sẽ cung cấp thử nghiệm IPv6 cho khách hàng 4G LTE để đánh giá mô hình cung cấp dịch vụ và đưa ra khuyến nghị với khách hàng về thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6. Hiện nay, lưu lượng IPv6 trao đổi ra quốc tế của VNPT là lưu lượng của khách hàng IDC và hoàn thành triển khai IPv6 trên kết nối peering với FPT và Viettel từ tháng 8/2016. Trong năm 2017, VNPT sẽ cung cấp rộng rãi IPv6 cho khách hàng Internet băng rộng cố định, triển khai IPv6 cho thuê bao 4G LTE…
 
Phó Tổng giám đốc VNPT Tô Mạnh Cường cũng cho biết, VNPT trong những năm qua đã chuẩn bị thiết bị sẵn sàng hỗ trợ IPv6. Hiện VNPT đã sẵn sàng IPv6 cho toàn bộ hệ thống lõi, peering, IDC. Quý IV năm 2016, sẽ kích hoạt IPv6 (active) cho các thiết bị đầu cuối khách hàng và công tác này sẽ diễn ra trong toàn bộ năm 2017. Tập đoàn sẽ thử nghiệm hỗ trợ IPv6 cho 4G cũng trong quý IV này. Ngoài hoàn thành cấu hình Google Cache hỗ trợ IPv6 thì sắp tới cũng thực hiện cấu hình Facebook cache.
 
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, đại diện doanh nghiệp này cho biết, hiện tại  hạ tầng mạng lưới của Viettel đã sẵn sàng hỗ trợ IPv6 cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đối với công tác triển khai thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ 4G LTE, Viettel đã hoàn thành triển khai hạ tầng mạng thử nghiệm cho dịch vụ 4G tại Vũng Tàu; Thử nghiệm thành công cấp phát IPv6 cho các thuê bao 4G Vũng Tàu truy cập vào các ứng dụng web hỗ trợ IPv6 như Facebook, Youtube, Google… Đang tiến hành thử nghiệm IPv6 truy cập các dịch vụ VAS-CP của Viettel như MobileTV, keeng…
 
Về cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định, Quý II năm 2015, Viettel đã thực hiện rà soát toàn bộ các thiết bị cung cấp dịch vụ băng rộng cố định về khả năng hỗ trợ IPv6: 100% các thiết bị lõi core Internet đã hỗ trợ IPv6, 85% các thiết bị BRAS đã hỗ trợ IPv6 (các thiết bị không hỗ trợ IPv6 đang có lộ trình chuyển đổi sang thiết bị hỗ trợ IPv6). Quý IV/2015 thử nghiệm thành công triển khai IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định trên mạng Lab tại Hòa Lạc. Quý I/2016 triển khai thử nghiệm cung cấp IPv6 cho khách hàng tại Vũng Tàu: Kích hoạt IPv6 cho một tập khách hàng băng rộng tại Vũng Tàu (đến ngày 14/10/2016 có 113 thuê bao FTTH-GPON được kích hoạt IPv6). Tháng 12/2016, mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố còn lại trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
 
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel đã khẳng định các hoạt động chuyển đổi của IPv6 trong thời gian tới của Viettel sẽ được quan tâm hơn, đúng lộ trình, chỉ đạo của Bộ TT&TT. Viettel  sẽ có những chỉ đạo sát sao để quá trình chuyển đổi sang IPv6 của Viettel tốt hơn.
 
Tại buổi làm việc với FPT Telecom, Tổng giám đốc FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa cho biết theo thống kê của Akamai tính đến ngày 25/10, FPT Telecom hiện đang đứng thứ 47 trên thế giới về triển khai IPv6 và xếp vị trí thứ 2 tại Việt Nam sau VNNIC. FPT Telecom chính thức cung cấp IPv6 đến hộ gia đình từ ngày 1/7/2016, hiện FPT Telecom đã trở thành một trong ba đơn vị dẫn đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam, và có kết quả khá ấn tượng với gần 600.000 hộ gia đình được kích hoạt IPv6. FPT Telecom đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp góp phần tăng trưởng phần trăm người dùng IPv6 tại Việt Nam và mang đến nhiều lợi thế đáng kể cho người sử dụng. Ngoài ra, FPT Telecom còn triển khai thành công IPv6 với hơn 5 loại thiết bị khác nhau của FPT bao gồm thiết bị xPON, xDSL; Hệ thống Radius và hệ thống thanh toán cước kích hoạt IPv6 hỗ trợ hiển thị và cấp phát IPv6 cho khách hàng; Kích hoạt IPv6 trên hệ thống mạng nội bộ của FPT Telecom; Xây dựng hệ thống Proxy IPv6, DNSv6, DHCPv6; Hệ thống hỗ trợ tường lửa IPv6; Kích hoạt 100% IPv6 tại khu vực Trung tâm dữ liệu của FPT Telecom; hỗ trợ chuyển đổi thành công cho nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn…Theo kế hoạch đến cuối năm 2016, FPT Telecom phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi thành công từ 700.000 – 750.000 hộ gia đình sử dụng IPv6 và phối hợp thành công với VNExpress, trang báo điện tử lớn nhất Việt Nam để kích hoạt đưa vào sử dụng nền tảng IPv6.
 
Đối với lộ trình triển khai IPv6, đại diện FPT online cho biết, Báo điện tử VnExpress.net sẽ chuyển đổi sang IPv6 trong nửa đầu năm 2017, hệ thống Ngoisao.net sang IPv6 sẽ chuyển đổi vào vào cuối năm 2016, thay vì hoàn tất chuyển đổi hệ thống của 2 trang này vào cuối năm 2019 như lộ trình cũ. Lộ trình chuyển đổi IPv6 của FPT Online/VnExpress bám theo lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia, với 3 giai đoạn: chuẩn bị (2011 - 2012); Khởi động (2013 - 2015); Triển khai (2016 - 2020).
 
Đại diện Ban công tác thú đẩy IPv6 Việt Nam, Giám đốc Trung tâm VNNIC Trần Minh Tân đã ghi nhận các khó khăn, kiến nghị trong việc thực hiện chuyển đổi IPv6 của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung này. Ông Trần Minh Tân cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, trong đó, VNPT cần là đơn vị chuyển đổi IPv6 tiên phong, chủ động định hướng, truyền thông cho khách hàng các dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ IPv6 để khách hàng có lựa chọn tốt hơn, nhất là khi VNPT vừa được cấp phép triển khai 4G. VNPT cũng có phần mạng lớn nên chủ động đấu nối tất cả các dịch vụ CNTT hỗ trợ IPv6 để rút kinh nghiệm, rà soát danh sách website của Tập đoàn để chuyển đổi IPv6. Các phần liên quan đến dịch vụ DNS, VNPT đã triển khai kết nối VNIX nhanh, triển khai IPv6 cho DNS. Qua theo theo dõi, hệ thống DNS của VNPT mạnh nhất, hệ thống vào VNPT chiếm đại đa số. Triển khai IPv6 cho DNS để tăng cường kết nối Internet. Chuyển đổi IPv6 không chỉ chuyển đổi công nghệ, các thiết bị VNPT Technology cũng đã sẵn sàng. Đây là một lợi thế, để đảm bảo khách hàng được cung cấp sản phẩm là sẵn có IPv6 luôn.

Đánh giá hành động của Viettel trong triển khai IPv6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, Viettel về cơ bản đã sẵn sàng mạng lưới. Các thiết bị Viettel sản xuất đáp ứng tương thích IPv6, điều này cho thấy Viettel vừa làm chủ công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến, mới. Công việc quan trọng tiếp theo là cần có kế hoạch chuyển đổi IPv6 rộng hơn.
 
Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề nghị Viettel trong thời gian từ nay đến cuối năm 2016 và đặc biệt là sang năm 2017, cần quyết liệt triển khai ứng dụng IPv6 trong nội bộ tập đoàn ngay từ khối lãnh đạo để sau đó có thể truyền thông về công nghệ mới, lợi ích, tiện ích của IPv6. Trên cơ sở đó để mở rộng triển khai ra cho các khách hàng doanh nghiệp, người dùng cuối. Ngoài ra, các trang web của Tập đoàn cần phải gắn nhãn sẵn sàng IPv6 và mạng FTTH, 4G, các dịch vụ thuê ngoài sẵn sàng đáp ứng IPv6.
 
Trong thời gian qua, Ban công tác thúc đẩy IPv6 Việt Nam cũng đã có các buổi làm việc với Tổng công ty Mobifone; FPT Telecom; Cục Bưu điện trung ương…